Nghiên cứu kỹ về nguồn vốn, công nghệ khi đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam
Trong Phiên thảo luận tại Tổ, các ĐBQH nêu quan điểm: Cần nghiên cứu kỹ về nguồn vốn, công nghệ, tiến độ hoàn thiện, đảm bảo kinh tế vĩ mô, ngân sách Nhà nước, nợ công và bội chi ngân sách và các mục tiêu khác khi đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...
Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tham gia họp tại Tổ 5 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang. Đa số các ĐBQH thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình số 767/TTr-CP; cụ thể hóa các quy hoạch đã được phê duyệt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Việc thực hiện dự án cũng góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội cả nước, đồng thời là động lực tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh nằm trong hành lang tuyến đường sắt tốc độ cao phát triển kinh tế-xã hội; đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh cho đất nước.
Tuy nhiên, các ĐBQH cũng bày tỏ ý kiến, quan điểm về nguồn vốn, công nghệ, tiến độ hoàn thiện và tác động của thực hiện dự án với đảm bảo kinh tế vĩ mô, ngân sách Nhà nước, nợ công và bội chi ngân sách...
Đề cập về tổng mức đầu tư dự án, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong báo cáo của Chính phủ có đề cập tới đầu tư 5 cảng hàng hóa và khoảng 28,5 km đường kết nối ga hàng hóa để khai thác chạy tàu hàng khi có nhu cầu, đồng thời đề cập tới việc cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu thành đướng sắt vận tải hàng hóa và khách du lịch có cự ly phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án làm rõ những nội dung nêu trên có được cập nhập vào tổng mức đầu tư không. Đối với nguồn vốn, tại khoản 1, Điều 3 của dự án quy định thêm 3 nguồn vốn. Do đó, Ban soạn thảo dự án làm rõ đề nghị bổ sung nguồn vốn theo phương thức đầu tư đối tác công tư PPP khi thực hiện các dự án theo đối tác công tư.
Về cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ thế nào là cơ chế, chính sách đặc biệt; cơ chế chính sách đặc biệt khác cơ chế, chính sách đặc thù như thế nào. Ngoài ra, tại điểm b, khoản 10 quy định: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án. Với nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Ban soạn thảo dự án làm rõ điều chỉnh quy hoạch của dự án hay điều chỉnh các loại quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Mặt khác, cũng cần làm rõ khi điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng trực tiếp đến dự án thì thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ, còn điều chỉnh quy hoạch không làm ảnh hưởng trực tiếp đến dự án thì mới thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định.
Làm chủ công nghệ để giảm thiểu lãng phí và chú trọng đến các mục tiêu đề ra
Đóng góp vào chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm: Nguồn vốn để thực hiện dự án đường sắt này chủ yếu dựa vào vốn vay, phát hành trái phiếu Chính phủ, nhưng theo quy định của ngân sách Nhà nước thì trái phiếu Chính phủ khi huy động phải hòa vào ngân sách Trung ương, không dành riêng cho dự án nào. Do đó, nếu đồng ý phương triển khai đầu tư dự án sẽ phải giảm bội chi ngân sách. Như vậy, điều này sẽ ảnh hưởng đến huy động vốn vay nước ngoài.
Bày tỏ sự quan tâm về thời gian thực hiện và tiến độ hoàn thiện dự án, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, nếu triển khai chủ trương đầu tư dự án thì liệu đến năm 2023 có hoàn thành không và nếu dự án bị tiếp tục kéo dài thì có bị đội vốn lên không? Mặt khác, tại dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chưa quy định chính sách đặc biệt ưu đãi cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nước.
Để triển khai dự án một cách hiệu quả, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cũng cho rằng, liệu Việt Nam có thể làm chủ công nghệ được không cũng là vấn đề cần quan tâm vì 10 năm hoạt động, các máy móc, bộ phận của đường sắt thường phải thay, sửa chữa. Nếu nước ta không làm chủ công nghệ mà khi đến thời điểm thay máy móc, thiết bị, nhà sản xuất bán với giá bao nhiêu chúng ta phải mua như thế thì rất lãng phí.
Đồng thuận với việc chủ trương thực hiện dự án đường sắt tốc độc cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự án sẽ giúp thúc đẩy du lịch của nước ta tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa và là hành trang, điểm điểm nhấn khi Việt Nam bước vào kỉ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển và vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên, để triển khai được dự án, đại biểu vẫn còn băn khăn về việc tiếp nhận, đầu tư cho công nghệ phải đồng bộ từ đường ray, thiết bị của đường sắt. Về nhà ga nhìn ở góc độ văn hóa, cần lưu ý thiết kế vừa hiện đại nhưng vấn phải mang bản sắc vùng miền, giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, khi thực hiện dự án phải tính đến phát triển các loại hình giao thông khác và cân đối nguồn lực để thực hiện, tránh lãng phí. Đặc biệt là Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với bối cảnh thu ngân sách hiện nay thì việc triển khai dự án cũng phải cân đối với khoản chi ngân sách để đầu tư cho cho các lĩnh vực khác, cân đối để mục tiêu chung Việt Nam có thể trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Khi dự án hoàn thiện cũng phải tính toán đến khai thác, sử dụng có hiệu quả để không phải bù lỗ.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH còn cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90910