Nghiên cứu lâm sàng đóng góp phát triển các phương pháp điều trị mới

Trước đây, cơ hội sống của người bệnh ung thư phổi giai đoạn muộn chỉ có thể tính bằng tháng. Hiện nay, người bệnh có thể kéo dài sự sống đến hàng năm, thậm chí nhiều năm. Đây là kết quả khẳng định ý nghĩa quan trọng của các nghiên cứu lâm sàng khi ứng dụng vào điều trị cho người bệnh.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/HM

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/HM

Thời gian sống của người bệnh kéo dài

Tại Hội nghị nghiên cứu viên ung thư phổi toàn quốc do Bệnh viện K và AstraZeneca Việt Nam tổ chức mới đây, TS.BS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, tỷ lệ mắc ung thư phổi trên toàn thế giới hiện nay là 12,4%, tỷ lệ tử vong là 8,7%.

Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ mắc đứng thứ 3 sau ung thư gan và ung thư vú, tuy nhiên tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 2.

Theo thống kê, số ca mắc mới ung thư phổi ở nước ta ghi nhận 26.262 ca mỗi năm, trong đó 23.797 ca tử vong. Điều này cho thấy ung thư phổi vẫn là gánh nặng trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho biết, bệnh nhân mắc, ung thư phổi ở giai đoạn đầu, đa số không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, bệnh phát triển rất thầm lặng, chỉ đến khi có biểu hiện, người bệnh mới đi khám, khi đó bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, di căn.

Điển hình, năm 2023, số bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn tiến triển, di căn đến khám và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiếm 73,6%, chỉ có hơn 26% người bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Trong khi đó, với các phương pháp điều trị và năng lực của y bác sĩ hiện nay, bệnh ung thư phổi có thể chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị sớm.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HM

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HM

Cũng theo TS.BS Đỗ Anh Tú, hiện nay nước ta chưa có chương trình sàng lọc quốc gia, tuy nhiên nhờ những nỗ lực trong chẩn đoán, tỷ lệ phẫu thuật được đối với người bệnh mắc ung thư phổi cũng ngày càng gia tăng.

"Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên điều trị đích, điều trị miễn dịch, tuy nhiên các liệu pháp điều trị truyền thống vẫn là xương sống, đó là hóa trị, xạ trị, phẫu thuật. Việc kết hợp các phương pháp kinh điển và phương pháp mới đã nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân", lãnh đạo Bệnh viện K cho biết.

Đặc biệt, trước đây, cuộc sống của người bệnh mắc ung thư phổi giai đoạn muộn chỉ có thể tính bằng tháng thì hiện nay người bệnh có thể kéo dài cuộc sống tới hàng năm, thậm chí nhiều năm.

Để có được kết quả này, TS Đỗ Anh Tú khẳng định ý nghĩa quan trọng của các thử nghiệm nghiên cứu lâm sàng khi ứng dụng vào điều trị người bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi.

Theo các chuyên gia về ung thư, trong số nhiều nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ở Việt Nam, nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn bệnh tiến triển tại chỗ, quá chỉ định phẫu thuật là một trong những nghiên cứu có kết quả vượt ngoài mong đợi. Nghiên cứu này vừa được trình bày tại Hội nghị ASCO 2024.

Cụ thể, thời gian sống của bệnh nhân được kéo dài, bệnh không tiến triển đến 39,1 tháng. Đây là thành quả của sự hợp tác và nỗ lực chung của các nghiên cứu viên ở nhiều bệnh viện trên cả nước.

Giúp người bệnh thêm cơ hội tiếp cận thuốc mới

Cũng tại Hội nghị, TS.BS Nguyễn Ngô Quang, Quyền Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cho biết, số lượng nghiên cứu lâm sàng ở nước ta tăng nhanh trong những năm gần đây. Điều này thể hiện sự nỗ lực và cam kết của các nhà khoa học, bác sĩ và cả hệ thống y tế. Sự tăng trưởng này cũng là minh chứng cho tiềm năng và khát vọng phát triển của chúng ta trong lĩnh vực y tế.

Năm 2023, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thanh tra nghiên cứu tại 2 cơ sở nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở nước ta. Kết quả, chúng ta không cần thực hiện thêm biện pháp nào. Đây là niềm tự hào của Việt Nam khi đưa nghiên cứu lâm sàng lên một tầm cao mới, đạt được sự tin tưởng cao từ cộng đồng quốc tế.

Nghiên cứu lâm sàng là một giai đoạn quan trọng và cần thiết trong quá trình nghiên cứu và phát triển các giải pháp điều trị hoặc các loại dược phẩm mới, góp phần thay đổi thực hành điều trị, đem lại những tác động tích cực đến sức khỏe con người.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã và đang đóng góp tích cực vào việc phát triển cũng như áp dụng những phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở nước ta, trong đó có ung thư phổi.

Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một sự tiến bộ mạnh mẽ từ các phương pháp hóa trị truyền thống đến các loại thuốc nhắm trúng đích và thuốc miễn dịch tiên tiến trong điều trị ung thư. Những thành tựu này không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, thông qua việc phê duyệt các đề cương nghiên cứu cho thấy, các đơn vị thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam đã tham gia rất tích cực và được các tổ chức quốc tế tin tưởng lựa chọn là các điểm nghiên cứu.

Vì vậy, số lượng nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở nước ta tăng nhanh trong những năm gần đây. Nhiều bệnh viện tham gia triển khai thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, tiến hành theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhiều nghiên cứu đóng góp tích cực vào việc thay đổi phương pháp thực hành lâm sàng, tìm ra những thuốc mới cải thiện kết quả điều trị bệnh nhân, từ kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng cuộc sống đến nâng cao cơ hội chữa bệnh.

Bên cạnh đó, thử nghiệm lâm sàng còn giúp nhiều người bệnh có thêm những cơ hội tiếp cận thuốc mới, giảm chi phí điều trị.

Trên thế giới đang có hơn 67 ngàn nghiên cứu đã và đang thực hiện, trong đó có nhiều nghiên cứu của AstraZeneca đang được triển khai tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 6.500 bệnh nhân.

Các nghiên cứu được thực hiện trên nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như ung thư phổi, vốn có tỷ lệ mắc mới cao nhất thế giới và thứ 3 tại Việt Nam.

Bộ Y tế luôn nhìn nhận việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm mới là một trong những ưu tiên hàng đầu.

HM

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nghien-cuu-lam-sang-dong-gop-phat-trien-cac-phuong-phap-dieu-tri-moi-102240623224001918.htm