'Ngày thơ mà chỉ có các nhà thơ đến tham gia thì vô nghĩa'
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, đại diện Hội Nhà văn TPHCM cho rằng sự kiện 'Ngày thơ' mà chỉ có các nhà thơ dự thì vô nghĩa, thay vào đó cần hướng đến việc thu hút đông đảo công chúng.
Ngày thơ Việt Nam 2025 tại TPHCM lấy chủ đề Bài ca thống nhất đánh dấu nửa thế kỷ non sông liền một dải. Đây cũng là dịp nhìn lại dòng chảy thi ca TPHCM suốt 50 năm qua và điểm danh thế hệ nhà thơ tiếp nối con đường sáng tạo.
Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 11-12/2 với nhiều hoạt động giao lưu giữa người làm thơ và người yêu thơ. Bên cạnh Sân thơ trẻ và Sân thơ thiếu nhi còn có 12 lều thơ của các câu lạc bộ trên địa bàn TPHCM cùng buổi tọa đàm giao lưu giữa các tác giả.
![Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_23_51413922/4d2310462808c1569819.jpg)
Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM.
Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết thời gian tổ chức ngày thơ năm nay có phần cập rập song ban tổ chức nỗ lực để sự kiện được diễn ra chu đáo.
Phía BTC định hướng Ngày thơ Việt Nam 2025 tại TPHCM trở thành lễ hội của thành phố với sự chung tay của các cơ quan ban ngành. Đây cũng là cách tăng vị thế, nâng cao giá trị của người sáng tạo thơ ca.
Tại buổi gặp gỡ, bà Bích Ngân đề xuất cần xây dựng đường thơ. Trước đó, TPHCM cũng tổ chức đường hoa, đường sách hay đường ảnh, nhận được phản hồi tích cực từ công chúng.
“Giá trị của thơ thuộc về tâm hồn, lan tỏa văn hóa, cộng đồng và theo tôi việc xây dựng đường thơ là cần thiết”, bà nhận định.
![Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, đại diện Hội Nhà văn TPHCM kỳ vọng sự kiện lan tỏa đến đông đảo công chúng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_23_51413922/a073ff16c7582e067749.jpg)
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, đại diện Hội Nhà văn TPHCM kỳ vọng sự kiện lan tỏa đến đông đảo công chúng.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, đại diện Hội Nhà văn TPHCM phát biểu Ngày thơ Việt Nam được tổ chức lần đầu từ 2002. Đến nay sau 23 lần tổ chức, dù không khí thơ văn ở nhiều địa phương phai nhạt, TPHCM vẫn cố gắng duy trì sự kiện hàng năm.
"Đã đến lúc chúng ta cần tổ chức một ngày thơ khác đi. Sự kiện không chỉ dừng ở các nhà thơ nữa mà rộng ra với tất cả công chúng. Ngày thơ mà chỉ có các nhà thơ đến dự thì vô nghĩa", ông nói.
Theo ông Nhơn, sự kiện phải đáp ứng được nhu cầu của số đông thay vì chỉ dành cho những người trong giới thơ ca.
Năm nay, ban tổ chức chú trọng đầu tư nhiều về mặt thẩm mỹ, yếu tố trình diễn. Chương trình chính tiếp tục có sự phối hợp giữa Hội nhà văn TPHCM và Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.
Không gian triển lãm năm nay có Đường thơ giới thiệu 12 tác giả tiêu biểu của TPHCM giai đoạn 1975 - 2025 như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Hoài Vũ, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Lê Giang, Viễn Phương, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương, Thu Nguyệt.
Ngoài ra, Gương mặt mới cho kỷ nguyên mới cũng giới thiệu 8 tác giả dưới 35 tuổi đang được công chúng yêu mến. Chương trình chính ngày 12/2 có trình diễn thơ: Đường tới thành phố, Hoa của nước, Giọng thơ trẻ ở thành phố trẻ…; Buổi gặp gỡ với các nhà thơ từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc...
Ảnh: HK