Người bác sĩ 'tái sinh' những mảnh đời nhiễm HIV/AIDS

Không chỉ có những đóng góp lớn cho ngành y tế Hà Nội, Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa còn có nhiều năm chữa trị cho các mảnh đời không may bị HIV/AIDS.

Bác sĩ Phạm Bá Hiền học Đại học Y Hà Nội. Ra trường, ông được nhận vào làm tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa (từ tháng 11/1998 đến nay).

Trải qua nhiều vị trí công tác từ bác sĩ điều trị, Phó trưởng khoa, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Phụ trách Phòng khám HIV/AIDS; Phó Giám đốc Bệnh viện, Chủ nhiệm Chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội…

 Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa - Hà Nội (ảnh nguồn Bệnh viện Đa khoa Đống Đa).

Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa - Hà Nội (ảnh nguồn Bệnh viện Đa khoa Đống Đa).

Từ tháng 3/2021 đến nay ông được giao nhiệm vụ là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa.

Bệnh viện đa khoa Đống Đa là bệnh viện được TP Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động chỉ đạo tuyến, hoạt động chuyên khoa truyền nhiễm trong đó có công tác quản lý, chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS.

Nói đến HIV/AIDS nhiều người còn e dè, thế nhưng dù ở cương vị nào, bác sĩ Phạm Bá Hiền cũng không ngại khó, mà luôn tận tâm với công việc, đặc biệt là với những bệnh nhân mang căn bệnh thế kỉ.

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, bác sĩ Phạm Bá Hiền tham gia điều trị trực tiếp cho người bệnh nhiễm HIV/AIDS, hội chẩn các ca bệnh khó. Hỗ trợ chuyên môn cho các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS khác của thành phố theo kế hoạch và khi có yêu cầu.

Tham gia công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống HIV/AIDS dưới nhiều hình thức, cả trực tiếp và gián tiếp. Không chỉ vậy, anh còn có đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, cấp cơ sở đã được nghiệm thu về lĩnh vực này.

“Những bệnh nhân HIV/AIDS là những bệnh nhân cần được sẻ chia nhất. Họ đa phần là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhạy cảm, do sợ bị kỳ thị đã tự cô lập, xa lánh mọi người, việc này cũng khiến cho nhiều bệnh nhân khó tiếp cận điều trị, khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn, điều này khiến công tác phòng chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn” - bác sĩ Hiền cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hiền chia sẻ: Bản thân mình trước đây cũng đã từng bị phân biệt đối xử, kỳ thị vì là bác sĩ chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV.

Khoảng 20 năm trước đây, khi vốn kiến thức, hiểu biết về HIV/AIDS trong cộng đồng còn hạn chế, thì ngay cả cán bộ y tế cũng còn có những người lo ngại khi phải tiếp xúc với mình vì lo sợ lây bệnh.

Trong quá trình công tác, không ít lần bác sĩ Hiền phải đối diện với nguy cơ lây bệnh. Anh nhớ lại lần cấp cứu một trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tự tử, cắt cổ tay.

Trong quá trình xử lý vết thương, anh bị máu của bệnh nhân bắn vào cả cánh tay, nhưng đứng trước nguy cơ sống còn của bệnh nhân, anh chỉ nghĩ đến việc là làm thế nào để có thể cứu mạng sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Hiền chia sẻ, nếu nắm chắc kiến thức, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quy trình phòng ngừa lây nhiễm bệnh chặt chẽ thì sẽ không còn cảm giác lo ngại khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật cho những bệnh nhân HIV/AIDS.

Quy trình khám chữa bệnh, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS không khác biệt lớn so với bệnh nhân bình thường.

Tất cả trường hợp xử lý thăm khám điều trị đặc biệt là phẫu thuật liên quan đến tiếp xúc với máu, dịch cơ thể thì phải bảo đảm những quy trình về mặt chuyên môn. Quy trình đáp ứng yêu cầu an toàn cho người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế và an toàn cho cộng đồng.

Không chỉ phải phòng ngừa lây nhiễm vi rút HIV mà còn phòng ngừa viêm gan B, viêm gan C và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Bác sĩ Hiền bày tỏ, việc xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử với người HIV/AIDS sẽ giúp cho chúng ta tiến tới mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS nhanh hơn, bởi việc này không chỉ giúp cho y bác sĩ mạnh mẽ hơn trong công tác cứu người, mà còn làm cho những bệnh nhân HIV/AIDS yên tâm hơn khi tiếp cận xét nghiệm và điều trị sớm.

Nhiều người sau khi nhiễm HIV lại trở thành những tuyên truyền viên tích cực, hỗ trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS.

Với những đóng góp và cống hiến tích cực trong gần 25 năm công tác, bác sĩ Phạm Bá Hiền đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, ông được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Năm 2021, được Công đoàn ngành Y tế Việt Nam tặng Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong phòng chống dịch Covid-19 năm 2021"và danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-bac-si-tai-sinh-nhung-manh-doi-nhiem-hiv-aids-post236579.html