Ngôi làng 7000 tuổi không ô tô, xe máy, nhà nào cũng đánh số ở Hải Phòng

Được mệnh danh là làng chài cổ nhất Việt Nam, làng chài Cái Bèo thuộc địa phận quần đảo Cát Bà hấp dẫn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có nguồn hải sản đa dạng, tươi ngon và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Nằm cách đảo Cát Bà (huyện đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng) chừng 20km, làng chài Cái Bèo (hay còn gọi là làng chài Vung O) là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất tại địa phương, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm.

Với tuổi đời ước tính lên đến 7000 năm, đây cũng được xem là làng chài cổ nhất Việt Nam và hiện trở thành nơi sinh sống của hơn 500 hộ dân với nghề truyền thống là đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trên vịnh.

Với cảnh sắc thiên nhiên phong phú, không gian yên bình và có nhiều đặc sản biển tươi ngon mà những năm gần đây, làng chài Cái Bèo trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cát Bà, thu hút rất đông du khách (Ảnh: Ngô Trần Hải An).

Với cảnh sắc thiên nhiên phong phú, không gian yên bình và có nhiều đặc sản biển tươi ngon mà những năm gần đây, làng chài Cái Bèo trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cát Bà, thu hút rất đông du khách (Ảnh: Ngô Trần Hải An).

Vẻ đẹp mê hoặc của ngôi làng nổi yên bình nằm giữa vịnh Lan Hạ khi nhìn từ trên cao (Ảnh: Quang Nguyễn, Tú Trần).

Vẻ đẹp mê hoặc của ngôi làng nổi yên bình nằm giữa vịnh Lan Hạ khi nhìn từ trên cao (Ảnh: Quang Nguyễn, Tú Trần).

Không chỉ là điểm đến hấp dẫn du khách với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có nguồn thủy hải sản phong phú mà ngôi làng chài này còn ẩn chứa những giá trị văn hóa truyền thống từ cổ xưa.

Để đến được làng chài Cái Bèo, du khách xuất phát từ đảo Cát Bà, di chuyển thêm chừng 20km nữa sẽ thấy những ngôi nhà nổi dập dềnh trên sóng nước, xếp san sát nhau như một thành phố thu nhỏ.

Thông thường, để tới đây, du khách có thể thuê riêng tàu với giá từ 1.200.000 - 1.500.000 đồng/chuyến (thích hợp với đoàn, nhóm khách đông người) hoặc thuê xuồng máy, mua vé tàu ghép, đi tour nếu muốn trải nghiệm trọn vẹn làng chài này và thưởng thức các món đặc sản tươi ngon, hấp dẫn.

Điều độc đáo ở làng chài Cái Bèo là mỗi bè đều được đánh số như những ngôi nhà ở trên đất liền và phương tiện di chuyển chính của người dân là xuồng, thuyền, đò nên không gian trong lành và khá yên tĩnh (Ảnh: Linh Trần).

Điều độc đáo ở làng chài Cái Bèo là mỗi bè đều được đánh số như những ngôi nhà ở trên đất liền và phương tiện di chuyển chính của người dân là xuồng, thuyền, đò nên không gian trong lành và khá yên tĩnh (Ảnh: Linh Trần).

Anh Nguyễn Vinh, một người trẻ làm du lịch tại Cát Bà cho biết, mùa nào ở làng chài Cái Bèo cũng đẹp nhưng thời điểm lý tưởng nhất để tham quan và trải nghiệm tại đây là vào mùa xuân và mùa thu. Lúc này, thời tiết mát mẻ, nước biển trong xanh và bầu không khí rất dễ chịu.

Tới đây, du khách có thể thoải mái chiêm ngưỡng và tìm hiểu về cách thức nuôi trồng thủy hải sản của ngư dân địa phương, tham quan các lồng bè nuôi cá như cá lăng, cá hồng, cá song, cá mú,… hay trực tiếp trải nghiệm hoạt động đánh bắt, cho cá ăn,…

Đặc biệt, khách du lịch cũng có thể mua hải sản tươi sống ngay tại làng chài hoặc thuê người dân chế biến và thưởng thức tại chỗ.

Mỗi mùa, làng chài Cái Bèo lại mang vẻ đẹp riêng (Ảnh: Thiên Thanh).

Mỗi mùa, làng chài Cái Bèo lại mang vẻ đẹp riêng (Ảnh: Thiên Thanh).

Du khách thích thú check-in, trải nghiệm các hoạt động ở làng chài cổ 7000 tuổi tại Cát Bà, Hải Phòng (Ảnh: @mysofia_nguyen, Hoàng Bùi).

Du khách thích thú check-in, trải nghiệm các hoạt động ở làng chài cổ 7000 tuổi tại Cát Bà, Hải Phòng (Ảnh: @mysofia_nguyen, Hoàng Bùi).

Bạn Hà My (29 tuổi, ở Hà Nội) từng có cơ hội đến làng chài Cái Bèo hai lần và không khỏi ấn tượng với con người, cảnh sắc ở vùng sông nước nơi đây. Cô gái trẻ cảm thấy thích thú khi được chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt yên bình nhưng không kém phần náo nhiệt ở ngôi làng nổi “có một không hai” này.

“Làng chài này không khác gì một khu phố thu nhỏ với những ngôi nhà nổi xếp san sát nhau, có cả nhà hàng nổi phục vụ du khách. Mình được theo người dân đi đánh bắt, lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ từ từ lướt trên mặt nước trong xanh, cảm giác rất khoái. Giây phút ấy khiến mình như quên đi mọi mệt mỏi, khó khăn ở chốn đô thị xô bồ, đông đúc”, My nhớ lại.

Hà My cũng gợi ý, du khách có thể đến làng chài lúc bình minh hay hoàng hôn để cảm nhận vẻ đẹp, sắc thái riêng của cảnh sắc cũng như cuộc sống ngư dân ở vùng biển nơi đây.

Tới Cát Bà, du khách nên thử một lần trải nghiệm cảm giác ngồi xuôi thuyền trên vịnh xanh ngắt, len lỏi qua các hòn đảo nhỏ nhuốm màu rêu phong và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng chài Cái Bèo (Ảnh: Hoàng Bùi).

Tới Cát Bà, du khách nên thử một lần trải nghiệm cảm giác ngồi xuôi thuyền trên vịnh xanh ngắt, len lỏi qua các hòn đảo nhỏ nhuốm màu rêu phong và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng chài Cái Bèo (Ảnh: Hoàng Bùi).

Ở đây cũng nổi tiếng với nhiều đặc sản thơm ngon từ cá, tu hài và tôm,… được phục vụ trên những nhà hàng nổi do chính người dân làng chài đánh bắt hay nuôi trồng (Ảnh: Nguyễn Ngàn).

Ở đây cũng nổi tiếng với nhiều đặc sản thơm ngon từ cá, tu hài và tôm,… được phục vụ trên những nhà hàng nổi do chính người dân làng chài đánh bắt hay nuôi trồng (Ảnh: Nguyễn Ngàn).

Làng chài Cái Bèo tuy là địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ, mộc mạc và bình yên. Bởi vậy, nếu có dịp tới đây, du khách cũng cần lưu ý không xả rác bừa bãi, giữ gìn cảnh quan và môi trường xung quanh.

Ghé thăm làng chài Cái Bèo, du khách có thể kết hợp tham quan và trải nghiệm ở vịnh Lan Hạ, các bãi biển tuyệt đẹp ở Cát Bà với nhiều hoạt động thú vị như đi du thuyền, lặn ngắm san hô, chèo kayak, leo núi,…

Cái Bèo là làng chài ven biển cổ nhất được biết hiện nay ở Việt Nam

Cái Bèo là di tích khảo cổ thềm biển có quy mô lớn, địa tầng dày, có tổ hợp di tích và di vật phong phú. Các vết tích văn hóa cho thấy, đây là làng chài ven biển cổ nhất được biết hiện nay ở Việt Nam. Cái Bèo được xác định là một điểm đến hấp dẫn trong chiến lược xây dựng và phát triển Cát Bà, Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế.

Di chỉ Cái Bèo nằm cách trung tâm thị trấn Cát Bà 1,5km về phía đông nam. Đây là thung lũng bằng phẳng, 3 mặt núi đá vôi bao bọc, còn mặt đông quay ra biển. Khu di chỉ rộng khoảng 800m2, dốc thoải từ Nam ra Bắc, cao 3,5m so với mặt biển. Cách di chỉ 200m là dãy núi Áng Thảm và Bù Nâu chạy vòng cung ôm lấy Cái Bèo, làm cho nơi đây kín gió, biển không ồn ào, phong cảnh hữu tình, thuận cho việc sinh sống và khai thác thủy sản. Có lẽ vẻ đẹp thiên nhiên đã quy tụ về đây, cùng với thuận lợi về địa thế, phong phú về sản vật nên dân cư cổ Cái Bèo đã quần tụ lâu dài tại đây, tạo nên nền văn hóa đặc sắc.

Theo tài liệu và nghiên cứu khảo cổ học vùng ven biển, hải đảo Đông Bắc Việt Nam của PGs.Ts Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học Việt Nam, năm 1938 nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani đã có công phát hiện và tiến hành thám sát vịnh Cá trên đảo Cát Bà, đó chính là di chỉ Cái Bèo hiện nay. Tháng 4.1972, cán bộ khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo tiếp tục đào 2 hố thám sát và lấy tên là di chỉ Cát Bà. Kết quả thám sát cho thấy, địa tầng mang dấu tích của người Việt cổ dày 0,5 - 0,9m, đất màu nâu pha nhiều sỏi. Hiện vật thu được gồm 2 rìu đá, 7 bàn mài rãnh hình ống máng, 1 chì lưới và nhiều mảnh gốm xốp. Theo kết luận của các nhà khảo cổ học, hiện vật thu được thuộc nền văn hóa Hạ Long. Từ đó đến nay, di chỉ Cái Bèo đã được Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức khai quật thám sát di chỉ 4 lần, vào các năm 1973, 1981, 1986 và 2006 và lấy tên là di chỉ Cái Bèo.

Qua khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều lớp đất cấu tạo khác nhau, nằm theo một trật tự nhất định hợp thành tầng văn hóa khá dày, khoảng 2,6m và có thể phân biệt được 3 lớp sớm, muộn. Lớp 1 thuộc sơ kỳ thời đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 7000 năm. Lớp 2 thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, cách ngày nay 3.000 năm và lớp thứ 3 thuộc nền văn hóa Hạ Long, cách đây 4000 năm. Hơn 479 hiện vật thu được gồm các công cụ: như chày, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới, nồi gốm, dụng cụ ghè đẽo, chặt thô, mũi nhọn, đòn kê, chày; quanh bếp nấu và hố rác bếp là những xương, răng cá và thú. Những hiện vật này thuộc các niên đại khác nhau từ 4000 - 7000 năm.

Kết quả thám sát cho thấy, Cái Bèo là di tích khảo cổ thềm biển có quy mô lớn, địa tầng dày, có tổ hợp di tích và di vật phong phú. Những vết tích văn hóa ở đây đã phản ánh sự phát triển kế tiếp từ trung kỳ đá mới - đặc trưng cho nền văn hóa Cái Bèo, sang hậu kỳ đá mới - đặc trưng cho văn hóa Hạ Long. Theo PGs.Ts Nguyễn Khắc Sử, di chỉ khảo cổ Cái Bèo là một trong những di tích quý hiếm nhất của vùng duyên hải Bắc bộ. Đây là một làng chài ven biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam.

Di chỉ Cái Bèo được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2009. Đây không chỉ là di sản văn hóa biển tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam mà còn là bảo tàng địa chất tuyệt vời về sự dao động mực nước biển đại dương. Sự tiếp nhận và thích ứng của con người trước hiện tượng biển tiến, biển thoái, là một bài học cho chúng ta hôm nay trước nguy cơ xâm thực của nước biển do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, vẻ thơ mộng của thiên nhiên và cuộc sống nhộn nhịp của làng chài giúp Cái Bèo hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong chiến lược xây dựng và phát triển Cát Bà trở thành trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế, một trong những địa chỉ được huyện Cát Hải quan tâm chính là quản lý khai thác và phát huy giá trị văn hóa di chỉ Cái Bèo. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Cát Hải Vũ Tiến Lập cho biết, Phòng Văn hóa - Thông tin đã tăng cường quản lý để người dân không làm ảnh hưởng đến khu di chỉ. Phòng cũng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng văn bản trình Sở VH, TT và DL bố trí ngân sách trong chương trình mục tiêu của thành phố đầu tư xây dựng và cải tạo di chỉ Cái Bèo thành điểm tham quan. Trước mắt, năm 2013, UBND huyện Cát Hải, Hải Phòng đã quyết định đầu tư 1 tỷ đồng từ ngân sách huyện để xây dựng tường rào bảo vệ khu di chỉ.

Theo Minh Anh (Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngoi-lang-7000-tuoi-khong-o-to-xe-may-nha-nao-cung-danh-so-o-hai-phong-2125606.html