Nghị quyết 68: Lệnh 'mở đường' đã có, cần thể chế hóa tối đa

Với Nghị quyết 68, câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân sẽ không chỉ dừng lại với việc ban hành chủ trương mà còn là vấn đề tổ chức thực hiện, là sự tương tác giữa con người và con người. Trong đó, vai trò của hệ thống chính trị và nhận thức của cán bộ là rất quan trọng, từ việc thể chế hóa chủ trương tới việc thực thi...

Lệnh mở đường đã có

Gần đây, các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước liên tục có những thông điệp hết sức quan trọng về kinh tế tư nhân như: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia"; "tháo chốt", loại bỏ những điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình; muốn tăng trưởng 2 con số, phải dựa vào kinh tế tư nhân…

Đáng chú ý, ngày 4/5, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 được xem là một văn kiện đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử với khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết không chỉ thể hiện sự thay đổi trong nhận thức, mà còn là cam kết chính trị gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và toàn dân: phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài, không phải giải pháp tình thế.

Bàn luận về nghị quyết này, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, những giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 68 mang tính chất rất tổng thể và toàn diện. Do đó, ông tin rằng nghị quyết này sẽ là một cú hích rất lớn truyền cảm hứng và khơi thông dòng chảy nguồn lực từ nhân dân, từ xã hội đưa vào để kinh tế Việt Nam tăng tốc, phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công.

Theo Chủ tịch VCCI, lệnh mở thông đường đã có nhưng khâu khó nhất là tổ chức thực hiện nghị quyết như thế nào.

“Câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân sẽ không chỉ dừng lại với việc ban hành chủ trương mà còn là vấn đề trong tổ chức thực hiện, là tương tác giữa con người và con người. Trong vấn đề tổ chức thực hiện, vai trò của hệ thống chính trị và nhận thức của cán bộ là rất quan trọng, từ việc thể chế hóa chủ trương tới việc thực thi, Chủ tịch VCCI nêu.

Vai trò của các tổ chức, các hiệp hội doanh nghiệp như VCCI rất quan trọng bởi sẽ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. VCCI phản ánh quan điểm, góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp về cách điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh.

"Rất mừng là thời gian vừa qua. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất lắng nghe và sử dụng các báo cáo phản ánh của VCCI như một công cụ. Sắp tới, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của mình hơn nữa để tích cực phản ánh những ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị quyết 68.

VCCI rất tin tưởng và kỳ vọng Đảng, Nhà nước với quyết tâm rất cao về phát triển kinh tế cũng sẽ quyết tâm đưa Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống một cách thực chất; lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Chúng ta đã lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm nên việc lắng nghe ý kiến của các chủ thể này để kịp thời điều chỉnh và tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 cũng như các chủ trương lớn của Đảng, một cách thành công là điều thực sự cần thiết", ông Công nhấn mạnh.

Cố gắng thể chế hóa tối đa

Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 68, đồng thời dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68.

Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những định hướng hết sức quan trọng, "phát pháo lệnh" cho toàn bộ hệ thống chính trị tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm "phá tan những điểm nghẽn" để kinh tế tư nhân bứt phá.

Tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" ngày 8/5, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã nghe ý kiến của các nhóm doanh nghiệp.

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính).

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính).

Đơn cử, doanh nghiệp TH Group nói rằng khi TH Group kinh doanh ở Nga thì doanh nghiệp này được hỗ trợ chuyển đổi xanh. Khi doanh nghiệp mua, nhập máy móc, thay đổi dây chuyền để phát triển theo hướng chuyển đổi xanh thì nước Nga hỗ trợ 30% chi phí đã đầu tư và trừ thẳng luôn vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này giúp cho doanh nghiệp không phải thực hiện các thủ tục để hoàn thuế.

"Chúng tôi nghe từng câu chuyện và tư duy làm chính sách của các nước để cố gắng thể hiện, không làm như cách cũ", bà nói và cho rằng nếu theo cách làm cũ, doanh nghiệp nộp trước, sau đó về chứng minh và được hoàn trả, như vậy doanh nghiệp sẽ rất mệt mỏi.

Cũng theo bà Thủy, khi dự thảo Nghị quyết 68, Bộ Tài chính đã song song soạn thảo dự thảo Nghị quyết Quốc hội và chương trình hành động. Đến nay, Bộ Tài chính đã cố gắng thể chế hóa tối đa những gì nêu trong Nghị quyết 68 mà làm được ngay. Với những vấn đề cần thời gian nghiên cứu để đạt độ 'chín' sẽ được thể hiện ở các luật.

Tới nay, Bộ đã tích hợp khoảng 9–10 nhóm chính sách thiết thực vào dự thảo trình Quốc hội, dự kiến ban hành trước ngày 18/5.

Các nội dung trọng tâm bao gồm cải cách thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Theo đó, chỉ kiểm tra 1 lần/năm nếu doanh nghiệp không vi phạm, đề xuất sửa Luật Thanh tra để bảo đảm nguyên tắc này. Hỗ trợ đầu tư R&D, chi phí doanh nghiệp chi cho nghiên cứu phát triển sẽ được tính gấp đôi (200%) khi xác định thu nhập chịu thuế. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm, miễn lệ phí môn bài từ năm 2026. Tiếp cận đất đai trong khu công nghiệp được thể chế hóa cụ thể.

Về chương trình hỗ trợ quy mô lớn, triển khai ngay các chương trình như hỗ trợ 10.000 CEO, hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra quốc tế.

Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong mỏi Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống một cách thực chất.

Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong mỏi Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống một cách thực chất.

"Những điều này chúng tôi đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để có cơ sở và sẽ trình ngay Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động", bà Thủy nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) bày tỏ mong muốn các quy định pháp luật thật sự đi vào thực tiễn đời sống kinh doanh. Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm hiện nay là việc thành lập doanh nghiệp.

"Chúng ta đã nhiều lần đề cập đến việc pháp luật bảo đảm cho doanh nghiệp được quyền hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, song trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Thời gian qua, Tổng Bí thư đã nêu vấn đề này rất đậm nét. Tôi cho rằng đây là điểm sáng cần tiếp tục cải thiện", ông Phát nêu.

Một vấn đề khác, theo ông Phát, là vấn đề quản lý doanh nghiệp, đó là hậu kiểm. Ví dụ như liên quan đến thuế, thanh tra thuế, kiểm tra thuế, lý do mà nhiều doanh nghiệp nhỏ không muốn phát triển lớn hơn hoặc các hộ kinh doanh còn chưa "mặn mà" với việc chuyển đổi lên doanh nghiệp chính là những vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ về thuế, kiểm tra, thanh tra và các vấn đề liên quan khác.

Tổng Giám đốc ACB cho rằng, nếu kịp thời sửa đổi một số nội dung quy định còn vướng mắc sẽ tạo ra bước đột phá ban đầu, trực tiếp tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp. Đối với các vấn đề lớn hơn như ngân sách, thể chế khác có thể tiến hành dần dần ở những giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, những nội dung có tính chất đột phá, nâng cao tinh thần đổi mới, cần được ưu tiên giải quyết trước.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/nghi-quyet-68-lenh-mo-duong-da-co-can-the-che-hoa-toi-da/20250510070906388