Ngát hương chè xanh Thôm Lòa
Từ bao đời nay, nói đến vùng chè ở Tuyên Quang, không ít người thường nghĩ ngay đến chè Mỹ Lâm (Yên Sơn), chè Làng Bát (Hàm Yên), chè Tân Trào (Sơn Dương) hay những vùng chè Shan Tuyết cổ thụ của xã Hồng Thái (Na Hang) nhưng ít ai biết rằng, trong mù sương thảo nguyên, có một vùng chè đang âm thầm sinh trưởng, những cây chè đang cần mẫn bám đất, nảy những búp non xanh, hàng ngày ngậm sương uống gió, chắt lọc linh khí đất trời để dâng tặng con người một vị trà đặc biệt, đó chính là vùng chè Thôm Lòa, thôn Tân Hội, xã Tân An (Chiêm Hóa).
Nơi chè bén rễ, bám sâu
Có nhiều câu chuyện chúng tôi được nghe về nguồn gốc của cây chè bén rễ trên đất Tân An. Nhưng có lẽ câu chuyện về những nhọc nhằn, gian truân mà các xã viên HTX nông lâm nghiệp Tân Thành, xã Tân An đồng hành cùng người trồng chè ở Thôm Lòa khiến chúng tôi ấn tượng nhất.
Ông Dương Văn Quân, Chủ nhiệm HTX vẫn nhớ như in khi kể về những ngày đầu tiên đưa cây chè về mảnh đất này. Đó là những ngày khó khăn và đầy kỷ niệm. Cây chè trước đây chưa từng được trồng ở địa bàn xã, do vậy khi có chủ trương đưa cây chè lên với Thôm Lòa, thời gian ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhân dân chưa đồng thuận ủng hộ, họ băn khoăn, lo lắng, các loại cây lương thực ngắn ngày như sắn, ngô trồng sau một thời gian sẽ cho thu hoạch ngay, mang lại nguồn thu cho nhân dân, còn cây chè, thời gian trồng rất lâu, tương lai không biết sẽ như thế nào...
Bà con Thôm Lòa đều băn khoăn và hoài nghi. Nắm rõ tình hình, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của xã đã vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, huyện còn hỗ trợ đưa cán bộ và đại diện các hộ dân trồng chè đi tham quan học tập ở các vùng trồng chè ở các huyện bạn để gặp trực tiếp những người trồng chè, hiểu được giá trị mà cây chè mang lại... và thế là cây chè đã nhận được sự đồng thuận ủng hộ của người dân. Bắt đầu từ năm 1988, chè đã về mảnh đất này với mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên với việc duy trì hoạt động của HTX theo mô hình cũ kém hiệu quả cho nên đã không duy trì được.
Nhận thấy khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ rất thích hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của cây chè, năm 2021, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã Tân An thành lập HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Tân An nhằm chăm sóc, bảo vệ và khai thác diện tích chè hiện có với gần 7 ha tại khu Thôm Lòa, thôn Tân Hội, hướng đến xây dựng cây chè mang thương hiệu riêng của xã.
Xây dựng thương hiệu
Anh Dương Ngọc Giảng, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Tân An cho biết, hiện nay, HTX có 15 thành viên tham gia sản xuất chè và chế biến nguyên liệu. Tham gia HTX, các thành viên được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về chế biến chè an toàn, hướng dẫn kỹ năng quản lý tổ, nhóm, quản lý tài chính, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường; học tập kinh nghiệm thực tế tại một số mô hình hoạt động hiệu quả tại địa phương khác. Điều đặc biệt của HTX là trong số 15 thành viên thì có đến 12 thành viên là nữ giới, còn lại 3 thành viên nam giới.
Cây chè ở đây được trồng và thu hái tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, cụ thể như: người được chọn hái chè phải là những cô thôn nữ có bàn tay khéo léo và nhanh nhẹn, như thế mới đảm bảo hái chè nhanh và búp chè không bị gẫy nát. Người hái chè theo nguyên tắc một tôm, hai lá, nghĩa là chọn hái lá trên cùng còn đang cuộn tròn và hái 2 lá kế tiếp ngay cạnh đó. Chè thu hái về sau khi làm tái lá chè xong sẽ đổ chè ra rồi bắt đầu vò. Những đôi bàn tay khéo léo của người chế biến khiến những búp chè xoăn lại, chè tiếp tục được đưa vào sao lần thứ hai cho ráo hẳn nước rồi lại tiếp tục vò và sau đó đổ ra mẹt, phơi ở nơi có gió và không có ánh nắng để chè nguội lại rồi cho vào sao tiếp cho khô.
Quá trình lấy hương là quá trình vô cùng quan trọng, bởi nếu làm không đúng cách, chè không thể có được hương vị đặc trưng. Chè sau khi được sao cho khô hẳn sẽ được đổ ra chiếc mẹt để nguội rồi mới cho vào sao để lấy hương. Điều quan trọng nhất là phải điều chỉnh độ nóng của lửa sao cho thích hợp, nhẹ nhàng đảo chè cho tới khi ra được màu đặc trưng và dậy hương cốm non nồng nàn, cánh chè xoăn mà không gãy vụn, đó chính là cách mà HTX đang tạo ra “chè Thôm Lòa” chính hiệu.
Để làm được 1 kg chè khô trung bình cần 6 kg chè tươi. Các ngọn chè phải được hái đều như một. Hiện nay, HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Tân An bình quân mỗi ngày thu 1,2 tạ đến 1,7 tạ búp chè tươi/ngày, chè Thôm Lòa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ hướng đến xây dựng sản phẩm chè theo hướng OCOP 3 sao.
Để có sản phẩm chè thơm ngon, người dân Thôm Lòa thường hái chè vào buổi sáng sớm, khi đó những giọt sương vẫn còn đọng trên lá tạo nên hương vị đậm đà khác biệt. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hà Thị Mai vui vẻ chia sẻ: “Mỗi năm, gia đình tôi thu hái 3 vụ chè, chia làm 1 vụ chính, 2 vụ phụ. Vụ chè chính kéo dài từ tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch, 2 vụ chè phụ từ tháng 4 đến hết tháng 6 và từ tháng 7 đến đầu tháng 9 âm lịch. Vào vụ chè chính, gia đình tôi thu hoạch gần 30 kg búp chè khô/vụ, thu nhập đạt trên 7 - 10 triệu đồng/vụ. Từ cây chè, nhà tôi cũng như một số thành viên HTX khác trong thôn có nguồn thu nhập ổn định, không phải đi làm ăn xa”.
Cây chè xanh Thôm Lòa giờ đã trở thành nguồn sinh kế của bà con và là sản phẩm đặc trưng của xã Tân An. Với sự quan tâm đầu tư đúng hướng và những định hướng lâu dài cho một vùng nguyên liệu sạch, tin rằng “thủ phủ” chè xanh Thôm Lòa sẽ là một đặc sản đặc biệt, sự no đủ đang hiện diện trong những vùng trồng chè nơi đây.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/ngat-huong-che-xanh-thom-loa-166940.html