Ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ

Kết quả tăng trưởng của ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng nói riêng, nền kinh tế nói chung. Những con số 'biết nói' về lượng khách, doanh thu đã minh chứng cho sự tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.

6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt. Ảnh: ST

6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt. Ảnh: ST

Phục hồi mạnh mẽ

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ, du lịch trở thành điểm sáng của nền kinh tế khi đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam nhờ nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, khu vực dịch vụ, du lịch tăng 6,64%, đóng góp đến 49,76% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đáng chú ý, mặc dù thị trường du lịch trong nước ở mùa thấp điểm nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh. Đơn cử như trong tháng 6, lượng khách đến Việt Nam vẫn cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số khách du lịch nội địa cũng tiếp đà tăng, đạt 66,5 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm. Các điểm đến du lịch trọng điểm như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa… tiếp tục có sự bứt phá tăng trưởng.

6 tháng đầu năm 2024, du khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 436.500 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân giúp ngành du lịch duy trì mức tăng trưởng cao, các chuyên gia du lịch cho rằng, một phần quan trọng là nhờ động lực từ các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh giúp ngành du lịch giữ vững các thị trường khách truyền thống; đồng thời mở rộng nguồn khách từ các thị trường mới. “Đây sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để du lịch giữ vững điểm sáng về kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kỳ vọng.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với 2,2 triệu lượt (chiếm 30%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,8 triệu lượt (chiếm 25%). Riêng hai thị trường này đóng góp đến 50% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua. Về mức độ phục hồi, lượng khách quốc tế từ hầu hết các khu vực đã cao vượt so với cùng kỳ năm 2019, trong đó lượng khách từ châu Á đạt mức 106%, châu Mỹ đạt mức 103%; châu Âu gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 92%... Đây cũng là những thị trường chi tiêu cao, mua sắm nhiều khi đi du lịch.

Cần “cú hích” từ bên trong

Kết quả tăng trưởng du lịch cả về lượng khách lẫn doanh thu đã góp phần vào mục tiêu phát triển, phục hồi của ngành “công nghiệp không khói” sau đại dịch Covid-19. Với kết quả này, ngành du lịch kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm nay, khi thời điểm những tháng cuối năm là thời điểm bùng nổ của ngành du lịch.

Thực tế, trong năm qua, ngoài những đổi mới từ thị trường trong nước, du lịch Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận với rất nhiều giải thưởng. Kết quả này sẽ là nền tảng vững chắc để du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới, bởi việc được các tổ chức quốc tế ghi nhận sẽ giúp cho các quốc gia khác tin tưởng và ưu tiên lựa chọn gửi khách sang Việt Nam. Tuy nhiên, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng lưu ý những thách thức mà ngành du lịch phải đối diện, đó là tình hình chính trị thế giới còn phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước, quốc tế còn khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của du khách…

Từ góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho rằng, tình trạng cạnh tranh về giá trong ngành du lịch sẽ khốc liệt hơn, chi phí chiết khấu, chăm sóc khách hàng gia tăng, trong khi biên độ lợi nhuận bị thu hẹp. Do đó, ngành du lịch cần tiếp tục tạo ra động lực từ bên trong, trong đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu các chính sách kích cầu du lịch, gói hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đất đai…

Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng quyết liệt, các chuyên gia trong ngành cho rằng chính sách thị thực thông thoáng và các chương trình xúc tiến quảng bá hiệu quả sẽ là “đòn bẩy” giúp du lịch Việt Nam tiếp đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Cho rằng chính sách miễn thị thực tốt sẽ góp phần mở rộng cánh cửa chào đón du khách, ông Hoàng Nhân Chính (Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam) cho biết, Hội đồng sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất mở rộng các quốc gia được miễn thị thực đơn phương dài hạn, cũng như ngắn hạn. Các ý kiến cũng đề xuất cần thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm, triển khai các chiến dịch marketing theo chủ đề với các thị trường chủ lực...

Nhấn mạnh những kết quả đạt được vừa qua là rất đáng khích lệ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong lưu ý, trong điều kiện trong nước còn nhiều khó khăn và quốc tế có những biến động khó lường, ngành du lịch cần phải “đi bằng hai chân”, tập trung đổi mới từ nội tại, gắn với tăng cường quảng bá du lịch ra cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, để níu chân du khách, cũng như gia tăng mức chi tiêu của du khách tại điểm đến, từng địa phương, điểm đến phải xây dựng được sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là các sản phẩm theo hướng du lịch xanh, du lịch gắn với kinh tế đêm...; đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các điểm đến, doanh nghiệp du lịch và hàng không để khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh./.

NGUYỄN LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nganh-du-lich-but-pha-manh-me-33113.html