Những ngày này, người dân xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lại mang lưới, cọc tre ra ruộng giăng kín khắp các cánh đồng để chờ 'săn' rươi. Những tấm lưới được kéo trên ruộng tạo thành bức tranh khá độc đáo.
Đang tất bật giăng lưới, bà Nguyễn Thị Nguyệt (60 tuổi, trú xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) cho biết, trước đây, khi rươi còn rẻ, mọi người thắp đèn đi vớt rươi tự do trên ruộng. Từ ngày rươi trở thành đặc sản, giá cả đắt đỏ, có thời điểm nửa triệu đồng/kg, nhà ai có ruộng đều mua lưới về khoanh.
“Nhà tôi làm 2 sào ruộng rươi, phải dùng hơn 20 kg lưới để giăng. Do lưới năm ngoái bị hư nhiều nên năm nay gia đình phải mua mới để vá bù vào. Mỗi cuộn lưới thường được gắn thêm những cọc tre cao hơn chiều rộng của lưới, một đầu vót nhọn, găm xuống ruộng nhằm giữ lưới căng”, bà Nguyệt nói.
Theo bà con nơi đây, phần lớn ruộng rươi ven sông Lam đều thấp, lúc nước thủy triều dâng thường ngập hết bờ, do đó bà con phải mua lưới cao tầm 1,2m trở lên để giăng quanh bờ.
Ông Phạm Văn Vị (trú xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) cho biết, trước khi giăng lưới, ông đã cày bừa kỹ ruộng rươi. Theo kinh nghiệm săn rươi, thửa ruộng nào có nhiều những lỗ nhỏ như đầu đũa ở trên mặt ruộng, thì ruộng đó nhiều rươi.
“Trung bình mỗi sào ruộng cần hơn 10 kg lưới. Tùy từng loại lưới có giá khác nhau, dao động từ 7.000 - 12.000 đồng/kg. Sau khi giăng lưới, tôi thường lấy đất lấp kín chân lưới, đảm bảo lưới không bị nổi, hở khi nước sông dâng, rươi không thể ra ngoài”, ông Vị chia sẻ.
Sau khi đóng cọc, giăng lưới, người dân bốc bùn bịt chân lưới.
Không chỉ đóng cọc đứng, người dân còn dựng cọc nghiêng đề phòng gió thổi tạt đổ lưới khi nước triều dâng cao, hay có mưa to gió lớn.
Cột dây cố định cọc
Tại những vùng ruộng trũng, người dân phải dùng hai thanh tre kẹp vào nhau để cố định lưới
Lưới khoanh rươi thường được người dân giăng trên ruộng tầm 2 - 3 tháng. Đến cuối vụ rươi, bà con nông dân sẽ thu lưới về cất.
Thu Hiền