Ngành Tư pháp Việt Nam - 80 năm lớn mạnh cùng đất nước

Đi trên đường Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) rợp bóng cây xanh, nhiều người chăm chú trước một tòa nhà 2 tầng mang phong cách kiến trúc của Pháp, chạy dài theo mặt đường nằm ở số 58 - 60. Công trình đã hơn 100 năm tuổi, vốn là Trường nữ sinh bản xứ, xây dựng năm 1918, nay là Trụ sở Bộ Tư pháp. Bước vào sảnh chính, ở trung tâm ngôi nhà, tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng câu nói của Người: 'Nghĩ cho cùng, vấn đề Tư pháp trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người' nổi bật trên nền đỏ. Tư tưởng, lời dạy, công lao, sự quan tâm của Bác đối với công tác tư pháp, ngành Tư pháp chính là hành trang, ánh sáng, lý tưởng để Ngành hoàn thành xuất sắc sứ mệnh suốt 80 năm qua.

Bài 1:

“Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền”

“Một dân tộc đã có những trang lịch sử oanh liệt phải được quyền sống chính đáng. Một dân tộc đã góp một phần xương máu vào cuộc chiến tranh chống phát xít xâm lược trong mấy năm nay, phải được độc lập, tự do. Đoàn kết phấn đấu, nhất định chúng ta sẽ thành công” - đó là lời trong Tuyên cáo ngày 28/8/1945 về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Bộ Tư pháp - vinh dự, tự hào khi là một trong các Bộ được khai sinh cùng chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ từ mùa thu lịch sử năm ấy.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời dạy của Người tại sảnh trụ sở Bộ Tư Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho nền Tư pháp dân chủ nhân dân

Năm 1919, trong thân phận của một người dân mất nước, giữa nước Pháp hoa lệ, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc, trong bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Versailles đã mạnh mẽ đòi quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp Chính phủ đầu tiên ngày 03/9/1945 (Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, đứng thứ hai, hàng thứ 2 từ phải qua). (Ảnh: Tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp Chính phủ đầu tiên ngày 03/9/1945 (Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, đứng thứ hai, hàng thứ 2 từ phải qua). (Ảnh: Tư liệu)

Về sau, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá rộng rãi trong kiều bào và chuyển về nước bản “Việt Nam yêu cầu ca”, chuyển thể nội dung bản yêu sách thành những vần ca lục bát dễ đọc, dễ nhớ và yêu sách thứ 7 đã được Người chuyển thành 2 câu thơ dung dị mà sâu sắc: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nghĩa là, mọi quan hệ xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống đều phải có pháp luật điều chỉnh. Mọi người đều phải tuân thủ luật pháp.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, phát xít Nhật và lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước ta. Đặc biệt, Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mùa thu lịch sử 80 năm trước, 20 triệu người dân của xứ thuộc địa đã trở thành người làm chủ của một nước Việt Nam mới.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” - lời tuyên ngôn bất hủ của vị lãnh tụ có đôi mắt sáng ngời vào buổi chiều ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình vẫn còn vang vọng.

80 năm đã qua. May mắn khi công nghệ số hóa hiện nay đã cho phép độc giả có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều tài liệu độc bản, quý hiếm của những ngày tháng hào hùng ấy. Trong kho báo chí số hóa của Thư viện Quốc gia Việt Nam (địa chỉ: baochi.nlv.gov.vn), bản chụp trang “Việt Nam Dân quốc công báo”, ra ngày thứ Bảy, số 1, 29 tháng chín 1945 đã ố vàng theo thời gian nhưng vẫn còn đọc rõ những văn bản đặc biệt quan trọng được đăng tải, công bố rộng rãi cho quốc dân đồng bào, cho thế giới thời điểm đó.

Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 13 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng.

Đó là: Tuyên cáo của Hoàng đế Việt Nam thoái vị ngày 24 tháng 8 năm 1945, là Tuyên cáo ngày 28 tháng 8 năm 1945 về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khoảng 50 sắc lệnh, thông tư của những ngày đầu thành lập nước, trong đó có những sắc lệnh quan trọng như: sắc lệnh ấn định quốc kỳ Việt Nam, sắc lệnh mở cuộc tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội, sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, sắc lệnh về việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền...

“Chỉ 9 ngày sau cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công, Bộ Tư pháp đã được thành lập và là một trong mười ba cơ quan của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (28/8/1945). Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của nền độc lập vừa mới giành được, Bộ Tư pháp đã cùng với chính quyền nhân dân non trẻ giải quyết những khó khăn bộn bề của đất nước. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, mở đầu hành trình xây dựng và phát triển ngành Tư pháp”.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, trích bài viết: “Vai trò, định hướng phát triển của Bộ, ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Trở lại với Tuyên cáo về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đăng trên công báo, sau lời tuyên cáo, danh sách nội các được công bố với 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch (Chính phủ) kiêm (Bộ trưởng) Ngoại giao và Luật sư Vũ Trọng Khánh được tín nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp trở thành một trong mười ba Bộ đầu tiên ra đời cùng với sự ra đời của nhà nước mới.

Trong hồi ký, vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tư pháp nhớ lại: “Tham gia cướp chính quyền ở Hải Phòng xong thì nhận được điện của anh Võ Nguyên Giáp, tôi lên Hà Nội ngày 26/8/1945 nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trong tập tài liệu viết tay “Suy nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (trưng bày tại Phòng Truyền thống, Bộ Tư pháp), Luật sư Vũ Trọng Khánh xúc động viết: “Về phần tôi, đến với Bác là tiếp cận một thế giới mênh mông”.

Là người sáng lập nhà nước dân chủ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho nền tư pháp dân chủ nhân dân, là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Người đã ý thức rất sớm tầm quan trọng của Hiến pháp và các đạo luật trong quản lý nhà nước và xã hội. Người hết sức chăm lo đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo ra cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thi hành đó trong các cơ quan nhà nước và trong Nhân dân. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (1946 và 1959), ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác...

Ngày 01/12/1945, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đã ký ban hành Nghị định số 37 về tổ chức Bộ Tư pháp. Nghị định này cùng với nhiều Sắc lệnh của Chủ tịch nước đã định hình cơ cấu tổ chức và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; đã đặt nền móng cho một nền tư pháp dân chủ nhân dân ra đời và phát triển.

Về cơ cấu tổ chức, bộ máy của Bộ Tư pháp lúc đó gồm: Phòng sự vụ nội bộ; Phòng viên chức và kế toán; Phòng giám đốc hộ vụ; Phòng giám đốc hình sự; Phòng giám đốc việc quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân.

Theo Nghị định số 37-TP, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các Tòa án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức Tòa án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hỗ giá viên, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp với nước ngoài.

Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ IV năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho Nhân dân noi theo”.

Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị học tập tư pháp Trung ương (năm 1950, tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Người căn dặn: “Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho Nhân dân lao động. Nhân dân ta hiện nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp... Chúng ta cũng thấy luật pháp của ta hiện nay chưa đầy đủ. Chính các chú có trách nhiệm phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”.

Đề cập đến trách nhiệm của cán bộ tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ. Như vậy, thì phải đấu tranh cách mạng, trước mắt phải đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, đánh đổ bọn Việt gian phản quốc, bọn bù nhìn tay sai của đế quốc thực dân. Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ. Tóm lại, các chú phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Đọc lại những lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Tư pháp vẫn thấy thấm thía và vẹn nguyên giá trị.

Bộ trưởng đầu tiên và bản Hiến pháp đầu tiên

Trong phòng truyền thống của Bộ Tư pháp, ở giai đoạn 1945 - 1960, nằm trang trọng trong tủ kính là những kỷ vật của Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh: là chiếc cặp da đã cũ sờn, bút máy, lọ mực parker, cặp kính ông đã sử dụng trong giai đoạn từ tháng 9/1945 - tháng 3/1946. Mặc dù thời gian làm Bộ trưởng Tư pháp không lâu (khoảng 6 tháng) nhưng Luật sư Vũ Trọng Khánh lại là người đặt những viên gạch đầu tiên, đặc biệt là người gắn liền với bản hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946.

Một số hiện vật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên Vũ Trọng Khánh.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc lập hiến là một trong “những vấn đề cấp bách hơn cả” và chỉ rõ: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Chính phủ lâm thời xúc tiến ngay việc khởi thảo Hiến pháp. Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp (Chế Hiến ủy viên hội) gồm 7 thành viên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sáu thành viên còn lại là: Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến, Giáo sư Đặng Thai Mai, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Trường Chinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và luật sư Vũ Trọng Khánh tham dự Hội nghị Phông-ten-nơ-plô, Paris, Pháp (tháng 8/1946). (Ảnh: Tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban giao cho Giáo sư Đặng Thai Mai và Luật sư Vũ Trọng Khánh soạn bản dự thảo đầu tiên. Theo Giáo sư Đặng Thai Mai: “Tôi phải thừa nhận Vũ Trọng Khánh là một luật sư biết cách làm việc khoa học, luôn luôn lo nghĩ đến nhiệm vụ được trao phó, luôn luôn lo nghĩ đến Nhân dân. Anh vừa hiểu sâu sắc các vấn đề Hiến pháp, vừa nắm vững tiếng Pháp ngành luật, vừa sử dụng thành thạo tiếng Việt ngành luật. Vũ Trọng Khánh chịu trách nhiệm viết các phần quan trọng nhất, chiếm khoảng ba phần tư dự án. Tôi chỉ viết một phần tư còn lại. Sau đó, anh Khánh duyệt phần do tôi viết, rồi viết lại toàn bộ văn bản trước khi chuyển tới Võ Nguyên Giáp”.

Trong Điện chia buồn gửi gia đình cố Luật sư Vũ Trọng Khánh ngày 25/01/1996, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ Nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”.

Ngày 05/12/2018, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó, tên của cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh được đặt cho một tuyến phố mới trên địa bàn quận Hà Đông. Ngày 26/4/2019, UBND quận Hà Đông đã chính thức gắn biển tên tuyến phố Vũ Trọng Khánh.

Ngày 2/11/1945, Luật sư Vũ Trọng Khánh chỉnh lý xong theo góp ý của đồng chí Võ Nguyên Giáp, hai ông nhất trí chuyển bản dự thảo cuối cùng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 6/11/1945, bản dự thảo được Hồ Chủ tịch thông qua. Người ký tắt rồi chuyển cho hai ông mỗi người một bản.

Ngày 8/11/1945, Ủy ban Dự thảo họp phiên cuối cùng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chủ trì. Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Người yêu cầu cho công bố ngay để lấy ý kiến cả nước.

Và ngày 10/11/1945, trên Báo Cứu quốc - cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, số ra 88, phát hành một phụ trương đặc biệt, in trọn bản Hiến pháp Việt Nam (dự án) để lấy ý kiến Nhân dân. Lời thông cáo của Chính phủ nêu rõ: “Muốn cho tất cả Nhân dân Việt Nam dự vào việc lập Hiến pháp của nước nhà nên Chính phủ công bố bản dự án Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc, phê bình”.

 Phụ trương dự thảo Hiến pháp 1946 trên báo Cứu quốc để lấy ý kiến nhân dân. (Ảnh chụp màn hình từ tư liệu của Thư viện quốc gia)

Phụ trương dự thảo Hiến pháp 1946 trên báo Cứu quốc để lấy ý kiến nhân dân. (Ảnh chụp màn hình từ tư liệu của Thư viện quốc gia)

Cũng trên tờ báo này đã cho biết những thông tin quý giá về vai trò “thường trực” cũng như trụ sở làm việc của Bộ Tư pháp trong những ngày đầu. Cụ thể, trong thông báo nói trên còn nêu: “Ai muốn hỏi điều gì hay muốn đề nghị sửa đổi điều gì trong bản dự án Hiến pháp thì cứ viết giấy gửi đến Bộ Tư pháp ở số 43, phố Phan Chu Trinh, Hà Nội (tức là 43, phố Rollandes, Tòa án cai trị cũ). Ủy ban dự thảo Hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của Nhân dân rồi trình lên Toàn quốc đại hội bàn luận”.

Bìa Hiến pháp 1946.

Bìa Hiến pháp 1946.

Tới ngày 09/11/1946, Quốc hội khóa I, tại Kỳ họp thứ 2 đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam. Bản Hiến pháp có công lao đóng góp rất lớn của Bộ Tư pháp và cá nhân Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh. Hiến pháp 1946 gồm có Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều, trong đó có nhiều điều liên quan trực tiếp đến công việc tư pháp, như: Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền (Điều 7); Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật (Điều 11)...

Hiến pháp 1946 có những giá trị lịch sử, chính trị và pháp lý to lớn, là một công trình lập hiến độc đáo của dân tộc Việt Nam. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc và cũng là bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Sự ra đời kịp thời của Hiến pháp và nội dung tiến bộ của nó đã khẳng định vững chắc quyền độc lập, tự do và bình đẳng của dân tộc ta trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng từng chia sẻ, Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta. Dân chủ luôn luôn gắn liền với pháp luật, vì thế cũng có thể gọi đó là bản Hiến pháp đặt nền móng để xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Trụ sở Bộ Tư pháp, số 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.

Trụ sở Bộ Tư pháp, số 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.

Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tại Điều 8 quy định: Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

(Còn nữa)

Văn Huy - Văn Toản - Đức Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nganh-tu-phap-viet-nam-80-nam-lon-manh-cung-dat-nuoc-post549753.html