Người có uy tín vào cuộc, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân

Dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc của những người có uy tín trong cộng đồng, đặc biệt là tại các bản làng vùng sâu vùng xa, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá ở xã Dân Tiến (Thái Nguyên) đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Những thay đổi này góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

 Ông Lầu Văn Bằng, người có uy tín ở xóm Tân Tiến (xã Dân Tiến, tỉnh Thái Nguyên), tích cực tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng.

Ông Lầu Văn Bằng, người có uy tín ở xóm Tân Tiến (xã Dân Tiến, tỉnh Thái Nguyên), tích cực tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng.

Xã Dân Tiến (tỉnh Thái Nguyên) là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Cao Lan và đặc biệt là người Mông ở xóm Tân Tiến, vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống. Trong bối cảnh đó, tình trạng sử dụng thuốc lá vẫn còn phổ biến, chủ yếu ở những người lớn tuổi do thói quen lâu năm, khó bỏ.

Tiếng chuông cảnh tỉnh từ những người "giữ lửa" bản làng

Bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN xã Dân Tiến cho biết: "Trên địa bàn xã Dân Tiến hiện nay tình trạng sử dụng thuốc lá vẫn còn phổ biến chủ yếu là người có tuổi cao, phổ biến là người dân tộc thiểu số như Cao Lan, Dao, Tày, Nùng, Mông… do thói quen và hút thời gian dài nên không thể bỏ được". Đặc biệt, những vùng sâu, vùng xa, người dân còn ít hiểu biết về tác hại của thuốc lá.

Bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN xã Dân Tiến.

Bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN xã Dân Tiến.

Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, nhận thức về tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến rõ rệt. Thế hệ trẻ đã có nhiều nhận thức hơn về tác hại của thuốc lá nên tỷ lệ hút thuốc lá giảm đáng kể, phụ nữ cũng tích cực vận động chồng con không hút thuốc, khiến số lượng nam giới trẻ tuổi hút thuốc ngày càng ít đi.

Công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá được Hội LHPN xã Dân Tiến lồng ghép trong nhiều hoạt động, từ các cuộc họp, buổi sinh hoạt đến tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Facebook, Zalo.

Bà Phạm Thị Nhị nhấn mạnh: "Trong những năm qua công tác tuyên truyền chủ yếu thông qua các cuộc họp, sinh hoạt người dân cơ bản hiểu được tác hại của thuốc nên tỷ lệ hút thuốc giảm hẳn". Để tăng cường hiệu quả, Hội cũng phối hợp với Hội Nông dân thành lập 2 mô hình chi hội không có người hút thuốc lá, đạt hiệu quả cao với hơn 90% hộ không có người hút thuốc lá.

Hội LHPN xã Dân Tiến lồng ghép tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong các buổi sinh hoạt, góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ tại địa phương.

Hội LHPN xã Dân Tiến lồng ghép tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong các buổi sinh hoạt, góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ tại địa phương.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, những người ít tham gia các hoạt động xã hội, chưa có điện thoại thông minh hay tivi vẫn là một thách thức lớn. Đây chính là lúc vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng trở nên vô cùng quan trọng. Hội LHPN xã đã chủ động phối hợp với trưởng xóm, người uy tín cùng cán bộ y tế, giáo dục, công an để tổ chức truyền thông sao cho phù hợp và hiệu quả.

Tại xóm Tân Tiến, nơi cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, ông Lầu Văn Bằng được xem là một trong những người có uy tín đặc biệt. Với sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán và ngôn ngữ của bà con, ông Bằng đã trở thành cầu nối quan trọng đưa các thông điệp phòng chống tác hại thuốc lá đến từng hộ gia đình. Ông không chỉ dùng lời nói mà còn bằng chính tấm gương của mình để thuyết phục bà con.

Ông Lầu Văn Bằng (ngoài cùng bên trái), người có uy tín trong đồng bào người Mông ở xóm Tân Tiến, cùng cán bộ Hội và lực lượng công an đến tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá tại hộ gia đình.

Ông Lầu Văn Bằng (ngoài cùng bên trái), người có uy tín trong đồng bào người Mông ở xóm Tân Tiến, cùng cán bộ Hội và lực lượng công an đến tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá tại hộ gia đình.

Ông Bằng chia sẻ: "Tôi thường xuyên đến từng nhà, trò chuyện thân mật với bà con, phân tích những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Tôi cũng hay kể những câu chuyện thực tế về các gia đình lâm vào khó khăn vì người thân mắc bệnh do hút thuốc, hay những đứa trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe từ khói thuốc thụ động".

Chị Đào Thị Phin, hội viên phụ nữ người Mông ở xóm Tân Tiến chia sẻ: "Trước đây, nhiều người trong xóm vẫn hút thuốc lá vì nghĩ đó là thói quen bình thường, thậm chí là để giải tỏa căng thẳng khi đi làm mệt mỏi, công việc vất vả. Nhưng từ khi ông Bằng thường xuyên tuyên truyền, phân tích rõ ràng tác hại của thuốc lá, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ nhỏ, nhiều người đã dần thay đổi nhận thức".

Vợ chồng chị Phin.

Vợ chồng chị Phin.

Theo chị Phin, chồng chị trước đây cũng hay hút thuốc, nhưng nhờ sự vận động của ông Bằng và các hội viên phụ nữ, anh đã giảm dần và nay đã bỏ hẳn. Chị vui mừng vì từ đó, con cái trong nhà không còn phải hít khói thuốc thụ động như trước.

Những câu chuyện như của chị Phin không phải là hiếm ở xóm Tân Tiến. Nhờ sự kiên trì, tận tâm của ông Bằng và sự phối hợp hiệu quả của Hội LHPN xã, tỷ lệ người hút thuốc lá ở xóm đã giảm đi đáng kể. Nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số, đã thay đổi tích cực. Giới trẻ gần như không còn hút thuốc lá truyền thống mà chỉ còn một số ít hút thuốc lá điện tử do đua đòi ở tuổi học sinh.

Lan tỏa giá trị, xây dựng cộng đồng khỏe mạnh

Thành công trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở Dân Tiến là minh chứng rõ nét cho vai trò không thể thiếu của những người có uy tín trong cộng đồng. Họ không chỉ là cầu nối truyền tải thông tin mà còn là những tấm gương, những người động viên, khơi gợi ý thức tự giác của bà con.

Việc phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, đoàn thể địa phương với người có uy tín trong cộng đồng đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp hoạt động tuyên truyền đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong môi trường sống đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Sự phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể và người có uy tín ở Dân Tiến góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng.

Sự phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể và người có uy tín ở Dân Tiến góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng.

"Trong quá trình truyền thông tới cộng đồng dân tộc thiểu số cần quan tâm đến việc phân tích tác hại của việc hút thuốc và cách phòng chống tác hại của thuốc để người dân hiểu sâu, đặc biệt quan tâm đến đối tượng cần tuyên truyền để thuyết phục họ có hiệu quả".

Bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN xã Dân Tiến

Trong thời gian tới, Hội LHPN xã Dân Tiến tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân và thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về tác hại của thuốc lá, góp phần giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng. Để đạt được điều này, sự chung tay của các cấp, các ngành, các chương trình, dự án là vô cùng cần thiết.

Đặc biệt, việc tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình phối hợp với người có uy tín trong cộng đồng sẽ là giải pháp then chốt, góp phần đưa thông tin đến đúng người, đúng cách và phù hợp với đặc điểm văn hóa từng nhóm dân tộc.

Có thể khẳng định, vai trò của những người có uy tín như ông Lầu Văn Bằng ở xóm Tân Tiến là vô cùng quan trọng trong công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá tại các cộng đồng dân tộc thiểu số. Chính nhờ những "người giữ lửa" này, nhận thức của người dân được nâng cao, thói quen có hại dần được loại bỏ, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-co-uy-tin-vao-cuoc-gop-phan-nang-cao-suc-khoe-cho-nguoi-dan-20250723004901093.htm