Nghệ An: Triệt phá đường dây lập khống hồ sơ bệnh án trục lợi bảo hiểm, khởi tố 7 điều dưỡng, bác sĩ

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 điều dưỡng, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thái An để điều tra về hành vi tham gia lập khống hồ sơ bệnh án nhằm trục lợi bảo hiểm.

Lập khống hơn 150 hồ sơ bệnh án để trục lợi bảo hiểm y tế

Theo Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Nghệ An, qua công tác nắm tình hình, Công an thành phố Vinh đã xác định được một số đối tượng trên địa bàn thành phố Vinh và các địa bàn phụ cận có ý định trục lợi bảo hiểm y tế và bảo hiểm thương mại.

Các đối tượng đã liên kết lập khống hồ sơ với các điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1991), Đặng Thị Anh Tú (sinh năm 1984), Lê Thị Thanh Tâm (sinh năm 1986), Lương Thị Bé (sinh năm 1982), Trần Thị Huệ (sinh năm 1988) và các bác sĩ Hoàng Đăng Thanh (sinh năm 1986), Đinh Thị Mỹ Dung (sinh năm 1959) làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thái An.

Các đối tượng cung cấp căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế cho điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng hoặc Đặng Thị Anh Tú để làm thủ tục vào viện và đưa đến Khoa liên chuyên khoa để gặp bác sĩ Hoàng Đăng Thanh hoặc Đinh Thị Mỹ Dung để ký hợp thức hóa thủ tục khám và điều trị.

Các đối tượng tham gia đường dây lập khống hồ sơ bệnh án, trục lợi bảo hiểm y tế tại cơ quan Công an. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Nghệ An

Các đối tượng tham gia đường dây lập khống hồ sơ bệnh án, trục lợi bảo hiểm y tế tại cơ quan Công an. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Nghệ An

Hằng ngày, mặc dù các bệnh nhân không điều trị tại bệnh viện nhưng bác sĩ Hoàng Đăng Thanh hoặc Đinh Thị Mỹ Dung và các điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng, Đặng Thị Anh Tú, Lê Thị Thanh Tâm, Lương Thị Bé, Trần Thị Huệ đều tham gia ký khống vào hồ sơ bệnh án.

Khi thấy đủ số ngày lập hồ sơ bệnh án thì điều dưỡng hành chính thông báo cho đối tượng có tên trong hồ sơ bệnh án đến ký thủ tục và thanh toán viện phí theo hồ sơ bệnh án đã lập.

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vinh đã làm rõ, từ năm 2021 đến đầu 2023, Bệnh viện Đa khoa Thái An đã lập khống 153 hồ sơ bệnh án. Trong đó, có 59 hồ sơ do các đối tượng có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi lập hồ sơ bệnh án nên Bệnh viện Đa khoa Thái An đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Các đối tượng có tên trong hồ sơ bệnh án đã nộp tiền viện phí cho Bệnh viện Đa khoa Thái An với số tiền hơn 200 triệu đồng. Các đối tượng trục lợi bảo hiểm sau khi được Bệnh viện Đa khoa Thái An làm giả hồ sơ bệnh án đã thanh toán (giải quyết quyền lợi hỗ trợ chi phí nằm viện) với các công ty bảo hiểm thương mại với số tiền hơn 2 tỉ đồng.

Tại cơ quan điều tra, các bác sĩ, điều dưỡng, các đối tượng liên quan và có hồ sơ trong bệnh án đều khai nhận toàn bộ hành vi tham gia lập khống hồ sơ bệnh án. Hành vi của các đối tượng trên đã gây thất thoát cho quỹ Bảo hiểm y tế, uy tín của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vinh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can là các điều dưỡng, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thái An về tội “Gian lận bảo hiểm y tế” quy định tại Điều 215, Bộ luật Hình sự gồm: Đinh Thị Mỹ Dung; Trần Thị Huệ; Hoàng Đăng Thanh, Nguyễn Thị Hằng, Đặng Thị Anh Tú, Lê Thị Thanh Tâm, Lương Thị Bé.

Cơ quan Công an đang tiếp tục làm rõ hành vi của các đối tượng khác có liên quan.

Trước đó, Công an tỉnh Nghệ An cũng triệt phá một đường dây lập khống hồ sơ bệnh án để trục lợi bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.

Ngày 24/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố một số đối tượng để điều tra hành vi lập khống hàng trăm hồ sơ bệnh án tại Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An và Bệnh viện Trường Đại học y khoa Vinh, chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhân thọ và trục lợi bảo hiểm y tế khoảng 10 tỉ đồng.

Hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm y tế bị xử lý thế nào?

Theo Điều 215, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội "Gian lận bảo hiểm y tế" bị xử phạt như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

- Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

- Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

- Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

- Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

.

.

Hồng Ngọc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nghe-an-triet-pha-duong-day-lap-khong-ho-so-benh-an-truc-loi-bao-hiem-khoi-to-7-dieu-duong-bac-si-179230802105936764.htm