'Ngôi trường hạnh phúc' ở vùng khó Chư Prông
Với tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số khá cao, Trường Mẫu giáo Hoa Sữa (xã Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã triển khai đa dạng mô hình học tập, hướng tới môi trường học tập tích cực-nơi trẻ cảm thấy yêu thích và thỏa sức sáng tạo.
Trước đây, học sinh tại các làng ở xa khu trung tâm xã thường không theo học mẫu giáo đúng độ tuổi hoặc thường xuyên nghỉ học. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã vận động phụ huynh cùng giáo viên tu sửa các điểm trường, xây dựng cảnh quan sạch đẹp và hệ thống khu vui chơi cho trẻ đầy đủ.
Ngoài ra, giáo viên chủ động xây dựng các tiết học hấp dẫn, thú vị để cuốn hút trẻ. Năm học 2020-2021, nhà trường đã mở lớp bán trú tại 3 điểm trường, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của phụ huynh và học sinh.

Trường Mẫu giáo Hoa Sữa tập trung xây dựng môi trường học tập đề cao tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ; tạo kết nối, đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Ảnh: T.D
“Với mục tiêu "Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm", nhà trường chủ động triển khai kế hoạch các năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh mới”-cô Dương Thị Mai Lan-Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Cô Mai Lan thông tin thêm: Trường Mẫu giáo Hoa Sữa có 5 điểm trường lẻ tại các làng. Nhờ sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, phụ huynh và giáo viên, các điểm trường này ngày càng khang trang, sạch đẹp. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng môi trường học tập mà ở đó đề cao tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ; sự kết nối, đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường.
"Ngôi trường hạnh phúc tạo ra không gian lớp học và trường học đẹp mắt, thoải mái, khuyến khích sự sáng tạo và tương tác tích cực cho học sinh; đồng thời tạo điều kiện để học sinh phát huy tối đa tiềm năng, xây dựng sự tự tin và ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng"-Cô Mai Lan khẳng định.

Trẻ thích thú với các món đồ chơi do chính các cô giáo sáng tạo. Ảnh: T.D
Theo đó, những bức tường cũ kỹ đã được giáo viên và phụ huynh sơn sửa lại bằng nhiều hình vẽ ngộ nghĩnh. Hai bên đường dẫn vào các điểm trường được trồng hoa cùng cây xanh tỏa bóng mát. Phía sân trường, vỏ chai nhựa, bìa cứng, hộp xốp, đá cuội, tre nứa… qua đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo của các cô giáo đã trở thành những món đồ chơi ngộ nghĩnh. Nhờ đó, giờ học trở nên hấp dẫn hơn đối với trẻ.
Khám phá những hòn đá cuội được tạo hình thành con trâu và bộ cồng chiêng nhí được làm từ bìa cứng, bé Siu Mlanh (5 tuổi) thích thú nói: “Những đồ vật này thật quen thuộc với chúng con. Ở trường thật vui”. Còn bạn Rơmah H’Lan (4 tuổi) cũng mạnh dạn bày tỏ: “Tới trường chúng em được cô giáo thương và dạy nhiều điều hay. Cô và các bạn thường xuyên nói chuyện và có thật nhiều trò chơi để em hết nhớ mẹ, không đòi về nhà”.

Cô và trò Trường Mẫu giáo Hoa Sữa trong một tiết học khám phá ngoài trời. Ảnh: T.D
Để thu hút trẻ, tạo hứng thú cho các em đến trường, giáo viên nhà trường còn tự làm được nhiều loại đồ dùng, đồ chơi như: tranh ảnh, gùi, cồng chiêng, bộ trống, các con vật thân thuộc… Theo cô Nguyễn Thị Thúy Loan-Giáo viên lớp 3-4 tuổi, học thông qua hoạt động chơi là quá trình trẻ được khám phá và học hỏi về thế giới xung quanh mình. Khi chơi, trẻ không chỉ vui vẻ mà còn phát triển các kỹ năng cơ bản như: tư duy, ngôn ngữ, sáng tạo, giải quyết vấn đề và giao tiếp. Vì vậy, các cô giáo tự làm đồ dùng, đồ chơi mang tính sáng tạo cao để phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cô Trần Thị Thu Năm-Giáo viên lớp 4-5 tuổi-chia sẻ: “Giáo viên nhà trường thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, trau dồi kỹ năng, phương pháp để đáp ứng mục tiêu giáo dục phù hợp tình hình thực tiễn ở địa phương; hướng đến xây dựng một môi trường học tập mà trẻ thực sự tìm thấy niềm vui thay vì những gò bó. Hầu hết trẻ rất hào hứng khi được tham gia hoạt động gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc như: đánh cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm... Cách làm này có sức lan tỏa khá mạnh mẽ không chỉ đối với trẻ mà cả phụ huynh và giáo viên.

Trẻ rất hào hứng khi được tham gia hoạt động gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc. Ảnh: T.D
Chị Siu Liễu (làng Thung, xã Chư Prông) phấn khởi nói: “Với phương pháp dạy học đổi mới, hấp dẫn, cô giáo đã chăm lo và dạy dỗ các con rất tốt. Trẻ trong độ tuổi đến trường ở làng mình đều ra lớp học đầy đủ, không còn tình trạng bỏ học ở nhà theo cha mẹ đi làm rẫy như trước. Con tôi rất thích tới trường và sau mỗi ngày từ trường trở về, con rất vui vẻ và hạnh phúc”.
Cô Dương Thị Mai Lan-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trường đã nỗ lực tạo môi trường học tập theo hướng giúp trẻ có cơ hội phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội, thẩm mỹ và phát triển ngôn ngữ. Hàng năm, tỷ lệ chuyên cần của học sinh đạt 99,2%; tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 100%; 100% trẻ em 5 tuổi đều được theo dõi, đánh giá sự phát triển theo Bộ chuẩn phát triển; đảm bảo 100% trẻ đi học được theo dõi biểu đồ tăng trưởng.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ngoi-truong-hanh-phuc-o-vung-kho-chu-prong-post560132.html