Ngày Tết nói chuyện câu đối

Ngày xưa, dù nhà nghèo đến đâu, tết đến người ta vẫn đi chợ mua vài câu đối tết. Câu đối đỏ trong nhà, như có điềm may mắn, còn làm cho bức vách vốn tối xỉn cả một năm, bỗng sáng sủa lên ấm áp. Đó là chưa kể những dòng chữ viết trên câu đối đều là những ý đẹp, lời hay đón chào mùa xuân mới.

Câu đối là một thể loại văn học, có 2 vế, dùng lối biền ngẫu, đối xứng nhau theo từng từ loại. Câu đối có thể thơ và thể phú. Thể thơ mỗi vế có từ 5 đến 7 chữ. Câu đối phú có thể dài hơn.

Câu đối được chắt lọc, có lề luật chặt chẽ mà có sức công phá, chuyên chở được nội dung rộng lớn, không hề câu nệ ngóc ngách nào trong đời sống con người. Từ vũ trụ bao la, trời đất siêu phàm, non sông gấm vóc, thế thái nhân tình, đến chuyện buồng the cấm kỵ; chuyện làm ăn buôn bán, ngành nghề... vẫn tung hoành ngang dọc.

Ngày xưa, người ta sử dụng câu đối trong sinh hoạt rất đa dạng, rộng rãi, như mừng tân gia, cưới xin, khao vọng, thăng quan nhậm chức. Người có học thì tự soạn thảo, người ít học thì xin chữ của các bậc đại khoa, các thi nhân tài tú. Kể cả khi đã đậy nắp quan tài, người ta cũng dùng câu đối phúng viếng, bày tỏ lòng mình với người khuất núi. Ngày nay, các nhà báo, nhà văn vẫn dùng câu đối để ca ngợi đất nước, quê hương, miêu tả hoạt động muôn mặt trong đời sống, cũng có khi châm biếm đả kích thói hư tật xấu trong xã hội. Điều thú vị là chỉ bằng hai vế với số lượng chữ ít, nhưng câu đối vẫn có thể diển tả được nội dung phong phú, sinh động.

Xét cho cùng, câu đối là thơ, thơ chỉ có hai câu, nhưng nó khác hẳn, bởi nó có luật bằng trắc và đối xứng.

Bất luận thế nào, chữ cuối cùng của vế thứ nhất là vần bằng thì chữ cuối cùng của vế thứhai là trắc và ngược lại. Ví dụ:

* Sông núi quê xưa thêm vẻ tết

* Xóm làng cảnh mới đượm màu xuân

(Tết - vần trắc, Xuân - vần bằng)

Trường hợp câu đối có nhiều chữ, thì mạch văn vẫn cần có nhịp, tạo ra nhạc điệu bằng trắc, đọc lên thấy bổng trầm, hào sảng vui tai. Một câu đối lý tưởng nhất là trong tổng số chữ dùng, một nửa vần bằng, một nửa vần trắc. Câu đối trên có 14 chữ, 7 vần bằng, 7 vần trắc là cân đối.

Đã gọi là câu đối, thì bắt buộc phải có yếu tố đối: Ý đối ý, danh từ đối danh từ, tính từ với tính từ, động từ với động từ phải đối nhau từng cặp một.

Ví dụ:

* Ngoài vườn hoa nở

* Dưới nước cá bơi

Vế trên hoa là danh từ, vế dưới cá là danh từ, chúng đối nhau từng cặp. Vế trên nở là động từ đối với bơi là động từ vế dưới, như thế là đúng luật.

Với quy luật ấy, dù có nhiều chữ, câu dài đến đâu, các câu đối vẫn rõ ràng theo trật tự các loại từ. Và một câu đối dài đến đâu cũng vẫn chỉ có hai vế.

Nhưng câu đối có từ bao giờ thì ít người biết đầy đủ.

Nhiều tài liệu cho rằng vào thời cổ đại ở Trung Quốc ngoài biển Đông, trên ngọn núi Độ Sóc có một cây đào thần. Tán lá cây tỏa rộng đến ba nghìn dặm. Để trừ bầy quỷ tà ma quấy phá, thời ấy con người đã có cách dùng gỗ đào tạc hình hai vị thần để bên cửa nhà. Ma quỷ mò tới nhìn thấy tượng ông chủ của mình là phải tránh xa, lâu dần thành tục lệ.

Về sau để bớt phiền phức, con người không tạc hình vị thần mà vẽ hình ngài lên gỗ đào. Rồi để cho đơn giản hơn nữa, người ta viết tên hai vị lên gỗ gọi là bùa đào, treo lên cửa.

Đến đời hậu Thục, chúa Thục là Mạnh Sướng viết chữ lên gỗ đào hai câu thơ:

* Tân niên nạp dư khánh

* Gia tiết hào trường xuân.

(Nghĩa là:

* Năm mới thu nhiều phúc

* Tết đẹp gọi trường xuân)

Thời bấy giờ đi qua nhà Mạnh Sướng nhìn thấy hai tấm bùa đào có hai dòng chữ treo cân đối ở hai bên cửa rất đẹp mắt, mà nội dung lại toàn là điều may mắn, hạnh phúc, nên ai cũng trầm trồ khen ngợi. Có thể nói rằng đây chính là hình thức câu đối sớm nhất trên thế gian?

Người ta gọi câu đối bằng nhiều tên: Xuân liên, Môn đối, Đối liên. Nhà thơ Tô Đông Pha đời Tống khi cất xong ngôi nhà mới, đã tìm gỗ đào viết lên hai câu thơ, treo hai bên cửa

* Xuân phong xuân vũ xuân sắc

* Tân niên tân cảnh tân gia

Nghĩa là:

(Gió xuân, mưa xuân, màu xuân

Năm mới, cảnh mới, nhà mới).

** *

Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch, Viện Nghiên cứu văn hóa thì câu đối xuất hiện khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17? Có điều chắc chắn là đời Lê Thánh Tông, câu đối thịnh hành nhất. Nó bổ sung vào kho tàng văn học dân gian nước nhà thêm phong phú, thành một nét sinh hoạt đặc sắc trong đời sống “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, mỗi dịp vui Tết cổ truyền.

Khúc Hà Linh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202301/ngay-tet-noi-chuyen-cau-doi-ba90996/