Nghị quyết 68 sẽ 'giải phóng năng lượng' để các startup công nghệ phát triển, vươn xa
Nghị quyết 68 đã đi thẳng vào gốc rễ: cải cách thể chế, chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ 'xin cho' sang 'phục vụ', từ thủ tục nặng tính quản lý sang tạo điều kiện phát triển, là mong mỏi của các doanh nghiệp.
Nghị quyết 68 - cửa cho doanh nghiệp công nghệ rộng mở
Ngày 4/5 vừa qua Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân, trong đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Nghị quyết 68 không chỉ dừng ở những lời kêu gọi hay khẩu hiệu, mà đi vào tận gốc rễ của vấn đề: cải cách thể chế. Một loạt những giải pháp mạnh mẽ được đưa ra, từ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, số hóa toàn bộ quy trình, đến bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng.

Các doanh nghiệp startup kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ giúp 'giải phóng năng lượng' để phát triển, vươn xa.
Nghị quyết dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như miễn, giảm thuế, khấu trừ chi phí R&D, lập quỹ phát triển công nghệ và sandbox công nghệ. Đây là cú hích mạnh để kinh tế tư nhân thoát khỏi vai trò thụ động, trở thành chủ sở hữu công nghệ và mô hình kinh doanh tiên phong. Chuyển đổi số, nếu được đầu tư đúng tầm, sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Nhà sáng lập Mạng xã hội thực tế ảo YooLife cho rằng Nghị quyết 68 xuất hiện rất đúng lúc - trong thời điểm mà khu vực kinh tế tư nhân cần không chỉ sự khích lệ tinh thần, mà cả những cam kết chính sách thực chất để vươn lên đóng vai trò chủ lực. Việc khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân không chỉ có giá trị định hướng, mà thể hiện rõ tư duy phát triển chủ động, minh bạch và thực thi.
"Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng là Nghị quyết 68 đã đi thẳng vào gốc rễ: cải cách thể chế, chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ "xin cho" sang "phục vụ", từ thủ tục nặng tính quản lý sang tạo điều kiện phát triển. Với những doanh nghiệp công nghệ theo đuổi hướng đi mới như YooLife, điều này rất quan trọng. Chúng tôi theo đuổi triết lý: công nghệ cần phục vụ con người, tôn trọng giá trị nhân văn, và tạo ra ảnh hưởng tích cực lâu dài cho xã hội", ông Nguyễn Mạnh Tùng nói.
Chia sẻ khó khăn gặp phải, ông Nguyễn Mạnh Tùng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất nằm ở khâu hợp tác công – tư. "YooLife là một nền tảng mạng xã hội thực tế ảo tập trung vào các nội dung mang tính văn hóa, giáo dục và bảo tồn di sản. Chính vì vậy, để sản phẩm thực sự lan tỏa, chúng tôi cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị công lập như trung tâm bảo tồn, bảo tàng, trường học, cơ quan văn hóa địa phương...

Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Nhà sáng lập Mạng xã hội thực tế ảo YooLife.
Thực tế từ một số dự án đã thực hiện, chúng tôi gặp trở ngại về quy trình - từ việc xin phép triển khai, xác định đơn vị quản lý, cho đến thẩm định nội dung. Có những mô hình rất rõ ràng về giá trị cộng đồng, nhưng vì chưa có khung pháp lý cụ thể nên không biết phải làm việc với ai, theo quy trình nào. Điều này khiến nhiều dự án tiềm năng bị chậm lại hoặc chưa thể triển khai đúng kỳ vọng. Trong khi chúng tôi rất cần một cơ chế hợp tác linh hoạt, có tính thử nghiệm, và quan trọng là có niềm tin từ phía cơ quan quản lý để cùng nhau mở đường cho những mô hình mới", ông Tùng nói.
CEO-Founder Trần Hồ Phương, sáng lập kiêm chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Aloxy là kỹ sư điện tử viễn Thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông Trần Hồ Phương và Cộng sự phát triển sản phẩm đèn tảo Aloxy có khả năng loại bỏ được bụi mịn và CO2, đồng thời sinh ra lượng oxy có thể thay thế cho cây xanh trong nhà. Dù sản phẩm được đánh giá có nhiều tiềm năng ứng dụng rộng rãi, song đến nay vẫn khó và "vướng" nhiều thứ để có thể triển khai.
Ông Trần Hồ Phương cho rằng, vốn và thị trường là hai nút thắt lớn nhất. Trở ngại đầu tiên và lớn nhất chính là nguồn vốn. Là doanh nghiệp nhỏ, startup của ông không có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm, cơ sở vật chất và phát triển thị trường. Việc gọi vốn từ ngân hàng gần như không khả thi do không có tài sản thế chấp và chưa có doanh thu ổn định. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại yêu cầu startup phải có sản phẩm hoàn chỉnh, có đầu ra rõ ràng và thị trường sẵn sàng.

CEO-Founder Trần Hồ Phương – nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Aloxy, sáng chế hệ thống đèn tảo lọc không khí đã được đăng ký với cục Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ nhà nước cũng chưa thực sự hiệu quả. "Chúng tôi cần một tổ chức giống như 'vườn ươm' thực sự, nơi có chuyên gia tư vấn chiến lược sản phẩm, thị trường và nguồn lực. Nhưng hiện tại, ba năm trôi qua sản phẩm vẫn chưa thể 'lớn' lên được vì thiếu cú hích đủ mạnh", ông Trần Hồ Phương chia sẻ.
Một khó khăn khác là thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan kiểm định chất lượng. Dù sản phẩm đã có sáng chế, nhưng hiện chưa có quy chuẩn pháp lý rõ ràng về chất lượng không khí trong nước để làm căn cứ đánh giá giá trị thực tiễn. Điều này khiến doanh nghiệp loay hoay trong việc chứng minh tính hiệu quả của sản phẩm.
'Chúng tôi không mong đợi được bơm tiền vô điều kiện'
CEO Trần Hồ Phương cho rằng, truyền thông hiện tại chủ yếu mang tính phong trào, chưa có sự cam kết lâu dài từ các bên để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm một cách bền vững. "Muốn sản phẩm lan tỏa, cần có một chiến lược truyền thông bài bản kết hợp với các chính sách thí điểm cụ thể như đưa sản phẩm vào các khu đô thị xanh, các chương trình về phát triển kiến trúc bền vững hoặc môi trường đô thị", anh nói.
Mặc dù bày tỏ sự lạc quan với Nghị quyết 68, CEO Trần Hồ Phương cho rằng vẫn cần thời gian để chính sách thực sự đi vào thực tế. Startup như Aloxy đang tạm dừng mở rộng quy mô, chỉ duy trì hoạt động ở mức nghiên cứu và sản xuất nhỏ lẻ, chờ đợi tín hiệu cụ thể từ Nhà nước hoặc một nhà đầu tư phù hợp.
Anh cũng kỳ vọng có thể tiếp cận các quỹ hỗ trợ do nhà nước bảo trợ, từ đó tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản phẩm. "Chúng tôi không mong đợi được 'bơm' tiền vô điều kiện, chỉ cần có cơ chế rõ ràng, có sự đồng hành từ chuyên gia, nhà quản lý và thị trường. Nếu có một dự án đô thị xanh, hay một chủ trương rõ ràng từ một tập đoàn lớn, chúng tôi hoàn toàn có thể triển khai sản phẩm như một mô hình điểm", anh chia sẻ thêm.
Dù còn nhiều vướng mắc, câu chuyện của startup Aloxy là minh chứng cho tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng bứt phá của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển xanh đang trở thành xu hướng tất yếu, những chính sách mang tính "giải phóng năng lượng" từ Nghị quyết 68 đang được kỳ vọng sẽ mang lại động lực thiết thực cho cộng đồng startup.
Còn ông Nguyễn Mạnh Tùng kỳ vọng có thể nhìn thấy những chính sách thực thi hóa tinh thần của Nghị quyết 68, đặc biệt ở 3 điểm:
Thứ nhất, sớm triển khai sandbox công nghệ cho các mô hình đổi mới như mạng xã hội thực tế ảo, giáo dục trải nghiệm số, du lịch ảo... Đây là không gian thử nghiệm cực kỳ quan trọng để các sản phẩm hướng cộng đồng có thể bước ra thực tế.
Thứ hai, cần có chính sách ưu tiên đặc thù cho những doanh nghiệp lấy triết lý nhân văn làm trung tâm. Các sản phẩm ứng dụng AI, IoT, VR360 không chỉ phục vụ thương mại mà còn gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền cảm hứng học tập, phát triển tri thức, giáo dục lòng yêu nước, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng - xứng đáng được hỗ trợ về vốn, thuế, truyền thông và hợp tác công - tư.
Thứ ba, Nhà nước cần là người tiêu dùng tiên phong. Nếu các cơ quan nhà nước, trường học, bảo tàng, thư viện … chủ động sử dụng nền tảng "Make in Vietnam" như YooLife để số hóa di sản, tổ chức triển lãm số, hay dạy học bằng bài giảng 3D, thì không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mà còn tạo nền móng cho xã hội số mang tính nhân văn.
"Chúng tôi kỳ vọng vào một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bài bản, không chỉ ưu đãi về thuế hay vốn, mà còn về cơ chế thử nghiệm, triển khai, sử dụng và hợp tác. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay lại nằm ở việc thuyết phục chính khách hàng Việt tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng nội địa, đặc biệt là hàng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, việc chọn đi con đường ưu tiên giá trị nhân văn trong sản phẩm công nghệ cao hơn các giá trị thương mại truyền thống, sẽ khiến mô hình bền vững trong tương lai nhưng lại chưa tạo được đột biến doanh thu trong ngắn hạn, trong khi áp lực tài chính cho chi phí R&D, hạ tầng phần cứng là rất lớn. Chúng tôi mong muốn có cơ chế hợp tác công - tư (PPP), nhà nước và doanh nghiệp cùng làm như một bài toán xã hội hóa.
Chúng tôi cũng mong sẽ có chính sách đầu tư vào nhân lực giải pháp công nghệ vị nhân sinh, khuyến khích phát triển các nhóm startup tạo ra giá trị xã hội, không chỉ thuần tăng trưởng thương mại. Đây là nền tảng để hình thành một thế hệ doanh nghiệp "sinh ra để phụng sự", và tôi tin điều này sẽ tạo ra bản sắc riêng cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam", ông Tùng nói.