Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh
Di sản 'Nghệ thuật làm gốm của người Chăm' vừa được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) thông qua và ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào tối 29/11. Như vậy, đây là nghề thủ công truyền thống đầu tiên của Việt Nam được đề cử và ghi danh.
Quyết định này được thông qua trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ ngày 28/11 đến 3/12 tại thủ đô Rabat của Maroc.
Sản phẩm gốm Chăm Bình Đức (ảnh Ngọc Lân)
Cụ thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đáp ứng những tiêu chí như: di sản liên quan đến nghề thủ công truyền thống làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản; chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm; tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hàng ngày; di sản thu hút sự trao đổi và tương tác giữa những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội và nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại; di sản gắn liền với nghệ thuật.
Du khách được hướng dẫn làm gốm thủ công
Với sự ghi nhận của UNESCO, đồng bào dân tộc và cộng đồng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm gốm truyền thống trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Đồng thời sẽ thúc đẩy các biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư.
Được biết, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và cũng là danh hiệu thứ 4 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm nay.