Ngày mới ở vùng cao Ba Chẽ
Từng là vùng núi nghèo nhất của tỉnh Quảng Ninh, xã Ba Chẽ giờ đây bước sang một trang sử mới. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc đang hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng.
Xã Ba Chẽ được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Ba Chẽ, xã Nam Sơn, xã Đồn Đạc và xã Thanh Sơn của huyện Ba Chẽ cũ. Xã có diện tích tự nhiên là 332,48 km2, quy mô dân số hơn 17.500 người, gồm 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 66%.

Người Dao Thanh Y ở Ba Chẽ với những nét văn hóa đặc sắc. Ảnh: Nguyễn Quý
Ngày 1/7/2025 là thời điểm lịch sử, khẳng định ý chí, sự đoàn kết, quyết tâm của toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Ông Đàm Văn Cường - một cán bộ nghỉ hưu ở thôn Khe Lọng Ngoài (xã Ba Chẽ) cho biết: Việc sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương rất đúng đắn. Đối với đặc thù xã Thanh Sơn trước đây, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, để làm một thủ tục hành chính đơn giản nhưng hầu như ai cũng lúng túng, không biết làm cách nào, hay bắt đầu từ đâu. Bây giờ, toàn bộ các khâu trung gian đã được loại bỏ, người dân chỉ cần đến xã Ba Chẽ (cách xã Thanh Sơn cũ 8km) là được giải quyết mọi thủ tục hành chính.
Là xã mới thành lập, với mô hình hoạt động mới chưa từng có tiền lệ, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Ba Chẽ xác định rõ những khó khăn, quyết tâm biến thách thức thành cơ hội bứt phá trong nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đảng bộ xã xác định 3 khâu đột phá chiến lược là: Cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực và tập trung huy động nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; đồng thời ưu tiên dành nguồn lực tốt nhất đầu tư cho nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Ông Bùi Văn Lưu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ba Chẽ, khẳng định: Cấp ủy, chính quyền xã sẵn sàng vận hành theo mô hình mới, tập trung chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; trước hết là công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới, gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Cấp ủy, chính quyền xã đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, nhằm không ngừng phát triển và vươn lên với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Chia sẻ về những nhiệm vụ trước mắt, lãnh đạo xã cho biết: Xã sẽ tập trung chuyển đổi, đa dạng hóa giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; phấn đấu mỗi năm toàn xã trồng mới được trên 2.000ha rừng, khôi phục và nâng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 55% năm 2025 lên 72% năm 2030 và là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về công tác phát triển rừng; tiếp tục lan tỏa phong trào trồng rừng gỗ lớn trong nhân dân, giúp nhân dân làm giàu nhờ nguồn lợi từ rừng.
Ngoài sản xuất lâm nghiệp, nhân dân Ba Chẽ tập trung vào trồng, chế biến các sản phẩm chủ lực của địa phương như: Ba kích tím, trà hoa vàng, mía tím, măng mai; phát huy các mô hình chăn nuôi gà đồi dược liệu; động vật bán hoang dã… Xã cũng tập trung thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào địa bàn; từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng, gia tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp Nam Sơn, qua đó góp phần tăng thu ngân sách và tạo thêm hàng trăm việc làm mới cho lao động trong và ngoài địa phương.
Đến Ba Chẽ hôm nay, tinh thần đoàn kết của 11 dân tộc anh em trên địa bàn xã hiện rõ hơn bao giờ hết. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi Ba Chẽ đã dần thay đổi rõ rệt, cái khó khăn, đói nghèo dần rời xa, nhường chỗ cho sự no ấm và tương lai tươi sáng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngay-moi-o-vung-cao-ba-che-10310059.html