Nghịch lý ở quốc gia ưa chuộng thịt cá nhất châu Á
Mức tiêu thụ thịt cá bình quân đầu người ở Nhật Bản đã giảm gần 50% chỉ trong một thế hệ.

Người Nhật Bản ưa chuộng các món ăn từ cá. Ảnh: Getty.
Nhật Bản, xét trên nhiều khía cạnh, là thiên đường của những người thích ăn cá. Bên cạnh món ăn biểu tượng là sushi, truyền thống ẩm thực xứ Phù Tang còn bao gồm vô số món cá nướng và om.
Thế nhưng, ngày nay, người Nhật ăn ít cá hơn rất nhiều so với trước đây, Sora News24 đưa tin.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (gọi tắt là Bộ), mức tiêu thụ cá bình quân đầu người của Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2001, trung bình mỗi người dân ăn 40,2 kg cá.
Đến năm 2022, thời điểm gần nhất mà Bộ công bố số liệu, con số đó đã giảm xuống còn 22 kg cá/người/năm. Mức giảm này là hơn 45% so với mức đỉnh và là lượng thấp nhất được ghi nhận kể từ khi Bộ bắt đầu thu thập số liệu thống kê vào năm 1960.
Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt (động vật trên cạn) bình quân đầu người của Nhật Bản lại tăng lên. Mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người đã vượt qua mức tiêu thụ cá vào năm 2011, đạt 33,5 kg/người/năm vào năm 2022. Điều này cho thấy Nhật Bản, nói chung, đang ăn thịt nhiều gấp rưỡi so với cá.

Mức tiêu thụ cá bình quân đầu người của Nhật Bản là 22 kg cá/người/năm vào năm 2022. Ảnh: Yomiuri Shimbun.
Sự thay đổi trong chế độ ăn uống của người Nhật gần đây được quan tâm trở lại. Nguyên nhân là một chuyên mục trên JB Press, tạp chí tin tức trực tuyến của Nhật Bản, đã trích dẫn các số liệu thống kê được đề cập ở trên.
Chuyên mục đó suy đoán một trong số lý do khiến người Nhật hiện ăn ít cá hơn là vì đất nước có ít cửa hàng chuyên bán cá hơn so với trước đây. Cụ thể, năm 1980, có khoảng 50.000 cửa hàng như vậy nhưng ngày nay chỉ còn khoảng 10.000. Tuy nhiên, giả thuyết này không có nhiều cơ sở.
Các cửa hàng chuyên bán cá không đóng cửa do thiếu nhu cầu sau năm 1980 vì mức tiêu thụ cá bình quân đầu người tiếp tục tăng cho đến năm 2001. Thay vào đó, lý do là sự phát triển mạnh của các siêu thị - nơi mọi người có thể mua cá cùng nhiều loại hàng tạp hóa khác - nằm ở vị trí thuận tiện, đặc biệt đối với cư dân ở các khu vực đô thị và ven đô.
Bộ cũng đưa ra vài lời giải thích hợp lý hơn trong báo cáo của mình. Đó là trong khi cá được người dân Nhật Bản xem là thực phẩm tốt cho sức khỏe và ăn ngon, người tiêu dùng hiện đại cũng thấy loại thịt này đắt đỏ và khó chế biến. Không ít người thậm chí còn không biết cách nấu cá.
Thực tế, giá cá ở Nhật Bản có thể không cao như ở một số quốc gia khác. Nhưng tại đây, thịt thường là lựa chọn kinh tế hơn ở siêu thị, xét về lượng calo trên một yen. Vì vậy, nấu ăn bằng thịt (đặc biệt là thịt lợn và gà) tiết kiệm hơn là cá. Điều tương tự cũng xảy ra với việc ăn ngoài: rất dễ tìm thấy những lựa chọn thịt rẻ nhưng no bụng (cơm bò, hamburger, gà rán karaage) hơn là cá.
Khi nấu ăn tại nhà, chế biến thịt thường dễ dàng hơn cá rất nhiều. Cá cũng có xu hướng nhanh hỏng hơn so với các món thịt.

Cá được đánh giá là khó chế biến và nhanh hỏng hơn thịt. Ảnh: Sora News24.
Một yếu tố mà cả báo cáo của Bộ và chuyên mục của JB Press không xem xét là sự thay đổi về quy mô hộ gia đình và mô hình làm việc của Nhật Bản.
Hiện nay, thanh niên độc thân ở Nhật chuyển ra khỏi nhà bố mẹ phổ biến hơn nhiều so với 1-2 thế hệ trước. Bên cạnh đó, nhiều người có xu hướng kết hôn muộn hơn. Trong khi đó, người Nhật không quen sống cùng nhà với ai nên thường ở một mình trong các căn hộ nhỏ.
Trong không gian chật chội, dễ hiểu khi mọi người tránh nấu cá ở nhà để mùi tanh không bị bám vào quần áo, ga trải giường và đồ đạc khác.
Ngoài ra, vì thịt để được lâu hơn cá, mọi người chỉ cần nấu một lần là ăn được nhiều bữa. Đối với các cặp vợ chồng cùng đi làm, họ có nhu cầu nấu bữa ăn nhanh chóng, dễ chuẩn bị.
Vì vậy, có lẽ điều rút ra chính xác nhất không phải là Nhật Bản không thích ăn cá nhiều như trước đây, mà là một số khía cạnh của lối sống hiện đại đang khiến việc ăn cá trở nên khó khăn hơn so với 20, 30 hoặc 40 năm trước.