'Ngôi nhà' an toàn của động vật hoang dã

Dưới tán rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông là thế giới động, thực vật kỳ thú, nhiều bí ẩn, khơi gợi niềm khát khao khám phá của những người yêu thiên nhiên, ưa sự mạo hiểm.

Từng cây gỗ, con vật trong rừng đều được cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ghi chép, theo dõi cẩn thận.

Từng cây gỗ, con vật trong rừng đều được cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ghi chép, theo dõi cẩn thận.

“Kho báu” dưới tán rừng

Sớm một ngày tháng 10, Pù Luông có mây và sương lượn lờ quanh núi. Ở các bản, hầu hết ruộng lúa đã ngả vàng, một số ruộng người dân đang thu hoạch. Ruộng bậc thang ở Pù Luông là kiểu ruộng thấp, thoai thoải, được các dãy núi thấp bao quanh, đẹp như một bức tranh sơn màu đa sắc. Chạy xe trên những con đường lúa chín ở Pù Luông, chúng ta được sống lại những ký ức tuổi thơ, vui đùa chạy nhảy trên cánh đồng, hít hà hương lúa chín thơm.

Pù Luông đẹp nhưng nơi đây đâu chỉ có mỗi màu vàng của lúa mà còn là màu xanh ngút ngàn của rừng nguyên sinh và cả một thế giới động, thực vật kỳ thú, nhiều bí ẩn. “Rừng Pù Luông mênh mông bát ngát nhưng đến đây các bạn không chỉ khám phá rừng đâu, ở đây còn rất nhiều điều bất ngờ”, ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Pù Luông, khẳng định.

Men theo chân núi đá, chúng tôi đến vùng lõi rừng Pù Luông, những cây nghiến khổng lồ ngày càng nhiều hơn. Đứng trước một cây nghiến cổ thụ, anh Hùng hồ hởi giới thiệu, cây này đường kính cũng phải gần 2m, tuổi thọ chắc tính đến vài trăm năm. Trong khu bảo tồn hàng ngàn cây nghiến có đường kính lớn như vậy. Chúng được đánh số và theo dõi cẩn thận. Lên đến độ cao từ 1.500 đến 1.700m, cây thường chỉ có đường kính tầm một người ôm. Đặc biệt, nơi này xuất hiện loài hoa đỗ quyên trắng, mùi hương dìu dịu...

Ngụp lặn trong bầu sinh quyển của rừng Pù Luông làm chúng tôi chợt nhớ đến những ngọn đồi trơ trọi ở huyện Mường Lát. Hệ lụy của việc mất rừng tác động trực tiếp đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đó là do sạt lở, lũ quét, thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất cho nông nghiệp... Trong đó, có cả việc mất đi hệ sinh thái, các loài động vật hoang dã cũng không còn nơi để trú ngụ. May mắn, rừng ở KBTTN Pù Luông vẫn được bảo vệ tương đối tốt.

Thành lập từ năm 1999, KBTTN Pù Luông có tổng diện tích 16.999,81ha, trải dài trên địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, trong đó có khoảng 13.300ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.300ha phân khu phục hồi sinh thái. Nơi đây là “ngôi nhà” của 1.579 loài thực vật, trong đó có 58 loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, 106 loài IUCN (2022), như: thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, vù hương... Và là “nơi sinh, nơi dưỡng” của 908 loài động vật, trong đó 47 loài có tên trong Sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn; 257 loài IUCN (2022), như: báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương... Ngoài ra, ở đây còn là “thủ phủ” của hàng trăm loài bướm, lưỡng cư, động vật thân mềm khác, như: 13 loài chim, 6 loài cá, 2 loài bò sát, 17 loài côn trùng...

Đồng thời, hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học vẫn đang được tích cực triển khai với sự phối hợp hiệu quả giữa Ban Quản lý KBTTN Pù Luông với các tổ chức. Trong thời gian nghiên cứu, các cán bộ, nhân viên trong KBT phát hiện nhiều loài cá cổ ở suối trong rừng có hình thù kỳ lạ. Họ chưa tìm ra các loài cá cổ này có tên gì? Ngay cả đồng bào dân tộc thiểu số sống trong vùng lõi cũng không biết, bà con chỉ gọi chung là cá lạ. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Thái, Mường nơi đây còn kể những câu chuyện kỳ bí về người rừng thoắt ẩn, thoắt hiện... Các cán bộ trong KBT tuy chưa ai thấy người rừng, nhưng khi đi trong rừng, họ thấy dấu tích những đọt cây rừng bị tước vỏ, lấy ngọn một cách khác biệt với con người hay động vật ăn. Ngoài ra, thông qua việc đặt bẫy ảnh đã phát hiện thêm nhiều loài thú quý hiếm, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học.

Không thể nói hết sự đa dạng sinh học, dưới góc độ bảo tồn, những năm qua, KBTTN Pù Luông đã trồng, bảo vệ, di thực nhiều loại thực vật quý hiếm như trắc, cẩm lai, gõ mật... để bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu khoa học. KBTTN cũng cứu hộ nhiều loại động vật hoang dã, như: khỉ, vượn, tê tê, rùa, kỳ đà... do người dân và các cơ quan chức năng giao nộp.

Còn rừng, còn tất cả

Chứa đựng trong mình những giá trị đa dạng sinh học, giá trị khoa học và du lịch nổi bật, để phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của KBTTN Pù Luông đòi hỏi những bước đi thận trọng, vững chắc. Ngay từ những ngày KBTTN Pù Luông mới được thành lập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. Đó là tham mưu thực hiện các chính sách về quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm diện tích rừng được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt.

Bởi, trong những nguyên nhân dẫn đến một số loài động vật hoang dã có nguy cơ bị biến mất khỏi rừng là do sự săn bắt, đặt bẫy của một số hộ dân sống quanh vùng đệm của KBT. Còn một nguyên nhân sâu xa nữa do bị mất rừng, cháy rừng, nạn chặt phá rừng của người dân. Tuy nhiên, yếu tố này ít xảy ra vì rừng tại KBT được bảo vệ khá nghiêm ngặt, cùng với đó là công tác tuần tra bảo vệ rừng của các hộ dân, nhóm cộng đồng thôn, bản ngày càng được nâng cao, nhiều giải pháp đồng bộ. Việc phòng, chống cháy rừng cũng diễn ra thường xuyên... các thảm thực vật, trảng cỏ được phát dọn tránh tình trạng lửa leo cháy rừng, nhất là những tháng cao điểm của mùa khô hanh. Vì thế, song song với công tác bảo vệ rừng là nghiên cứu, triển khai các mô hình sinh kế bền vững cho người dân thuộc vùng đệm nhằm giảm áp lực cho rừng.

Với quan điểm làm du lịch để bảo tồn và phát triển, cuối tháng 11/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng KBTTN Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Pù Luông phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón được khoảng 15.800 lượt khách du lịch, tạo việc làm cho trên 300 người và góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 52 triệu đồng/năm. Quy định trong đề án này, các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ nguyên tắc, đảm bảo thân thiện với thiên nhiên, không phá vỡ cảnh quan của KBT.

Theo kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ nay tới năm 2030, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp, Hiệp Hội Cây di sản điều tra cây cổ thụ trong rừng đặc dụng làm cơ sở đề xuất công nhận cây di sản Việt Nam tại KBTTN Pù Luông. Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống giám sát đa dạng sinh học tự động và nghiên cứu bảo tồn loài các loài thú Móng guốc, các loài Cầy nguy cấp, quý, hiếm tại KBTTN Pù Luông.

Các đề án triển khai trên là động lực thúc đẩy, góp phần tạo và tăng nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn ngừa các hoạt động vi phạm Luật Đa dạng sinh học tại KBTTN Pù Luông.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ngoi-nha-an-toan-cua-dong-vat-hoang-da-228068.htm