Người dân ăn chín, uống sôi để phòng bệnh liên cầu lợn
Ngày 10/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, địa phương đã nắm chắc tình hình và đang khống chế tốt bệnh liên cầu lợn (liên cầu khuẩn Streptococcus Suis), đồng thời khuyến cáo người dân không hoang mang và không chủ quan, lơ là trong phòng, chống bệnh này.

Bác sĩ, điều dưỡng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế kiểm tra, theo dõi sức khỏe bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Ảnh: Mai Trang/TTXVN
Thành phố Huế đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ, thực hiện các giải pháp không để bệnh lây lan rộng. Các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông, tuyên truyền để người dân hiểu, biết cách phòng tránh bệnh, đây được xem là giải pháp mang tính quyết định cho việc khống chế bệnh hiệu quả. Các đơn vị cần tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, từ bỏ thói quen chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế thành phố Huế thông tin, địa phương đã ghi nhận 31 ca nhiễm liên cầu lợn, trong đó 1 ca đã tử vong; các ca bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Qua điều tra dịch tễ, Sở Y tế thành phố Huế phát hiện các ca bệnh này xuất hiện rải rác ở nhiều phường, xã. Để phòng bệnh, Sở Y tế thành phố Huế khuyến cáo người dân “ăn chín, uống sôi”, tuyệt đối không ăn tiết canh và thịt lợn chưa được nấu chín, không tiêu thụ, vận chuyển lợn chết, lợn bệnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế đã và đang tăng cường điều tra dịch tễ, thực hiện kiểm tra đột xuất tại các cơ sở giết mổ lợn. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh trên đàn lợn đạt trên 88%. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế tiếp tục nâng tỷ lệ tiêm vaccine trên đàn lợn.
Trước đó, phóng viên TTXVN đã đưa tin, ngày 7/7, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp dương tính với liên cầu khuẩn Streptococcus Suis (liên cầu lợn). Số ca bệnh này có xu hướng tăng từ giữa tháng 6/2025.