Ngồi xuống uống ly cà phê

Với người Việt, cà phê không chỉ là thức uống giải khát. Uống cà phê do đó cũng trở thành một nghệ thuật thưởng thức, một phong cách sống. Nhớ lần tôi đến Singapore, tại những cửa hiệu cà phê vào buổi sáng thường có đông người hơn, đa phần là dân công sở cần một cốc cà phê mang đi để nạp năng lượng tỉnh táo bắt đầu ngày mới. Vào những khung giờ còn lại, người đến tiệm cà phê thông thường là khách du lịch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, người ta có thể dùng cà phê vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Không chỉ để tỉnh táo, uống cà phê còn là cách để người ta gặp gỡ và kết nối. Bạn bè khi muốn có không gian để ngồi tán gẫu, họ đi cà phê.

Nhiều đối tác muốn thảo luận sâu hơn về công việc kinh doanh cũng thường chọn ngồi bên ly cà phê để thương thuyết. Cuối tuần, người thân gia đình họp mặt để hàn huyên, thông thường cũng chọn một góc quán cà phê.

Vậy thì người Việt uống cà phê không phải chỉ để tỉnh táo mà coi đó là một dịp để gắn kết lẫn nhau. Người tìm đến cà phê cũng không phân biệt độ tuổi hay lĩnh vực nghề nghiệp. Từ sinh viên, nhân viên văn phòng cho tới doanh nhân, người ta tìm đến cà phê để tăng tập trung và sáng tạo. Với nhiều người, cà phê giúp họ làm việc hiệu quả hơn.

Có một nét đặc trưng thú vị trong văn hóa cà phê của người Việt là có thể thưởng thức cà phê ở nhiều góc quán có phong cách khác nhau. Nào cà phê bệt, cà phê vỉa hè, cà phê cóc, cà phê văn phòng, cà phê sân vườn, cà phê sân thượng,...

Mỗi phong cách là một kiểu kết hợp giữa ly cà phê đen sóng sánh và mục đích công việc, chuyện trò, ngắm nhìn phố xá hoặc xả hơi sau một ngày dài.

Tùy vùng, miền mà phong cách pha chế và thưởng thức lại có sự khác biệt thú vị riêng. Ngoài cà phê phin truyền thống, người ta cũng ưa chuộng cà phê pha vợt hoặc pha máy.

Bên ly cà phê nhỏ xuống từng giọt chậm rãi, tinh tế, người với người như trở nên gần gũi hơn bởi những câu chuyện được thoải mái tỏ bày. Nên với người Việt, uống cà phê cũng là một nét riêng mà qua đó người ta có thể nhìn thấy văn hóa và con người qua từng câu chuyện./.

Hiền Dương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ngoi-xuong-uong-ly-ca-phe-a192443.html