Ngành Thuế thi đua tạo sức mạnh đại đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách
Kết quả các phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025 giúp ngành Thuế tạo sức mạnh đại đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Ngành Thuế tiếp tục thi đua giai đoạn 2026 - 2030, với mục tiêu xây dựng ngành Thuế phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập.
Nhiều phong trào thi đua được triển khai xuyên suốt
Chiều ngày 10/7, Cục Thuế long trọng tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam (10/9/1945 - 10/9/2025).
Dự chỉ đạo hội nghị có đồng chí Cao Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện các vụ/đơn vị thuộc Bộ Tài chính; lãnh đạo Cục Thuế; trưởng thuế các tỉnh, thành phố và trực tuyến tại 385 điểm cầu Thuế tỉnh, thành phố, Thuế cơ sở.
Trong 5 năm qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, hưởng ứng phát động các phong trào thi đua của Chính phủ, Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Cục Thuế đã thường xuyên tổ chức, phát động các phong trào thi đua hàng năm; các nội dung phát động, chỉ tiêu thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với khả năng tham gia của các tập thể, cá nhân trong toàn ngành.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Thuế tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Đức Minh
Với việc thực hiện tốt các phong trào thi đua, giai đoạn 2021 - 2025, kết quả thu ngân sách toàn ngành thực hiện luôn đạt và vượt dự toán. Đặc biệt năm 2024 vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, lần đầu tiên ngành Thuế cán mốc thu ngân sách hơn 1,7 triệu tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo nguồn lực phục vụ an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.
Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, phong trào thi đua yêu nước của ngành Thuế đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, gắn liền với nhiệm vụ chính trị và cải cách hành chính; thể hiện tinh thần đồng lòng, quyết tâm, đoàn kết và không ngừng nỗ lực phấn đấu. Qua đó, ngành Thuế đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt dự toán, công tác chuyển đổi số có nhiều dấu ấn thiết thực, được Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số của ngành Thuế tiếp tục có bước tiến vượt bậc, thông qua việc nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng 148 giải pháp quản lý công nghệ hiện đại, phục vụ, tạo thuận lợi cho người nộp thuế tiêu biểu như ứng dụng eTax Mobile giúp người nộp thuế có thể trải nghiệm nhiều tiện ích, nhanh chóng và thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng Chatbot AI trợ lý ảo và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác hỗ trợ người nộp thuế, quản lý nợ thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế,… góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử giúp ngành Thuế tạo bước đột phá mới trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt trong điều tra, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.
Năm 2024 kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Việc triển khai cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng tiếp nhận thông tin từ sàn thương mại điện tử là bước tiến lớn trong quản lý thuế theo xu hướng quốc tế, khẳng định được chủ quyền đánh thuế của Việt Nam góp phần thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Tính đến tháng 6/2025 đã có 159 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt gần 5,7 nghìn tỷ đồng; nâng tổng số thuế thu từ nhà cung cấp nước ngoài lũy kế từ khi mở cổng đến thời điểm tháng 6/2025 đạt trên 23 nghìn tỷ đồng.
Gặt hái nhiều phần thưởng cao quý
Cùng với việc chủ động phát động các trào thi đua, ngành Thuế còn triển khai nhiều phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính phát động.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành trao cờ thi đua của Bộ Tài chính cho Trưởng Thuế cơ sở 1 tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Đức Minh
Kết quả nổi bật nhất có thể kể đến là phong trào: “Cả nước đoàn kết chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, thực hiện phong trào, Tổng cục Thuế (nay là Cục Thuế) đã chủ động đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, đến ngày 31/10/2021, cơ quan thuế đã thực hiện gia hạn cho hơn 139.000 người nộp thuế, với tổng số thuế đã gia hạn khoảng 78.840 tỷ đồng.
Việc thực hiện kịp thời các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới...
Với những kết quả đã đạt được, trong 5 năm qua, các tập thể và cá nhân trong ngành Thuế đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý gồm: Huân chương Lao động hạng nhất: 3 tập thể, 3 cá nhân; Huân chương Lao động hạng nhì: 3 tập thể, 29 cá nhân; Huân chương Lao động hạng ba: 13 tập thể, 115 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 41 tập thể, 500 cá nhân; Cờ thi đua của Chính phủ: 2 tập thể… và nhiều tập thể, cá nhân đã được Bộ Tài chính tặng cờ thi đua, bằng khen…
Để tiếp tục lan tỏa các phong trào thi đua đến toàn ngành, tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2026 - 2030 với tinh thần: “Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tinh gọn, hiệu quả; đổi mới, sáng tạo”.
Các nội dung, chỉ tiêu thi đua gồm: Thứ nhất, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất. Động viên đầy đủ, kịp thời các nguồn thu tiềm năng, đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu vào ngân sách nhà nước.
Thứ hai, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Thứ ba, thực hiện tốt chương trình xây dựng thể chế, chính sách pháp luật về thuế và việc triển khai áp dụng các văn bản này vào cuộc sống để bảo đảm công bằng, chú trọng hiệu quả thu thuế (trong đó, tập trung vào các đề án lớn như Luật Quản lý thuế sửa đổi, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập cá nhân...).
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện trong công tác quản lý thuế và phục vụ người nộp thuế.
Thứ năm, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp.
Thứ sáu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.