Nghiên cứu sửa đổi Khung trình độ quốc gia, Khung cơ cấu hệ thống GD quốc dân

Sáng 11/6, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm xin ý kiến về sửa đổi khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tọa đàm do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì. Cùng tham dự có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; sở GD&ĐT và trường đại học một số địa phương.

Cấp thiết phải sửa đổi

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm 2016, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 1981/QĐ-TTg, 1982/QĐ-TTg). Sau đó, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018 và có một số điểm, một số nội dung chưa hoàn toàn nhất quán giữa 2 Quyết định với điều khoản của Luật.

Bên cạnh đó, thực tiễn 8 năm triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam cho thấy có một số điểm còn bất cập liên quan đến liên thông, phân luồng trong giáo dục, đối sánh với khung trình độ của các nước, đặc biệt các tiêu chuẩn do Unesco ban hành; những vướng mắc đặt ra trong công nhận trình độ, công nhận văn bằng, công nhận trình độ để học sinh đi học nước ngoài...

Luật Giáo dục quy định, Thủ tướng ban hành Khung trình độ quốc gia, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy định thời gian đào tạo, cũng như khối lượng kiến thức tối thiểu. Theo Thứ trưởng, đây là cơ hội chúng ta rà soát lại, đánh giá từ thực tiễn, từ các văn bản quy phạm pháp luật (nhất là trong quy định của Luật), xem những gì còn bất cập cần sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, việc sửa đổi cũng làm sao bảo đảm tính liên thông trong hệ thống; cũng như tương thích với các chuẩn khu vực và thế giới.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại tọa đàm.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại tọa đàm.

Chia sẻ cụ thể về lý do, sự cần thiết phải sửa đổi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết:

Quyết định số 1981/QĐ-TTg phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đang quy định về tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp tục của các cấp học và trình độ đào tạo thuộc giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, một số thành tố trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay thiếu tính hội nhập, thiếu tính thống nhất, thiếu tính liên thông và chưa hỗ trợ được tốt cho việc phân luồng giáo dục sau THCS. Cụ thể là:

Tính hội nhập thiếu vì cao đẳng không thuộc giáo dục đại học; các trình độ sơ cấp, trung cấp trong “bậc” giáo dục nghề nghiệp chưa có sự tương thích trong tiêu chuẩn quốc tế UNESCO (ISCED).

Tính thống nhất thiếu vì trình độ sơ cấp, trung cấp được thiết kế theo tiêu chí tay nghề (không cần trình độ học vấn đầu vào) trong khi trình độ cao đẳng được thiết kế cần trình độ học vấn đầu vào. Điều này chưa nhất quán theo nguyên tắc thiết kế các trình độ trong hệ thống giáo dục như ISCED.

Tính liên thông thiếu vì các chương trình đào tạo của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học hiện nay chưa có tính liên thông. Bản thân các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp cũng chưa đảm bảo tính liên thông, vì các trình độ sơ cấp, trung cấp chưa được thiết kế tiêu chí đầu vào giống như trình độ cao đẳng và 2 trình độ này chưa tương ứng với bậc nào trong ISCED nên chưa thấy con đường học vấn liên thông trong “bậc” giáo dục nghề nghiệp cũng như với các trình độ của giáo dục đại học.

Tính phân luồng còn khó khăn vì theo hệ thống hiện nay, học sinh sau THCS đều hướng vào THPT và học sinh sau THPT đều hướng vào đại học. Thực tế hiện nay, để vào cao đẳng, học sinh cần vừa có bằng trung cấp và THPT, nên việc học theo hướng đào tạo nghề trình độ trung cấp không thu hút được người học.

Đại diện cơ sở giáo dục, chuyên gia phát biểu tại tọa đàm.

Đại diện cơ sở giáo dục, chuyên gia phát biểu tại tọa đàm.

Về Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) bao gồm 8 cấp độ, từ Cấp 1 (sơ cấp) đến Cấp 8 (tiến sĩ). Mỗi cấp độ được xác định bằng các mô tả phác thảo kết quả học tập, kiến thức, kỹ năng và mức độ tự chủ và trách nhiệm. Tuy nhiên, các chuẩn đầu ra được mô tả trong các cấp độ này chưa hoàn toàn chính xác về phát biểu khi đối chiếu giữa các trình độ với nhau, được diễn đạt chưa nhất quán, và ảnh hưởng tới tham chiếu với chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia các nước trong ASEAN.

Bên cạnh đó, thiết kế Khung trình độ quốc gia Việt Nam cần phù hợp với các khung và tiêu chuẩn trình độ quốc tế nhằm tạo điều kiện công nhận bằng cấp và hỗ trợ khả năng di chuyển quốc tế cho sinh viên, người lao động; cần đảm bảo áp dụng nhất quán trong các lĩnh vực GD-ĐT khác nhau, và đảm bảo sự tham gia các bên liên quan trong thúc đẩy các cơ chế bảo đảm chất lượng hiệu quả.

Các cơ sở giáo dục đại học đều thực hiện tham chiếu VQF khi xây dựng các chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo, nhưng còn thiếu kết nối với đáp ứng kỹ năng làm việc từ thị trường lao động. Các điều kiện bảo đảm chất lượng cũng cần rà soát, chuẩn hóa, và quản lý, giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giúp công nhận các trình độ đào tạo với các nước trong ASEAN.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Chỉnh sửa bảo đảm hội nhập, liên thông, thống nhất

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, Ban soạn thảo đề xuất chỉnh sửa Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng đảm bảo hội nhập (chuyển cao đẳng về giáo dục đại học), đảm bảo tính liên thông, thống nhất, hỗ trợ phân luồng sau THCS. Tất cả các trình độ ở các bậc/cấp độ của hệ thống giáo dục quốc dân cần được thiết kế gồm 3 tiêu chí: Định hướng của chương trình; mức độ hoàn thành cấp độ; khả năng được chuyển tiếp lên cấp độ cao hơn.

Với khung trình độ quốc gia Việt Nam, Ban soạn thảo đề xuất phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ của hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời, thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo. Làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Cùng với đó, thiết lập mối quan hệ với tham chiếu khung trình độ quốc gia (NQFs) của các nước ASEAN thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ.

Tại tọa đàm, các đại biểu cùng chia sẻ về những vấn đề còn vướng mắc; đồng thời trao đổi, góp ý, đề xuất những nội dung cần chỉnh sửa trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trong đó vấn đề được nhiều ý kiến tập trung liên quan đến việc bảo đảm tính liên thông, thống nhất, hội nhập; về đào tạo đặc thù, công nhận tương đương,..

Cảm ơn ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, đại biểu tham dự buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Đây là một việc làm khó và phức tạp, đòi hỏi sự thống nhất cao của các bên liên quan; cần có bước đi ngắn hạn cũng như dài hạn để khắc phục những bất cập và hoàn thiện diện mạo mới của Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để trước mắt hoàn thành báo cáo đánh giá, từ đó xây dựng các dự thảo một cách chất lượng.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghien-cuu-sua-doi-khung-trinh-do-quoc-gia-khung-co-cau-he-thong-gd-quoc-dan-post687150.html