Ngành vận tải vượt khó, tăng trưởng mạnh mẽ

Năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu, sản lượng vận tải hành khách tăng 8%, khối lượng vận tải hàng hóa tăng 7% so với năm 2023. Cùng với đó là tiếp tục cơ cấu lại thị trường vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy, hàng hải, đường sắt, hàng không.

Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển vẫn giữ được đà tăng trưởng qua các năm. Ảnh: Tiên Vũ

Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển vẫn giữ được đà tăng trưởng qua các năm. Ảnh: Tiên Vũ

Sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách đều tăng

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hoạt động vận tải đường bộ cơ bản ổn định, đi vào nề nếp. Bộ GTVT đã chỉ đạo tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch, nhất là phương tiện từ 10 chỗ trở lên; kiểm tra, xử lý nghiêm xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định; kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 tỉnh, thành phố.

Bộ GTVT cũng đã phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030", trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng xong hệ thống quản lý, tự động tổng hợp, chia sẻ các lỗi vi phạm của phương tiện vận tải.

Còn hoạt động vận tải hàng không tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, vận chuyển quốc tế đang dần hồi phục, với hơn 61 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam, khai thác 147 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hoạt động vận tải đường sắt có nhiều đổi mới, chất lượng dịch vụ được nâng lên. Tỷ lệ tàu Thống Nhất và tàu khu đoạn đi đúng giờ đạt hơn 99%, đến đúng giờ đạt từ 91 đến 93%.

Bộ GTVT đã quyết định thiết lập 1 ga liên vận quốc tế mới tại Ga Kép tỉnh Bắc Giang, mở ra một cửa khẩu quốc tế trong nội địa; mở nhiều đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần, Yên Viên đi Trung Quốc.

Hoạt động vận tải hàng hải, đường thủy nội địa được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển, thủy nội địa.

Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển vẫn giữ được đà tăng trưởng qua các năm và đảm nhận khối lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu. Ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2023 là 756,825 triệu tấn, tăng 5% (so với năm 2022). Trong đó: hàng xuất khẩu ước đạt 179,164 triệu tấn, tăng 1%. Hàng nhập khẩu ước đạt 221,928 triệu tấn, tăng 8%. Hàng nội địa ước đạt 353,227 triệu tấn, tăng 4%. Hàng quá cảnh bốc dỡ ước đạt 2,506 triệu tấn, tăng 44%. Hàng container thông qua cảng biển năm 2023, ước đạt 24,706triệu TEUs, bằng năm 2022.

Tiếp tục cơ cấu lại thị trường vận tải

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cũng theo Bộ GTVT, năm 2024, sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải.

Đồng thời, toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, hoạt động các bến xe ô tô khách, việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa; cùng với đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động vận tải đối với các lĩnh vực này.

Song song với đó, Bộ GTVT nghiên cứu triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy và vận tải sông pha biển; tiếp tục cơ cấu lại thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy, hàng hải, đường sắt, hàng không.

Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tập trung phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics; tăng cường khai thác, sử dụng và nâng cao hiệu quả của hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; xây dựng hệ thống thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thống nhất trên toàn quốc.

Về sản lượng vận tải năm 2024, Bộ GTVT đặt mục tiêu khối lượng hàng hóa (tấn) tăng khoảng 7%, hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2023; khối lượng luân chuyển hàng hóa (tấn/km) tăng khoảng 8,5%, luân chuyển hành khách (HK/km) tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Về khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt khoảng 785 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2023.

Giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công

Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn hơn 94 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần so với năm 2022). Đến hết tháng 12/2023 ước giải ngân của Bộ GTVT đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%. Năm 2024, Bộ GTVT phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; phấn đấu khởi công, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch năm 2024, trong đó hoàn thành đưa vào khai thác 129 km của 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu -Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-van-tai-vuot-kho-tang-truong-manh-me-142976.html