Nghị quyết 115 giúp Hà Nội huy động nguồn lực cho phát triển

Tại phiên họp đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 (Nghị quyết 115) về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết, TP đã hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ quản lý; huy động và chủ động sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước; chia sẻ khó khăn, tăng cường gắn kết nguồn lực giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Nghị quyết 115 góp phần huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Ảnh: Khánh Huy

Nghị quyết 115 góp phần huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Ảnh: Khánh Huy

Cơ chế quản lý tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã tạo khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế-xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội đối với TP Hà Nội.

Nghị quyết cũng góp phần huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; tạo sự chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có như nguồn cải cách tiền lương còn dư; nguồn thu từ CP hóa, thoái vốn,...để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một số chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh nhưng do nhiều nguyên nhân tác động của đại dịch nên cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách chưa thực sự đồng đều, hiệu quả chưa cao, tác động còn hạn chế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những cơ chế chính sách để động viên, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội còn rất hạn chế. Như chính sách hưởng số thu của việc sắp xếp các cơ sở nhà đất của Trung ương trên địa bàn TP HCM, hay việc thu phí dừng đỗ ô tô của Hà Nội. Hà Nội có chính sách sử dụng ngân sách của quận, huyện có điều kiện hơn để hỗ trợ cho một số huyện ở phía Nam và phía Tây Nam Hà Nội khó khăn hơn, nhất là trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong xây dựng nông thôn mới, trong hỗ trợ về an sinh xã hội. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng nói rằng chính sách này khá hiệu quả và đó là xuất phát từ thực tế.

Tiếp tục triển khai những kế hoạch đột phá

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, đối với Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất với Quốc hội quan tâm đến việc cần cấp thẻ định danh, tài khoản đối với mỗi phương tiện cơ giới đường bộ để thực hiện thu phí trên địa bàn TP. Đây cũng là giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đối với chính sách về mức dư nợ vay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị giữ nguyên mức cho phép TP được vay không quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp được quy định trong Nghị quyết để bảo đảm dự nguồn ngân sách triển khai các dự án lớn về chi đầu tư phát triển, cải tạo đô thị.

Điển hình, về quản lý chi ngân sách Nhà nước, NQ115 cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng, theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Kết quả, trong các năm 2021, 2022, TP Hà Nội đã chủ động cân đối ngân sách để trả nợ đến hạn.

Năm 2022, TP sử dụng 3.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển theo tinh thần NQ115; không thực hiện huy động nguồn vốn trong nước, nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện có. Chi thường xuyên cho khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo các năm đều đảm bảo không thấp hơn dự toán Trung ương giao.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, đề nghị Chính phủ, TP Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 115, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế chính sách thí điểm, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách cho TP Hà Nội sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn Nghị quyết 115.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghi-quyet-115-giup-ha-noi-huy-dong-nguon-luc-cho-phat-trien-309136.html