Nghề dát quỳ, vàng, bạc Kiêu Kỵ - Di sản văn hóa quốc gia
Sáng 12/10, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chứng nhận ghi danh nghề quỳ, vàng, bạc Kiêu Kỵ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống thuộc đất Đông Ngàn - Kinh Bắc xưa, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, là làng duy nhất ở Việt Nam chuyên làm dát vàng, bạc, quỳ.
Theo sử sách ghi lại: Nghề quỳ, vàng, bạc xuất hiện ở Kiêu Kỵ từ hơn 300 năm trước, thời Hậu Lê. Ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (tỉnh Hải Dương), đỗ Tiến sĩ vào năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang - Hàn lâm Viện trực học sĩ. Ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc và học được nghề làm vàng bạc sơn, thếp lên hoành phi câu đối. Khi về nước ông truyền lại nghề này cho dân làng Kiêu Kỵ. Để tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn ông là tổ nghề và lấy ngày ông ra đi là ngày cúng giỗ Tổ nghề hằng năm...
Ngày 9/3/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận nghề dát vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài ra, trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã Kiêu Kỵ đã được đầu tư hơn 340 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hơn 54 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu di tích lịch sử, trường học, hệ thống chiếu sáng, giao thông... được cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng đồng bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao...
Với những thành tích đã đạt được, năm 2022, xã Kiêu Kỵ vinh dự được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.