Người con của bản
ĐBP - Năm ấy, 'ma đói' sục sạo khắp nơi. Người ta kể rằng ở dưới xuôi, những người chết đói chỉ còn là nhúm da bọc xương. Bây lâu nay toàn lính Pháp đóng đồn, giờ lại đến thời lính Nhật với những họng súng máy chia ra nhìn đến lạnh người.
Một chiều, đi làm nương về, lúc qua suối, Tình thấy một người con trai đang nằm thoi thóp cô liền chạy về gọi bố. Khi anh ta tỉnh lại hỏi ra mới biết anh từ miền xuôi lên đây dạy học cho một nhà giàu nhưng vì lạc đường anh lạ đến đây. Ngày ấy người dân ở bản cũng đang thiếu thốn lương thực nhưng còn có củ rừng và lá thuốc nên ít ngày sau anh khỏe lại. Một hôm Tình khi ngồi dệt vải, thấy anh ta nói với bố:
- Bố mế ở đây cũng như cha mẹ con dưới quê, giờ giặc chiếm đóng khắp nơi. Mình chỉ quen cầm cày, cầm cuốc nhưng nếu mọi người cùng đồng lòng đứng lên đuổi ngoại xâm thì không còn ai phải đi phu, đi lính, hạt thóc ngoài đồng, con thú trên rừng, con cá dưới suối… đều là của mình.
Bố Tình trầm ngâm:
- Nhưng mà thằng Tây nó có súng, có lô cốt, dân mình chỉ quen làm ruộng sao đuổi được chúng? Chẳng phải đã từng có nhiều vị anh hùng chiêu mộ tráng đinh khởi nghĩa đều bị chúng bắt sao?
Anh thanh niên giảng giải:
- Các bậc anh hùng yêu nước đều đáng trọng nhưng họ chưa có đường hướng rõ ràng, chưa “truyền lửa” đến được từng nhà, từng người nên thương nhân, trí thức, nông dân, người thợ… chưa kết đoàn lại. Còn khi ta đồng lòng như nước dâng lên, kẻ thù nào ngăn nổi?
Rồi những ngày sau đó, Tình thấy anh dạy con trai trong bản biết dùng gậy, dùng dao dài múa võ, biết dựng tấm mo nang làm bia để bắn nỏ, biết chon cây cao quan sát khi có người lạ lên dốc… Hôm anh rời bản, mế Tình đặt vào tay nải của anh gói cơm và dặn:
- Con cứ theo đường nhỏ mà đi, gặp ai hỏi thì con nói tiếng người ở đây, sẽ không bị nghi ngờ. Thời buổi giặc giã không biết thế nào, chúng ta mong còn được gặp lại con...
Sau ngày Tổng khởi nghĩa, chính quyền non trẻ ở miền rẻo cao này được thành lập, người dân được nhận ruộng đất. Chưa bao giờ bố mế của Tình được đứng thẳng trên cánh đồng dưới bầu trời xanh một cách tự do như thế. Nhưng rồi những ngày tháng ấy nhanh chóng qua đi, giặc Pháp quay lại chiếm đóng. Dân bản nghe thấy tiếng súng mỗi ngày một gần. Ở bản giờ đã có đội du kích, ngay đến người già như bố Tình đi nương cũng khoác khẩu súng kíp sẵn sàng ứng chiến.
Một ngày đi làm nương về, Tình thấy trong bản có nhiều người lạ, đó là những anh bộ đội người xuôi có khuôn mặt hiền lành. Bố Tình bảo đơn vị các anh sẽ đóng quân ở đây để bảo vệ cho bà con cả vùng này. Nghe bố nói, tự nhiên, Tình có một linh cảm rất lạ…
Những năm tháng sau khởi nghĩa, giặc Pháp vẫn tổ chức các trận càn, bộ đội ta chiến đấu anh dũng. Nhiều người ngã xuống vì sốt rét, vì bệnh tật, họ mãi mãi nằm lại trong những cánh rừng già như được mẹ hiền che chở. Ở đây, các y bác sĩ đều tận tình chăm sóc sức khỏe cho dân bản, giúp bà con không còn sợ con ma rừng mà chỉ tin vào việc ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh. Khi các anh bộ đội thiếu thuốc men, bà con lại hái thuốc chữa trị theo cách của người miền núi, tình quân dân đơn sơ mà bền chặt...
Với người ở miền núi, hạt muối bao giờ cũng là thứ quý giá nhất nhưng ở đây muốn mua được muối phải đi qua vùng tề mới xuống được chợ đường xuôi. Sau khi bàn bạc kĩ lưỡng, bản của Tình cử một đội thanh niên đảm nhận nhiệm vụ gánh muối và những nhu yếu phẩm về. Mỗi chuyến đi sẽ có một số anh bộ đội đi bảo vệ. Đường xa, gánh nặng nhưng mọi người đều giúp đỡ nhau vượt qua nguy nan khiến những khó khăn, vất vả ấy nguôi đi phần nào.
Một lần, khi mọi người chuẩn bị ra về, Tình thấy một người bán đồ trang sức bằng bạc. Trên tấm vải dải dưới mặt đất có một chiếc vòng rất đẹp. Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ Tình được đeo chiếc vòng đẹp như thế. Cầm chiếc vòng lên ngắm nhìn, chợt nghĩ đến mấy đồng ít ít ỏi mang theo cô lại nhẹ nhàng đặt xuống. Đúng lúc Tình vừa quay đi thì nghe thấy tiếng gọi:
- Này cô gái, cô đeo chiếc vòng này đi
Tình quay lại nhìn người bán hàng. Thấy vậy, bà chỉ tay giải thích:
- Có một anh bộ đội vừa trả tiền và bảo ta hãy đeo chiếc vòng cho cháu, anh ấy vừa đi về phía kia...
Tỉnh nhìn theo hướng tay bà chỉ thấy một bóng rất quen mà chưa thể nhận ra. Hình như lần này đoàn còn có thêm nhiệm vụ đón một đoàn cán bộ từ dưới xuôi lên, cô chỉ biết loáng thoáng vậy.
Trên đường về, đoàn đã gặp phải một toán giặc. Các chiến sĩ đã nổ súng yểm trợ cho bà con rút lui. Đúng lúc Tình vừa trèo lên con dốc, một loạt đạn bắn xối xả bắn tới. Nhanh như cắt, một anh bộ đội đã kịp lao tới đẩy cô nép vào tảng đá. Cô nhận ra máu bắt đầu chảy trên vai anh từ vết thương khi anh che đạn cho cô. Cô vội xe vạt áo băng bó vết thương. Đến khi cầm máu, nhìn lại khuôn mặt anh, Tình chợt nhận ra đó là Hữu - anh thanh niên ngày xưa cô từng cứu sống. Anh chỉ kịp năm lấy cổ tay cô, nơi có chiếc vòng bạc rồi ngất đi...
Sau hôm ấy cô không thấy ai nhắc đến anh Hữu nữa, có thể vì đó là do bí mật quân sự. Tình được đi học, tham gia hoạt động đoàn thanh niên và phụ nữ xã… Thế rồi, ngày chiến thắng đã đến, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Tình cùng với bao người dân nô nức trong những ngày độc lập đầu tiên. Mỗi khi nhìn chiếc vòng bạc trên tay cô cảm thấy trong lòng vẫn còn canh cánh.
Một ngày đầu thu, khi đang ngồi bên suối, Tình nghe thấy tiếng sáo thổi. Tiếng sáo ngày một gần hơn, vọng ra từ con đường rừng. Tình nhận ra Hữu, anh trở về từ chiến trường với một cánh tay bị mất trong chiến đấu. Vẫn nụ cười ấy, tiếng nói ấy, anh trở về làm nghề dạy học như ngày nào. Hữu tình nguyện lên đây sống cùng dân bản, nơi anh đã gắn bó như quê hương thứ hai của mình. Giữa núi rừng, non nước hữu tình họ đã có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau như thế...
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/190546/nguoi-con-cua-ban