Nghiên cứu mới: Ăn nhiều rau không giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ
Nhóm chuyên gia Đại học Oxford, Anh, phát hiện ăn nhiều rau xanh không giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim, đột quỵ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần duy trì lối sống, bữa ăn lành mạnh.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Nutrition, nhóm chuyên gia tại Anh phát hiện chế độ ăn uống nhiều rau xanh không bảo vệ chúng ta khỏi mắc các bệnh về tim mạch như đột quỵ, xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim, viêm cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim...
Theo Bloomberg, phát hiện này thách thức các nghiên cứu trước đây về khuyến cáo chúng ta ăn nhiều rau xanh, góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch có thể dẫn tới đột quỵ, đau tim, tử vong.
Nguyên nhân có thể những nghiên cứu trước đó không tính đến các yếu tố về lối sống như hút thuốc, uống rượu, ăn thịt hay điều kiện kinh tế xã hội như trình độ học vấn, thu nhập và sự giàu có của một người.
Ăn nhiều rau không giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Nhóm tác giả tại Đại học Oxford, Anh, nói thêm bằng chứng từ các nghiên cứu trước đây cũng không nhất quán. Ngoài ra, trong nghiên cứu mới, họ kết luận nguy cơ mắc bệnh tim mạch không bị ảnh hưởng bởi việc ăn nhiều thực phẩm sống hoặc nấu chín.
Tiến sĩ Qi Feng, khoa Y tế Dân số Nuffield tại Đại học Oxford, Anh, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng về tác dụng bảo vệ của việc ăn rau với sự xuất hiện của các bệnh tim mạch. Thay vào đó, các phân tích cho thấy tác dụng bảo vệ của việc ăn rau trước nguy cơ mắc bệnh tim mạch rất có thể do sự sai lệch từ những yếu tố gây nhiễu còn sót lại, liên quan sự khác biệt về tình hình kinh tế xã hội và lối sống”.
Nhóm chuyên gia sử dụng dữ liệu từ 399.586 người (trong đó 4,5% phát triển bệnh về tim mạch). Khi đăng ký tham gia nghiên cứu vào năm 2006-2010, họ được hỏi về chế độ ăn uống, lối sống, tiền sử y tế và sinh sản và các yếu tố khác. Bảng hỏi cũng khảo sát về số lượng rau sống và nấu chín trung bình họ ăn hàng ngày, cũng như nguy cơ họ phải nhập viện vì đau tim, đột quỵ hoặc bệnh tim mạch, tử vong. Các yếu tố như tình trạng kinh tế xã hội, hoạt động thể chất và chế độ ăn uống cũng được xem xét.
Trong nghiên cứu, tổng lượng rau, rau sống và đã được nấu chín mà các tình nguyện viên ăn hàng ngày lần lượt là 5; 2,3 và 2,8 muỗng canh/người. Họ nhận thấy nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn khoảng 15% ở những người ăn nhiều rau nhất và nhóm ăn ít rau nhất.
Tuy nhiên, tác động này về cơ bản đã bị suy yếu khi tính đến các yếu tố liên quan kinh tế xã hội, dinh dưỡng, sức khỏe và y học. Khi các yếu tố này được xem xét, hiệu quả của việc ăn nhiều rau để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch giảm hơn 80%.
Theo các nhà khoa học, những nghiên cứu tương lai nên đánh giá thêm việc từng loại rau cụ thể hoặc cách chế biến có ảnh hưởng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch hay không.
Ăn uống khoa học vẫn quan trọng
Tuy nhiên, nhóm tác giả nhấn mạnh chế độ ăn uống cân bằng và duy trì cân nặng hợp lý vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, nguy hiểm.
PGS.TS Ben Lacey, Đại học Oxford, kết luận: “Đây là nghiên cứu quan trọng, có ý nghĩa trong việc tìm hiểu nguyên nhân chế độ ăn uống có thể dẫn tới các bệnh tim mạch thế nào và nguy cơ khi ăn ít rau xanh. Song, ăn uống khoa học, duy trì cân nặng hợp lý vẫn giúp chúng ta có sức khỏe tốt, giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh như ung thư. Chúng ta nên ăn ít nhất 5 phần trái cây, rau củ quả mỗi ngày”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu dinh dưỡng, TS Ian Johnson, Viện Khoa học sinh học Quadram, đánh giá: “Kết quả này đặt ra những câu hỏi thú vị về tầm quan trọng của nhiều khía cạnh ăn uống, lối sống lành mạnh”.
GS Naveed Sattar, Đại học Glasgow, lại cho rằng chúng ta không nên thay đổi khuyến cáo ăn nhiều rau xanh vì bài báo này. “Nhiều người tại Anh ăn rất ít rau và chúng ta cần khuyến khích họ bổ sung thêm thực phẩm này. Tôi cho rằng chúng ta có thể đã đánh giá thấp tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh với sức khỏe và bệnh tật nói chung”.