Nghiên cứu chấm điểm chất lượng bảo dưỡng công trình đường thủy

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, nghiệm thu bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa theo chất lượng thực hiện.

Chấm điểm theo từng hạng mục

Theo dự thảo, việc đánh giá công tác bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa theo chất lượng sẽ thực hiện bằng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 (tương ứng với tỷ lệ 100%) theo từng hạng mục công việc trên tuyến sông (kênh).

Việc đánh giá công tác bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa theo chất lượng sẽ thực hiện bằng phương pháp chấm điểm theo thang điểm.

Việc đánh giá công tác bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa theo chất lượng sẽ thực hiện bằng phương pháp chấm điểm theo thang điểm.

Việc xác định điểm công tác bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa sẽ theo từng hạng mục công việc trên tuyến sông (kênh) quy định.

Giá trị dự toán chi phí hoặc giá trị hợp đồng của từng hạng mục công việc được chia đều cho các tháng theo hợp đồng làm cơ sở thanh toán và khấu trừ kinh phí sau khi đánh giá, nghiệm thu theo tiêu chí.

Đơn vị được giao hoặc được ủy quyền quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa quốc gia (chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư) có trách nhiệm tổ chức việc giám sát bảo dưỡng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy theo chất lượng thực hiện của nhà thầu.

Trường hợp có đủ biên chế và năng lực, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có thể trực tiếp giám sát kết quả thực hiện hoạt động bảo dưỡng tài sản.

Ngược lại, cơ quan này có thể giao Ban Quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để tổ chức hoạt động giám sát. Chi phí giám sát việc thực hiện bảo dưỡng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Định kỳ giám sát kiểm tra kết quả thực hiện của nhà thầu

Theo dự thảo thông tư, nội dung giám sát sẽ bao gồm thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của cơ quan được giao quản lý tài sản, đại diện của cơ quan được giao quản lý tài sản, người thực hiện nhiệm vụ giám sát cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện.

Kiểm tra đối chiếu nhân lực, thiết bị thi công, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu bảo trì trên thực tế với các quy định trong hồ sơ mời thầu, dự thầu, hợp đồng bảo trì đã ký.

Cùng đó, giám sát chất lượng thực hiện hoạt động bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia của nhà thầu theo các tiêu chí chất lượng quy định trong hợp đồng.

Định kỳ 1 tháng, giám sát kiểm tra kết quả thực hiện của nhà thầu (gồm cả công tác quản lý và bảo dưỡng); Kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư.

Tạm dừng thi công với nhà thầu bảo trì khi xét thấy chất lượng bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường thủy không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn.

Dự thảo giao trách nhiệm cho cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hoặc cơ quan được ủy quyền trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, nghiệm thu hoạt động bảo dưỡng tài sản của nhà thầu.

Việc nghiệm thu chất lượng thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa quốc gia sẽ được thực hiện từng tháng. Việc thanh toán thực hiện theo từng tháng hoặc quý và được quy định trong hợp đồng.

Chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư căn cứ số lượng tài sản kết cấu hạ tầng (không căn cứ số lần thực hiện) trong dự toán bảo dưỡng thường xuyên công trình được phê duyệt để xây dựng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đặt hàng, ký kết hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu thanh toán khi thực hiện loại hợp đồng có nội dung công việc theo kết quả đầu ra.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghien-cuu-cham-diem-chat-luong-bao-duong-cong-trinh-duong-thuy-192240619190041618.htm