Nghệ thuật truyền thống trở về chinh phục khán giả Việt
Thời gian qua, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống được khai thác, trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch quốc tế. Gần đây, một số đơn vị nghệ thuật quay trở lại tìm cách chinh phục khán giả trong nước, bởi đây mới là đối tượng khán giả bền vững.
Khủng hoảng khán giả
Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng lại là thời vàng son của sân khấu truyền thống, nhiều vở diễn có tiếng vang rất lớn trong xã hội, có tác phẩm được giới thiệu tại nhiều sân khấu lớn nhỏ trên cả nước với những đêm diễn liên tiếp, khán giả nô nức xếp hàng đi xem, cổ vũ nồng nhiệt… Tuy nhiên, hiện nay, với sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật truyền thống đang phải chật vật tìm lại khán giả.
Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long - NSƯT Trần Thanh Hiền cho biết: “Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ giúp con người có quá nhiều lựa chọn để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần, đặc biệt trong lĩnh vực thưởng thức nghệ thuật. Thực tế đó tạo ra áp lực rất lớn, đẩy các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng khán giả. Nhiều đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc nói chung, Hà Nội nói riêng, những năm qua đã ra sức sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật nhưng không có người xem, dẫn đến đầu ra của nghệ thuật sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc".
Những năm gần đây, với sự phát triển của du lịch, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đã “bước chân” sang lĩnh vực này, với những buổi diễn hướng tới phục vụ khách du lịch. Với những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Nhà hát Múa rối Thăng Long sáng đèn trong 365 ngày trong năm, giới thiệu nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam tới khán giả trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà hát còn lưu diễn thành công trên 40 quốc gia, quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ…
Dù thu hút người xem khó hơn múa rối, các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, chầu văn, ca trù… cũng có các buổi diễn phục vụ du lịch. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn là khán giả quốc tế, tỷ lệ khán giả Việt khá ít, đặc biệt việc thiếu vắng khán giả trẻ vẫn là trăn trở của những người làm nghề. Nhiều ý kiến lý giải: khán giả Việt có thói quen xem “vé mời” thay vì bỏ tiền xem nghệ thuật; nghệ thuật sân khấu truyền thống chưa chuyển hóa kịp với hiện thực đời sống, nhu cầu thẩm mĩ của khán giả thay đổi…
Chỉ sáng tạo mới kéo khán giả trở lại
Biểu diễn hướng tới khán giả quốc tế hay chinh phục khán giả Việt? Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH) chia sẻ: “Đi ra nước ngoàihay đi vào trong nước cũng để tìm ra nơi ghi nhận, trân trọng, thụ hưởng giá trị của mình. Có sản phẩm cần đi ra để nhận ra mình, có sản phẩm từ thị trường nội địa, nhận ra mình, sau đó có nhu cầu ra thế giới”.
Với nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể như xẩm, chèo, tuồng, ca trù… VICH từng tổ chức các hoạt động biểu diễn miễn phí. Tuy nhiên, khi nhận được đơn đặt hàng biểu diễn nghệ thuật truyền thống cho đoàn khách nước ngoài ghép vào chương trình du lịch tại Hà Nội, Trung tâm nhận ra rằng, những giá trị văn hóa phi vật thể họ đang gìn giữ cũng có giá trị về mặt giải trí, có thị trường, không phải làm theo hình thức phi lợi nhuận như trước. Từ đó, VICH tập trung thiết kế sản phẩm dành cho khách nước ngoài…
“Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi nhận ra thị trường cho những sản phẩm văn hóa của mình là trong nước, với sự đón nhận những gia đình, khán giả trẻ. Chúng tôi thấy điểm chạm của người Việt với sản phẩm Việt là mạnh mẽ nhất. Trước nay chúng ta đang không công bằng với chính công chúng Việt của mình” - bà Nguyễn Thị Lệ Quyên nhận định.
Theo bà Lệ Quyên, “với sản phẩm văn hóa phi vật thể truyền thống, hướng tới khán giả quốc tế có lẽ dễ hơn bởi khán giả chỉ trải nghiệm 1 lần, có nhiều giới hạn về văn hóa nên đôi khi họ xem hay hay, không cần hiểu có thể đã có doanh thu. Nhưng nếu chúng ta làm hời hợt, không chuẩn chỉnh thì chắc chắn không thể khiến khán giả Việt bỏ tiền đến xem. Điều này có nhiều thách thức hơn khi tạo sản phẩm nghệ thuật dành cho người trẻ, vốn có nhiều phông văn hóa, trải nghiệm nhiều chương trình nghệ thuật khắp thế giới. Họ đòi hỏi sản phẩm thực sự chất lượng và có thể chạm tới cảm xúc. Thách thức đó đòi hỏi chúng tôi phải quay lại tìm công thức làm sản phẩm, tạo ra điểm chạm qua các buổi diễn hàng tuần phục vụ khán giả Việt với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống”.
Tìm về chinh phục khán giả Việt cũng là hướng đi của nhiều đơn vị nghệ thuật gần đây. Chẳng hạn, À Ố Show - bức tranh đầy màu sắc về đời sống, văn hóa, con người Việt Nam, từ miền quê cho tới phố thị, đưa người xem trải nghiệm văn hóa Việt Nam qua xiếc tre, nhào lộn và múa đương đại, trước thời điểm dịch Covid-19 chủ yếu lưu diễn nước ngoài, và thu hút du khách quốc tế khi biểu diễn trong nước. Dịch bệnh xảy ra, rất ít du khách nước ngoài tới Thành phố Hồ Chí Minh, song khán phòng vẫn đông, các suất diễn đều kín ghế. Hầu hết khán giả là người Việt, thưởng thức tác phẩm đến phút cuối cùng. Điều đó cho thấy khán giả trong nước cũng có nhu cầu và sẵn sàng mua vé thưởng thức nghệ thuật - giải trí…
Nghệ thuật biểu diễn đang được coi là một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa. Để có thể phát triển, cùng với khán giả quốc tế, vai trò của người xem trong nước thực sự là một thành tố quan trọng, buộc những người làm nghề phải hướng tới cân bằng hai nhóm này. Theo các chuyên gia, chỉ có sự sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn, phù hợp với cảm xúc, trải nghiệm của từng nhóm khán giả mới đủ hấp lực kéo họ trở lại với nghệ thuật truyền thống.