'Ngôi nhà chung' cho cộng đồng doanh nghiệp
HNN - Chúng tôi rất mong muốn có thể xây dựng được không gian để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp (DN), tổ chức các hoạt động kết nối giao thương; cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin về các dự án đầu tư trên địa bàn... Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ DN thành phố Huế (Trung tâm) với Báo Huế ngày nay về việc xây dựng không gian giới thiệu, quảng bá, tổ chức các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố Huế. Bà Thảo cho biết:
Mới đây, UBND thành phố đã có quyết định về việc điều chuyển khu nhà đất số 3 đường Hà Nội từ Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường sang cho Trung tâm quản lý, sử dụng để xây dựng không gian giới thiệu, quảng bá, tổ chức các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố Huế.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ DN thành phố Huế
Bà có thể nói rõ hơn về mục đích hình thành không gian này?
Những năm gần đây, môi trường đầu tư, hỗ trợ DN trên địa bàn đạt những bước tiến quan trọng. Điều này thể hiện rất rõ khi chỉ số PCI của Huế luôn nằm trong top đầu của toàn quốc. Tuy nhiên thực tế, thành phố Huế hiện chưa có một không gian đặc thù chuyên nghiệp để tiếp đón nhà đầu tư trong và ngoài nước để giới thiệu danh mục dự án kêu gọi, thông tin về các cơ sở dữ liệu quy hoạch, cơ chế chính sách; tổ chức các hoạt động kết nối DN, tọa đàm, ký kết hợp tác, trưng bày dữ liệu, trình chiếu thông tin đầu tư bằng công nghệ số hiện đại, phù hợp xu thế chuyển đổi số và công nghiệp 4.0.
Đồng thời, Huế cũng chưa có một không gian trưng bày để nhà đầu tư, DN có thể nhìn thấy được toàn cảnh bức tranh phát triển, bao gồm: Bản đồ quy hoạch các khu công nghiệp, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, sản phẩm đặc trưng của địa phương, hay những điển hình thành công của DN trên địa bàn. Do đó, các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước khi đến Huế chưa có một đầu mối thuận lợi để tìm hiểu tổng quan về tiềm năng, chính sách, quy hoạch và cơ hội hợp tác tại địa phương.
Vì vậy, để đồng hành tốt hơn với DN, ý tưởng về không gian giới thiệu, quảng bá, tổ chức các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ DN cũng được định hình từ đó.

Không gian sẽ là nơi giới thiệu các sản phẩm của Huế (ảnh minh họa)
Như vậy có thể hiểu đây là “ngôi nhà chung” cho cộng đồng DN thay vì tổ chức các hoạt động phân tán như trước?
Đúng vậy. Không gian sẽ là địa chỉ thân thiện, chuyên nghiệp đón tiếp DN, nhà đầu tư, các tổ chức, đối tác khi đến tìm hiểu và triển khai cơ hội hợp tác tại TP. Huế. Đồng thời, thực hiện hiệu quả mục tiêu hỗ trợ phát triển DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ vượt qua các thách thức về vốn, thị trường, kỹ năng quản lý.
Cung cấp địa điểm tổ chức các buổi đối thoại thường xuyên giữa chính quyền, DN, nhà đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, thương mại và phát triển DN. Đây cũng là nơi chính quyền và DN có thể trao đổi về các chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính và giải pháp phát triển bền vững để góp phần thúc đẩy tăng trưởng hai con số. Đồng thời mọi thông tin liên quan đến đầu tư, thương mại, khuyến công và hỗ trợ DN được tập hợp, trưng bày và cập nhật liên tục, đáp ứng nhu cầu được hỗ trợ của các nhà đầu tư, DN, cá nhân có liên quan và tạo dựng nguồn tài nguyên thông tin phong phú, tiếp cận dễ dàng, từ đó kết nối các cơ hội đầu tư và hợp tác phát triển.
Hạt nhân xuyên suốt trong thiết kế và vận hành không gian này là gì, thưa bà?
Không gian giới thiệu, quảng bá, tổ chức các hoạt động về lĩnh vực xúc tiến, hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ DN trên địa bàn TP. Huế sẽ được thiết kế theo mô hình không gian đa lớp, kết hợp giữa không gian tĩnh (trưng bày, giới thiệu) và không gian động (sự kiện, kết nối, tư vấn), linh hoạt thay đổi theo chủ đề.
Toàn bộ không gian được chia thành 3 lớp hoạt động, không gian tĩnh và động đan xen, bổ trợ lẫn nhau. Trong đó, lớp hoạt động giới thiệu quảng bá sẽ tập trung vào truyền tải thông tin, tài liệu, hình ảnh về môi trường đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công và hỗ trợ DN của thành phố. Lớp hoạt động kết nối, đối thoại, đồng hành tổ chức sự kiện chuyên đề, cà phê doanh nhân, gặp gỡ định kỳ. Lớp hoạt động trải nghiệm, trưng bày sản phẩm: Giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tạo điều kiện để sản phẩm địa phương "gặp gỡ" thị trường.
Không gian là môi trường hỗ trợ xuyên suốt cho cộng đồng DN từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thị trường, vận hành, đào tạo tìm hiểu nhu cầu đầu tư đến tháo gỡ khó khăn cho DN…

Hoạt động xúc tiến thương mại được Trung tâm tổ chức
Nghĩa là không gian này không chỉ là nơi trưng bày, mà còn trở thành nơi “giữ chân” DN?
Có thể nói như vậy. Trong bối cảnh các địa phương đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ DN phát triển sản phẩm, gia tăng thị trường và quảng bá thương hiệu, việc hình thành một không gian chuyên biệt để trưng bày, giới thiệu và kết nối được đánh giá là cần thiết.
Theo đó, không gian trưng bày góp phần trực quan hóa các thông tin về quy hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng ngành nghề và các chính sách ưu đãi. Việc thiết lập một địa điểm có tính ổn định, dễ tiếp cận giúp địa phương chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến đầu tư, nâng cao tính minh bạch và tạo ấn tượng tốt với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Không gian sẽ trở thành “nơi đón tiếp” đặc thù vừa kết nối với các nhà đầu tư, gặp gỡ các nhà phân phối trong và ngoài nước, giới thiệu tinh hoa sản phẩm đặc trưng của Huế, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các địa phương khác... Với cách tiếp cận này, không gian không chỉ mang tính trưng bày và quảng bá đơn thuần, mà còn là nơi thể hiện sự tự tin về những gì Huế đang có và sẽ có; không gian có thể tích hợp yếu tố văn hóa, trải nghiệm sản phẩm, trình diễn nghề truyền thống, tạo thành điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách. Không gian trưng bày có thể trở thành một phần trong chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu địa phương, thể hiện bản sắc văn hóa, tiềm năng phát triển và sự năng động trong thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN.
Đồng thời, Trung tâm cũng định hướng xây dựng không gian thành nơi thử nghiệm sản phẩm mẫu, trình diễn công nghệ mới, tổ chức các sự kiện kết nối đầu tư - thị trường dành cho các DN mới khởi nghiệp. Đây là hình thức hỗ trợ thiết thực, góp phần phát triển DN bền vững và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tại địa phương.
Góp phần định vị hình ảnh địa phương và nâng cao giá trị thương hiệu, Trung tâm sẽ làm gì để khu đất không chỉ “đẹp trên giấy”, mà còn vận hành hiệu quả, dài hơi?
Điều này, Trung tâm đã nghĩ đến. Vì thế, chúng tôi xác định, để không gian này vận hành hiệu quả và dài hơi, quan trọng nhất là phải gắn với nhu cầu thật và dòng chảy thật của DN. Tức là, DN không chỉ đến trưng bày, mà phải thấy đây là nơi họ gặp được khách hàng, kết nối được đối tác, tháo gỡ được vướng mắc và nhận được thông tin chính sách kịp thời. Bộ phận thường trực của Trung tâm sẽ như một “trạm trung chuyển thông tin” tiếp nhận khó khăn, kết nối chuyên gia, chuyển tải kiến nghị đến cơ quan quản lý.
Chúng tôi không tổ chức sự kiện kiểu phong trào, mà xây dựng lịch hoạt động thường xuyên, có tính chuyên đề như các chương trình cà phê doanh nhân, không gian sản phẩm mới, phiên chợ quảng bá sản phẩm địa phương, tọa đàm kết nối thị trường… tổ chức định kỳ theo ngành, theo nhóm sản phẩm. Các hoạt động này sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, hội, hiệp hội… để “cùng nhau” xây dựng nên môi trường thân thiện hỗ trợ DN như Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã định hướng.