'Ngày bố nhập viện, cú sốc khiến tôi thay đổi toàn bộ thói quen chi tiêu'

Đó là chia sẻ của một độc giả trên cộng đồng về tiết kiệm và đầu tư. Cô gái cho biết, trước đây rất vô tư với cuộc sống vì nghĩ mình còn trẻ, đi làm 8 tiếng là có 10 triệu/tháng để tiêu, nhưng chỉ khi bố phải nhập viện, chi phí tốn kém thì mới nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền

Biến cố xảy ra, mới lo tiết kiệm

Bạn trẻ này chia sẻ, suy nghĩ chủ quan vì tuổi trẻ còn khỏe, ít gặp các biến cố, nên kiếm được tiền là tiêu xài vô tội vạ, thích gì mua đó, thích đi chơi đâu là đi bằng được. Tuy nhiên, chỉ đến khi ba bị ngã, nhập viện, phải lo chi phí chữa trị, các chi phí của cuộc sống khác dẫn đến việc khủng hoảng về tài chính.

“Lúc đó phải nói dối là ba mẹ yên tâm, viện phí con lo được, nhưng thực ra thời điểm đó chỉ có vỏn vẹn 3 triệu trong tay”, vị độc giả chia sẻ thêm.

Chia sẻ của bạn độc giả về khủng hoảng tài chính khi ba phải vào viện. Ảnh: NVCC

Chia sẻ của bạn độc giả về khủng hoảng tài chính khi ba phải vào viện. Ảnh: NVCC

Chưa hết, không đủ tiền, đành phải ứng lương, vay mượn bạn bè mới đủ lo viện phí cho bố trong 1 tuần. Từ trải nghiệm thực tế đó, bạn độc giả quyết tâm phải tiết kiệm nhiều nhất có thể, một phần là để trả nợ, một phần để bản thân có khoản dự phòng cho những việc quan trọng.

Việc đầu tiên phải làm đó là chia nhỏ các khoản thành từng hũ chi tiêu, và đặt giới hạn cho từng khoản. Cách này giúp cho việc chi tiêu không bị quá tay, luôn kiểm soát được việc chi tiền trong một ngày hay trong 1 tuần, nếu quá thì có thể kịp để điều chỉnh.

“'Ngày bố nhập viện đúng là một cú sốc khiến tôi thay đổi toàn bộ thói quen chi tiêu. Nhờ vậy mà chỉ sau 3 tháng mình đã trả hết nợ, còn để dành được 1 khoản tiền kha khá để mua vàng nữa”, bạn độc giả nói thêm.

Khi ba nhập viện, bạn trẻ mới nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Ảnh: NVCC

Khi ba nhập viện, bạn trẻ mới nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, bạn độc giả cũng cho rằng, việc tiết kiệm như trên vẫn chưa đủ, chưa khoa học vì đây là thời điểm công việc khó khăn, thu nhập giảm, nhưng chi tiêu thì vẫn vậy, thậm chí giá cả ngày càng tăng. Đồng thời, thực tế khó khăn đã xảy ra lên vẫn rất lo lắng cho tương lai phía trước. Chính vì vậy, cuối bài viết vị độc giả không quyên xin lời khuyên từ các thành viên trong nhóm: “Mấy bạn còn cách nào khác mà giúp tiết kiệm được nhiều nhất có thể không? Chỉ cho mình với nha”

Càng trẻ, càng phải giữ tiền sớm

Tiết kiệm là yếu tố tiên quyết và rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng tài chính vững chắc. Việc tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ không chỉ giúp bạn tạo ra 1 quỹ dự phòng an toàn mà còn mở ra một cơ hội để đầu tư sinh lời, gia tăng tài sản.

Theo bà Lại Thị Thanh Nga, Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, các bạn trẻ có thể lưu tâm một số giải pháp sau để giúp bạn quản lý chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả, kỷ luật và đơn giản.

Đầu tiên, cần xây dựng cho mình quỹ dự phòng đầy đủ, quỹ này thường là từ 3 đến 6 tháng sinh hoạt phí thiết yếu, gửi ngân hàng ở kỳ hạn từ 1-6 tháng để khi cần có thể sử dụng ngay. Tiếp đến, không quên bảo vệ sức khỏe và tài chính, các biện pháp bảo vệ bao gồm BHYT, BHXH và BHYT tự nguyện cho bố mẹ nếu chưa có thì nên bổ sung ngay và thêm một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là lựa chọn khôn ngoan với mức chi phí nên từ 5-8% thu nhập.

Thứ ba, chọn cho mình một phương pháp quản lý chi tiêu hiệu quả. Nhiều người đã quản lý chi tiêu theo các lọ, qua ứng dụng, hoặc ghi chép hàng ngày... việc này có những nhược điểm là phải theo dõi nhiều mục, mất thời gian và cứng nhắc. Tỷ lệ cố định trong 6 chiếc lọ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa ở các mục khác nhau. Ví dụ, nếu bạn cần mời bạn bè, đồng nghiệp đi ăn hoặc cần có việc chi tiêu gấp thì bạn không thế cứ tiêu theo định mức hàng ngày.....

Bà Nga ví dụ một giải pháp tiết kiệm rất đơn giản, hiệu quả: mức thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng và chưa có người phụ thuộc, bạn nên phân bổ các khoản thu nhập ngay khi nhận được lương theo 3 mục chính và nên chia ra theo dõi trên 3 tài khoản ngân hàng cho dễ khi kiểm soát. Tiết kiệm: 20%-30% thu nhập, hưởng thụ: 10-15% thu nhập, tiêu dùng thiết yếu là phần còn lại của thu nhập, nhưng kiểm soát không quá 55% thu nhập.

Nếu đầu tháng bạn lỡ chi tiêu quá tay, hãy tự cân đối lại chi tiêu ít đi cho hợp lý dựa trên số tiền còn lại trên tài khoản. Phần hưởng thụ và thiết yếu nếu đến cuối tháng vẫn còn dư thì có thể bổ sung vào tài khoản hưởng thụ cho mục đích lâu dài, hoặc bổ sung thêm vào khoản tiết kiệm cho đầu tư.

“Không nên nghĩ mình trẻ mà không có trách nhiệm, vị độc giả ở trên vừa có trách nhiệm với bản thân, lại còn phải có trách nhiệm với bố mẹ và anh chị em ruột (nếu có). Vì vậy nên xây dựng cho mình kế hoạch tài chính từ sớm để có thể đối phó với bất kỳ khủng hoảng tài chính không mong muốn nào từ ốm đau, cho đến đầu tư, tích lũy”, bà Thanh Nga nhấn mạnh.

Bà Lại Thị Thanh Nga, Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT

Bà Lại Thị Thanh Nga, Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT

Đồng quan điểm, anh Bùi Quang Vĩnh, một tư vấn viên bảo hiểm 6 năm kinh nghiệm cho rằng, không chỉ tiết kiệm, các bạn trẻ, độc thân cần phải lưu ý đến việc bảo vệ tài chính, tùy theo nhu cầu và trách nhiệm của bản thân. Như bạn độc giả ở trên, trước hết phải có bảo hiểm cho bản thân mình, BHYT, bảo hiểm sức khỏe, phòng khi ốm đau không phải lấy tiền túi ra để chi phí. Sau đó có điều kiện, tham gia thêm cho bố mẹ BHYT, bảo hiểm sức khỏe để trang trải tiền viện phí nếu rủi ro xảy đến. Tham gia đúng nhu cầu, đủ quyền lợi và phù hợp với tài chính, từ 5-10% thu nhập.

“Như trường hợp này nếu có sự chuẩn bị bảo vệ tài chính cho bố mẹ, thì sẽ giảm bớt gánh nặng khi bố bị ngã, phải nằm viện”, anh Quang Vĩnh nói.

Dưới góc độ tâm lý học, PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh, Trưởng khoa Công tác Xã hội, Trường Đại học Công Đoàn cho biết, với các bạn trẻ khi ra trường, mới đi làm thường hay có tâm lý “hưởng thụ” sau quãng thời gian dài dành cho học tập, rèn luyện. Do đó, dễ gây tâm lý chủ quan là mình còn trẻ, còn khỏe, đa số chưa vướng trách nhiệm gia đình nên còn khá thoải mái với việc chi tiêu, ít nghĩ đến việc tích lũy, bảo vệ tài chính.

Cũng không ít các trường hợp, các bạn trẻ không may gặp phải rủi ro từ rất sớm như ốm đau, bệnh tật, bị lừa đảo mất tiền… hậu quả là dẫn đến việc bị ảnh hưởng về tâm lý cho cuộc sống sau này.

“Các bạn trẻ cần cân đối giữa việc hưởng thụ và tích lũy, bởi những gì chưa xảy ra thì rất khó đoán, cần phải có những kiến thức cơ bản về quản lý tài chính như chuyên gia nêu ở trên như mức tiết kiệm so với thu nhập, quỹ dự phòng, bảo vệ tài chính, lựa chọn các kênh đầu tư phù hợp… thì sẽ chủ động đối phó được với những rủi ro có thể xảy đến”, PGS.TS Đỗ Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Xuân Thạch

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ngay-bo-nhap-vien-cu-soc-khien-toi-thay-doi-toan-bo-thoi-quen-chi-tieu-d111077.html