Ngày 17/4/1954: Ba mũi chiến hào của Trung đoàn 36 vây bọc kín cứ điểm 206

Cứ điểm 206 (Huguette 1) nằm ở phía Bắc sân bay Mường Thanh, là một trong những cứ điểm quan trọng của địch; cùng với các cứ điểm 203, 204, 208, 311A, 311B hợp thành tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu trung tâm và sân bay Mường Thanh, ngăn chặn quân ta từ phía Bắc và Tây bắc.

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta thực hiện “vây lấn” Tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta thực hiện “vây lấn” Tập đoàn cứ điểm từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đêm 17/4/1954, ba mũi chiến hào của Trung đoàn 36 đã vây bọc kín cứ điểm 206. Cũng trong ngày 17/4/1954, Đoàn xe 12 chiếc của Đại đội 209 chở đạn pháo 105mm trên đường ra mặt trận.

Ba mũi chiến hào của Trung đoàn 36 vây bọc kín cứ điểm 206

Thực dân Pháp cố gắng bảo vệ cứ điểm 206 bằng mọi giá, nên chúng ưu tiên những đơn vị lính tinh nhuệ chốt giữ cứ điểm cùng nhiều vũ khí đạn dược, có xe tăng và pháo binh ở trung tâm sẵn sàng chi viện bất cứ lúc nào. Lực lượng địch trong cứ điểm có đại đội 4 tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn lê dương 13, với quân số 148 quân, trang bị hỏa lực gồm sáu đại liên, 23 trung liên, một ĐKZ 57mm, hai cối 60mm, một súng phóng lựu.

Các chiến sĩ công binh cắt hàng rào dây thép gai để mở đường cho lực lượng xung kích tấn công tiêu diệt cứ điểm 206, thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm và sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Các chiến sĩ công binh cắt hàng rào dây thép gai để mở đường cho lực lượng xung kích tấn công tiêu diệt cứ điểm 206, thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm và sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Về phía ta, sau khi tạm ngừng đợt tiến công thứ hai vào các cứ điểm phía Đông, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 206, nhằm tạo điều kiện cho đại đoàn và các đơn vị bạn cắt đôi sân bay và thắt chặt thêm vòng vây, tiêu diệt địch ở khu trung tâm Mường Thanh. Lực lượng ta có các tiểu đoàn 80, 84, 89 của Trung đoàn bộ binh 36, một đại đội cối 82mm; ngoài ra, các đại đội trợ chiến của các tiểu đoàn có hai ĐKZ 57mm, bốn đại liên, hai súng cối 82mm và được trên tăng cường một đại đội sơn pháo 75mm, một đại đội cối 120mm, một súng phun lửa loại nhẹ và được đại đội pháo 105mm của chiến dịch trực tiếp chi viện.

Trong đợt tấn công thứ 2, ta tập trung ưu thế binh – hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm. Trong ảnh: Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong đợt tấn công thứ 2, ta tập trung ưu thế binh – hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm. Trong ảnh: Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Căn cứ vào tình hình thực tế, Trung đoàn 36 xây dựng trận địa theo chiến thuật “vây lấn”. Tiểu đoàn 80 phụ trách mũi điểm ở phía Tây, Tiểu đoàn 84 phụ trách mũi diện hướng Tây bắc, Tiểu đoàn 89 sử dụng một trung đội phụ trách mũi diện phía Nam, còn đại bộ phận lực lượng ở phía Nam sẵn sàng đánh viện. Đại đội sơn pháo 75mm, đại đội súng cối 120mm và đại đội súng cối 82mm tổ chức thành trận địa hỏa lực của trung đoàn bố trí ở trước và sau tuyến xuất phát tiến công, chủ yếu chi viện cho mũi điểm.

Ngày 14/4/1954, ta tấn công một vị trí phía Bắc sân bay Mường Thanh và tiêu diệt một đại của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 14/4/1954, ta tấn công một vị trí phía Bắc sân bay Mường Thanh và tiêu diệt một đại của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đêm 17/4/1954, từ vị trí xuất phát tiến công cách phía tây cứ điểm 300m, Trung đoàn 36 xây dựng trận địa tiến công theo phương pháp đào trườn, đào dũi kết hợp với đào ngầm, sử dụng các vật che đỡ trước mặt và hai bên sườn như “con cúi” rơm, bó đót, bao cát, các phương tiện chống hầm để lấn dần vào cứ điểm. Họ đã dùng những "con cúi" làm lá chắn, đưa chiến hào từ xa tiếp cận cứ điểm. Những khối rơm bện dài 2 mét, đường kính 1,5 mét đã hút hết đạn thẳng, bảo đảm an toàn cho những người đào trận địa phía sau nó.

Đến đêm, ba mũi chiến hào của Trung đoàn 36 đã vây bọc kín cứ điểm 206, chỉ còn cách hàng rào dây thép gai vài chục mét. Bên phía Trung đoàn 88, Tiểu đoàn Nguyễn Quốc Trị cũng đã đưa đường hào vào sát sân bay Mường Thanh.

Lúc này, chiến hào của Trung đoàn 165 từ bốn phía đã luồn vào bên trong hàng rào dây thép gai của cứ điểm 105 (Huguette 6), có 15 ụ súng ở tiền duyên bị ĐKZ ta bắn sập. Nhiều hàng rào bị cắt trụi. Binh lính không có cơm ăn, nước uống, ló đầu ra ngoài công sự là trúng đạn bắn tỉa của ta. Đến đêm 18/4, Trung đoàn ra lệnh tiến công. Chỉ có một số quân địch chạy thoát về Mường Thanh. Cứ điểm 105 bị quân ta tiêu diệt, như vậy là cứ điểm cuối cùng ở đầu Bắc sân bay không còn tồn tại.

Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đoàn xe 12 chiếc của Đại đội 209 chở đạn pháo 105mm trên đường ra mặt trận

Trong cuốn “Chuyện kể Chiến thăng Điện Biên Phủ” kể lại rằng: Ngày 17/4/1954, đoàn xe 12 chiếc của Đại đội 209 chở đạn pháo 105mm trên đường ra mặt trận, khi đến Cò Nòi, trời gần sáng, các xe chuẩn bị đi giấu thì có lệnh của đồng chí Đinh Đức Thiện-Cục trưởng Cục Vận tải: “Cho xe chạy tiếp ban ngày, đưa đạn thẳng tới trận địa pháo”. Đồng chí Đàm Quang Đoan-Đại đội phó ra lệnh cho các lái xe chuẩn bị: Kiểm tra dầu, nước, xăng, lốp dự phòng, chằng buộc lại hàng cắm thêm lá ngụy trang, sắp xếp lại đội hình.

Xe tăng của địch yểm trợ cho khu trung tâm bị quân đội ta tiêu diệt, quân địch trên xe đã xin hàng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Xe tăng của địch yểm trợ cho khu trung tâm bị quân đội ta tiêu diệt, quân địch trên xe đã xin hàng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Khoảng 10 giờ sáng đoàn xe bắt đầu vượt đèo Pha Đin. Đoàn xe đang leo dốc chợt máy bay địch lao đến, bốn chiếc B-26 sà xuống quét đại liên, dội bom. Trong tình thế hiểm nghèo đó, Đại đội phó Đàm Quang Đoan bình tĩnh chỉ huy các xe nhanh chóng tản vào rìa đường ẩn nấp. Chiếc xe do chiến sĩ Chu lái và Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Trúc chỉ huy được sự đồng ý của Đại đội phó Đoan tiếp tục chạy để thu hút bom đạn của máy bay địch, tạo điều kiện cho cả đoàn xe phân tán vào khe núi, bụi rậm. Xe của Chu đang chạy thì bị máy bay địch bắn hỏng lốp trước và lốp sau.

Ngày 22/4/1954, điểm cao 206 thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm và sân bay Mường Thanh, bị quân ta tiêu diệt. Quân địch sống sót giơ tay xin hàng. Ảnh: TTXVN

Ngày 22/4/1954, điểm cao 206 thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm và sân bay Mường Thanh, bị quân ta tiêu diệt. Quân địch sống sót giơ tay xin hàng. Ảnh: TTXVN

Hai chiến sĩ lái xe đã hất phuy xăng trên thùng sang bên đường, cho xe quay ngang ra giữa đường. Tiểu đội trưởng Trúc lệnh cho Chu ra khỏi xe rồi anh cho xe nổ máy lao xuống rìa rừng chuối che kín xe; máy bay địch lượn lại mấy vòng không thấy mục tiêu đành bỏ đi. Các chiến sĩ trong đại đội đến cứu Trúc bị thương và kéo xe, vác đạn lên; 11 chiếc xe khác an toàn tiếp tục chở đạn đến các trận địa pháo.

[Nguồn: TTXVN; sách: Chuyện kể Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2024, tập 1, t.r 56,57; tập 2, tr.60; Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 110; Chiến thắng Điện Biên phủ-ký sự tập 2, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2024, tr.144; Sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 1054]

Thúy Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-1741954-ba-mui-chien-hao-cua-trung-doan-36-vay-boc-kin-cu-diem-206-20240416143022550.htm