Ngư dân vay vốn đóng tàu, khó chồng khó

Ngư dân Quảng Ngãi vay vốn đóng tàu cá theo ưu đãi của Nghị định 67 (tàu 67) đang lâm vào tình cảnh nợ nần nguy cơ mất tài sản, nhà cửa do không có khả năng chi trả.

Nhiều tàu 67 ở Quảng Ngãi đang nằm bờ, xuống cấp. Ảnh: T.Thành.

Nhiều tàu 67 ở Quảng Ngãi đang nằm bờ, xuống cấp. Ảnh: T.Thành.

Ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) - chủ tàu QNg 90999 TS, công suất 810 CV mang tên Biển Đông 1 được ngân hàng hỗ trợ cho vay đóng mới theo Nghị định 67, tàu ông Hân hạ thủy vào năm 2016, có tổng trị giá đầu tư gần 14 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ngân hàng hơn 13,2 tỷ đồng.

Sau một năm vươn khơi, duy trì trả lãi ngân hàng đúng thời hạn, tuy nhiên tàu QNg 90999 TS liên tục gặp sự cố, hỏng hóc, hiệu quả đánh bắt thấp. Năm 2018, tàu đang hoạt động ngoài khơi thì gặp nạn mất hết ngư lưới cụ trị giá lên đến 3,6 tỷ đồng. Không đủ tiền để sắm lại ngư cụ, ông Hân đành phải cho tàu neo bờ, thuê người trông coi, còn mình theo tàu bạn kiếm cơm qua ngày. Nợ nần ngày càng chồng chất, tàu QNg 90999 TS bị đưa ra bán đấu giá, ông Hân lâm vào cảnh trắng tay.

Ông Phạm Trí Thức - ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi từng làm chủ 3 con tàu gỗ cũng là tấm gương sản xuất giỏi, 2 lần nhận Huy chương Thủy sản Việt Nam. Thế nhưng không ai ngờ ông lại có ngày lâm vào tình cảnh nợ nần nguy cơ mất hết tài sản, nhà cửa.

Theo ông Thức, năm 2014, ông đóng tàu vỏ thép để phát triển kinh tế, gia đình ông đã bán đi 3 con tàu gỗ, vay gần 15,8 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi đóng tàu vỏ thép với quyết tâm đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao. Cuối năm 2016, tàu 67 vỏ thép QNg 91999 TS với công suất gần 1.000 CV của ông Thức được hạ thủy, tính thêm cả ngư cụ có tổng trị giá 16,6 tỷ đồng. Ông cũng mang ngôi nhà với diện tích hơn 120m2 thế chấp để vay vốn.

“Chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu 67 của Chính phủ là quá tốt, nhưng thực tế tàu đóng xong có nhiều cái không phù hợp, như xả lưới bị cuốn vào chân vịt, sóng to tàu chao lắc mạnh, đặc biệt không đi kèm phương án giải quyết rủi ro trên biển của ngư dân. Tôi đã thua trắng khi đóng tàu 67 vì bị sự cố mất lưới, hết tiền không thể ra khơi khai thác. Nếu có chính sách cho cơ cấu nợ thì tôi không đến mức bị khởi kiện, bán tàu để thi hành án” - ông Thức nói.

Đã nhiều lần ngư dân Quảng Ngãi đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ đối với trường hợp ngư dân khó khăn, không còn nhà ở sau khi bị kê biên, thu hồi nhà, đất để trả nợ ngân hàng vì không có khả năng trả nợ sau khi vay vốn đóng tàu 67 nhưng làm ăn không hiệu quả. Vì thế các ngư dân thuộc diện khó khăn đề nghị UBND tỉnh quan tâm có ý kiến với các ngân hàng, có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để giảm bớt khó khăn cho người dân.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Ngãi, tổng số tiền cam kết cho vay nâng cấp, đóng mới tàu cá 67 tại các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh là 387,1 tỷ đồng, đã giải ngân 383,1 tỷ đồng. Đến 31/3/2024, số tàu còn dư nợ là 58 tàu, trong đó có 11 tàu vỏ thép và 47 tàu vỏ gỗ. Các chủ tàu đã trả nợ gốc là 141,09 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến 31/3/2024 là 242,01 tỷ đồng (dư nợ nội bảng là 25,56 tỷ đồng, dư nợ ngoại bảng là 216,45 tỷ đồng).

Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia cho vay đã xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ (giãn nợ) cho một số chủ tàu gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (như thiên tai, bị tàu khác đâm, va, chủ tàu bị bệnh tật, chủ tàu chết, mất tích…). Tuy nhiên, khi đến hết thời hạn được cơ cấu, chủ tàu vẫn không trả được nợ nên ngân hàng đã tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Các chủ tàu khác không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là do không đáp ứng đủ điều kiện để cơ cấu theo quy định. Vì vậy, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia cho vay không có cơ sở để xem xét thực hiện khoanh nợ.

“Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế tổn thất, rủi ro cho chủ tàu và các ngân hàng cho vay, đảm bảo hiệu quả các chính sách ban hành; Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67. Trong đó, có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (được quy định cụ thể trong dự thảo Nghị định), nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay” - trích báo cáo số 1587 của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi.

“Tuy nhiên, đến nay, Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 (liên quan đến quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ) vẫn chưa được ban hành. Sau khi Nghị định sửa đổi, thay thế, các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia cho vay sẽ tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định để giảm bớt khốn khó cho người dân” - ông Phương nói.

Được biết, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 63 tàu cá đóng theo Nghị định 67 với tổng vốn đầu tư hơn 387 tỷ đồng (có 11 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ). Năm 2017, một tàu cá vỏ gỗ làm nghề lưới vây bị tai nạn chìm mất hoàn toàn.

Ông Đặng Ngọc Huy - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và họ đã hứa sẽ sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 67 để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Tuy nhiên gần 2 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa có văn bản trả lời về vấn đề này. Còn việc khoanh nợ hay trả chậm thì phải theo cơ chế chung của cả nước, chứ tỉnh không thể ban hành cơ chế riêng đối với vấn đề này được.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngu-dan-vay-von-dong-tau-kho-chong-kho-10283162.html