Ngành gỗ Việt giải bài toán tìm cửa ngoài Mỹ để tránh rủi ro thuế quan
Trong bối cảnh rủi ro thuế quan tăng cao, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu được xem là một trong những cửa sáng với doanh nghiệp gỗ. Nhưng liệu có đáng để đánh đổi?
Cú đánh bất ngờ với ngành gỗ
Ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD năm nay, tiếp đà tăng trưởng mạnh của năm ngoái nhờ vào sự khởi sắc của các thị trường cũng như mở rộng hiện diện nhờ tận dụng các hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro đã được dự báo trước như cuộc xung đột Nga – Ukraine, biến động chuỗi cung ứng với cước phí đường biển giữ ở mức cao, ngành gỗ còn phải đối mặt với cơn địa chấn mới từ những thay đổi về chính sách thuế quan của Mỹ vài tuần trở lại đây.
Mỹ là thị trường chiếm tới gần 56% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào năm ngoái. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách ở thị trường này cũng sẽ tác động rất lớn tới hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
Chỉ vài ngày sau khi công bố thuế đối ứng lên các đối tác thương mại hồi đầu tháng này, Mỹ đã quyết định tạm hoãn trong vòng 90 ngày và áp thuế chung ở mức 10% cho các thị trường.
Mặc dù thấp hơn rất nhiều mức 46% mà Việt Nam sẽ phải chịu theo công bố ban đầu của Mỹ, mức thuế suất 10% cũng khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ thêm áp lực. Nguyên nhân là bởi ngay cả khi đàm phán được với đối tác chia đôi phần thuế này, mức 5% cũng “thổi bay” lãi của nhiều doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định tại Diễn đàn doanh nghiệp 2025.
Đơn cử như Công ty cổ phần Phú Tài, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hàng đầu sang Mỹ, tại đại hội cổ đông ngày 15/4 vừa qua đã điều chỉnh giảm 10% lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch hồi đầu năm do tác động từ thuế đối ứng của Mỹ, theo tài liệu của Vietcap.
Tài liệu này cũng cho biết, Phú Tài hiện đã nhận đơn hàng cho quý III và đang tiếp tục nhận đơn cho quý IV năm nay. Điều đáng chú ý là các khách hàng Mỹ đặt nhiều đơn hàng cho quý II, yêu cầu doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất trong khoảng thời gian hoãn thuế tạm thời.

Đa dạng hóa thị trường ngoài Mỹ không phải câu chuyện dễ với các doanh nghiệp Việt. Ảnh: Hoàng Anh
Những động thái tương tự cũng được ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết tại một sự kiện về chính sách thuế đối ứng của Mỹ, giải pháp ứng phó của doanh nghiệp.
“Hiện chưa có nhiều động thái cắt giảm hay hủy các đơn hàng cho đến thời điểm hiện nay và các đơn hàng vẫn đang được giao”, ông Phương cho biết.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phản ánh đơn hàng có thể giao chậm lại, giao thương giữa nhà sản xuất và mua hàng diễn ra tình thế chần chừ. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thương lượng với khách hàng cắt giảm vài phần trăm để giải quyết các đơn hàng và chốt giao dịch.
Đường đi trắc trở
Đa dạng hóa thị trường nhờ vào các hiệp định thương mại tự do hay quay trở lại thị trường nội địa là hai trong số các giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững hơn. Những giải pháp này trên thực tế đã cho thấy hiệu quả ở một số quốc gia, đơn cử như Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo đại diện Hawa, trong vòng 3 – 6 tháng tới, đa dạng hóa thị trường là câu chuyện quá sớm.
Trên thực tế, việc tìm kiếm các sân chơi mới cũng không hề hễ bởi ngay cả các thị trường khác Mỹ cũng đang quá chật chội. Không chỉ vậy, việc quay lại thị trường nội địa không hề dễ khi ngành gỗ Việt Nam hiện nay xuất khẩu khoảng 16 tỷ USD (theo dữ liệu năm 2024) trong khi dung lượng thị trường trong nước chỉ ở mức khoảng 4 tỷ USD.
“Việc đa dạng hóa thị trường không thể làm trong ngắn hạn, thậm chí cả trong trung hạn”, ông Phương nhận định. “Tôi hy vọng vào khả năng thương lượng của chính phủ và nội lực của ngành gỗ. Thị trường Mỹ vẫn là thị trường rất tốt với ngành gỗ Việt Nam và chúng ta vẫn tự tin về vị thế so với các thị trường khác”.
Các dữ liệu cũng cho thấy bài toán khó với doanh nghiệp gỗ khi thúc đẩy xuất khẩu ra ngoài Mỹ khi thị phần của nước này thậm chí còn lớn hơn thị phần của tất cả các thị trường xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
Nếu xét riêng với xuất khẩu đồ gỗ, sau Mỹ, EU là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam, tuy nhiên, tỷ trọng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ các thị trường ngoài khối, theo cáo báo từ Bộ Công thương.
Đây còn là thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng các quy định khắt khe về chất lượng và nguồn gốc gỗ, như Quy định về chống mất rừng (EUDR), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững…
Không chỉ vậy, nhu cầu tiêu thụ gỗ tại châu Âu được dự báo sẽ ảm đạm do triển vọng vĩ mô gặp nhiều thách thức, báo cáo của MBS Research lưu ý.
Với Trung Quốc – thị trường lớn thứ hai của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, bên cạnh vấn đề “mượn xuất xứ” Việt Nam, ông Phương cho rằng, ngành gỗ cần nhìn thấy một vấn đề khác trước khi nói đến câu chuyện đa dạng hóa, đó là sự vượt trội của các doanh nghiệp ngoại.
Ông cho biết hiện nay, trong nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào Mỹ, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 15% về số lượng nhưng lại chiếm tới 65% về thị phần xuất khẩu và trong đó, cũng có không ít doanh nghiệp từ Trung Quốc hoặc có nguồn vốn liên quan đến Trung Quốc.
“Tôi vẫn tin rằng các doanh nghiệp này đầu tư nghiêm túc tại Việt Nam bởi Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh về nguyên vật liệu cũng như lao động và tay nghề lao động. Với bối cảnh thuế quan như hiện nay, các nhà máy FDI có khả năng sẽ rút bớt và đây là cơ hội để doanh nghiệp thuần Việt có thể tự tin giành lấy cơ hội vào Mỹ cũng như các thị trường còn lại của thế giới”, ông Phương nhấn mạnh.