Ngành dầu khí Mỹ ảm đạm

Một trong những trọng tâm trong chính sách năng lượng của Tổng thống Donald Trump là 'giải phóng năng lượng Mỹ' – biến nước này thành cường quốc năng lượng hàng đầu thế giới. Ông và đội ngũ từng nhiều lần nhấn mạnh khẩu hiệu 'khoan, cứ khoan đi' như biểu tượng của sự phục hưng ngành dầu khí nội địa.

Ngành dầu khí Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh AFP

Ngành dầu khí Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh AFP

Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright – nguyên CEO của Liberty Energy – từng tuyên bố rằng chính sách của chính quyền Trump sẽ mở ra một “thời kỳ hoàng kim” cho ngành dầu khí Mỹ.

Nhưng thực tế lại không như kỳ vọng. Ngành dầu khí nước này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: Số giàn khoan sụt giảm, làn sóng sa thải lan rộng, và tâm lý lo ngại gia tăng trong giới lãnh đạo doanh nghiệp.

Ông Kirk Edwards, Chủ tịch công ty Latigo Petroleum tại Odessa, chia sẻ: “Ngay sau khi ông Trump thắng cử, cả ngành hân hoan vì tin rằng đây sẽ là một nhiệm kỳ thân thiện với năng lượng. Nhưng chỉ vài tháng sau, những rào cản mới đã xuất hiện. Thuế quan tăng khiến chi phí khoan đội lên đúng lúc các công ty muốn đẩy mạnh khai thác, khiến lợi nhuận co hẹp”.

Thêm vào đó, việc chính quyền Trump gây áp lực lên OPEC để tăng sản lượng trong bối cảnh thị trường thế giới đã dư thừa dầu khiến giá tiếp tục lao dốc. Ông Edwards nhận xét: “Giá dầu rơi tự do khiến nhà khai thác Mỹ như rơi vào thế bị động. Khẩu hiệu “khoan đi, cứ khoan” giờ thành “chờ đi, cứ chờ”. Giá cả bấp bênh, không ai dám bổ sung thêm giàn khoan”.

Theo trang The Center Square, trong bối cảnh tín hiệu thị trường không rõ ràng, các công ty dầu khí đã ngừng mở rộng khai thác. Tính đến ngày 28/3, số giàn khoan tại bang Texas – trung tâm dầu khí lớn nhất nước Mỹ – chỉ còn 290, giảm mạnh so với 376 giàn hồi tháng 3/2024, theo số liệu từ Baker Hughes.

Ông Linhua Guan, CEO của Surge Energy ở Houston, cho biết: “Ngành dầu đá phiến đang gặp khó từ cả sản lượng lẫn tài chính”. Khảo sát cho thấy phần lớn người trong ngành tin rằng sản lượng dầu thô Mỹ sẽ dần chững lại trong thập kỷ tới.

Scott Sheffield, nhà sáng lập Pioneer Natural Resources, cũng lên tiếng cảnh báo rằng khẩu hiệu “khoan đi, cứ khoan” có thể chỉ là khẩu hiệu. Phát biểu tại hội nghị ở Houston, ông cho biết: “Chúng ta sẽ phải thắt lưng buộc bụng. Có thể sẽ phải cắt giảm nhân sự và chỉ tập trung vào những mỏ hiệu quả nhất. 2–3 năm tới sẽ là giai đoạn thử thách”, ông nói với Bloomberg News.

Trong khi đó, giá dầu vẫn lao dốc. Hôm thứ Ba, giá dầu WTI – chuẩn dầu thô của Mỹ – chỉ còn 63,92 USD/thùng, thấp hơn mức hòa vốn 65 USD mà nhiều công ty cần để tồn tại. Con số này đã giảm mạnh so với mức khoảng 80 USD/thùng hồi đầu tháng 1.

Ngành dầu khí Texas chao đảo: Sa thải tăng, tương lai mịt mờ

Texas – thủ phủ dầu khí của nước Mỹ – từng liên tục phá kỷ lục về sản lượng khai thác, và dẫn đầu cả nước về tạo việc làm trong hai năm qua, theo trang The Center Square. Tuy nhiên, bức tranh sáng sủa đó đã nhanh chóng nhạt màu. Riêng trong tháng 3, lĩnh vực thượng nguồn – chuyên khoan khai thác dầu tại vùng trữ lượng lớn ở Permian – đã mất 700 việc làm.

Không chỉ có vậy, các tập đoàn dầu khí cũng đang mạnh tay cắt giảm nhân sự. Trong tháng trước, BP thông báo sẽ cắt giảm tổng cộng 7.700 nhân viên trên toàn cầu, đồng thời chuyển khoảng 1.100 việc làm từ Mỹ sang các quốc gia như Hungary, Ấn Độ và Malaysia, theo Pipeline & Gas Journal. Hiện BP có khoảng 4.000 nhân viên làm việc tại Houston – trung tâm dầu khí của bang Texas và toàn nước Mỹ, đồng thời là nơi đặt trụ sở chính của BP tại Mỹ.

Trước đó vào tháng 2, Chevron công bố kế hoạch cắt giảm tới 20% lực lượng lao động trên toàn cầu từ nay đến cuối năm 2026. Còn trong tháng 1, APA Corporation cho biết sẽ cắt gần 300 nhân viên toàn cầu. Sang tháng 2, công ty tiếp tục mạnh tay giảm tới 1/3 số nhân sự tại trụ sở chính, theo Houston Chronicle. Nhiều lãnh đạo trong ngành tiết lộ với The Center Square rằng làn sóng sa thải vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở Texas.

Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi Liberty Energy công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với kết quả gây thất vọng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 20 triệu USD, mức thấp nhất trong 3 năm qua, giảm mạnh so với 82 triệu USD cùng kỳ năm 2024 và 52 triệu USD của quý IV năm ngoái.

Tân CEO Ron Guzek thẳng thắn chia sẻ: “Trong vài tháng gần đây, các tuyên bố mới về thuế quan và chiến lược sản lượng quyết liệt hơn từ OPEC+ đã tạo ra làn sóng bất ổn cho toàn bộ ngành”. Phát biểu trước nhà đầu tư và báo giới, ông ví tình hình hiện nay như “mây đen đang kéo đến”, nhưng cũng nói thêm: “Cơn bão đó có thực sự ập đến hay không thì còn phải chờ xem”.

Trong báo cáo triển vọng năng lượng, Liberty nhận định: “Khi thị trường dầu toàn cầu phải đối mặt với hàng loạt thách thức – từ thuế quan, căng thẳng địa chính trị đến nỗi lo nguồn cung – các doanh nghiệp Bắc Mỹ buộc phải tính toán lại các kịch bản kinh tế vĩ mô”. Việc tạm hoãn áp thuế gần đây có giúp giảm phần nào áp lực lên kinh tế toàn cầu và trấn an lo ngại về nhu cầu dầu, nhưng yếu tố nguồn cung vẫn là điểm nóng, đặc biệt là các bước đi mới của OPEC+ và những rào cản với xuất khẩu dầu từ Iran, Nga và Venezuela.

Theo khảo sát mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang Dallas (Dallas Fed), tâm lý trong ngành đang trở nên bi quan rõ rệt. Chỉ số triển vọng doanh nghiệp giảm 12 điểm, trong khi chỉ số phản ánh mức độ bất định lại tăng vọt 21 điểm, cho thấy các lãnh đạo trong ngành đang đứng trước nhiều lo lắng về tương lai gần.

Nh.Thạch

Bloomberg News

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nganh-dau-khi-my-am-dam-726764.html