Người 'giữ hồn' Raglai
Hiện nay, trong các buôn làng ở vùng cao Khánh Sơn, ông Mấu Hồng Thái - mọi người hay gọi già Thái (ở thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) là một trong số ít những nghệ nhân còn chế tác và chơi được các loại nhạc cụ truyền thống của người Raglai. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, già Thái vẫn giữ gìn mạch nguồn truyền thống Raglai bằng cách chế tác, truyền dạy cho lớp trẻ về cách làm, cách chơi đàn chapi, khèn bầu…
Tôi đến nhà già Thái vào một ngày chớm xuân, từng vạt nắng vàng như mật ngọt phủ khắp những đồi sầu riêng ngút tầm mắt. Trong ngôi nhà của mình, già Thái đang cẩn thận chọn những khúc lồ ô tầm 1 năm tuổi, đã phơi 25 - 30 cái nắng rồi tỉ mẩn đục lỗ, tạo bộ dây đàn trên thân lồ ô. “Trước đây, đàn ông Raglai chỉ được xem đã trưởng thành khi biết đan cái gùi để đi rẫy, biết làm cái nỏ để đi săn, biết làm đàn, làm khèn để đi chơi. Người nào đan được cái gùi vừa đẹp vừa chắc, làm được cái nỏ, cái tên săn được nhiều thú rừng, làm cái đàn chapi, khèn bầu có âm thanh hay thì càng được nhiều cô gái thầm thương trộm nhớ”, già Thái mở đầu câu chuyện, giọng rất vui.
Vừa làm, già vừa nhớ lại thời thanh niên, những đêm trăng thanh, gái trai trong làng cùng nhau ngồi trước hiên nhà dài, trong tiếng đàn chapi, những thiếu nữ cất lên những làn điệu sử thi rộn rã. Hay những mùa lúa vàng ươm trên rẫy, cây đàn chapi lại cùng già Thái ngân vang những khúc ca được mùa...
Ngoài làm đàn chapi, già Thái còn chỉ cho tôi một vài công đoạn để làm khèn bầu, hay đan gùi, làm nỏ, mũi tên. Những nhạc cụ, sản phẩm thủ công mà già Thái làm ra vốn dĩ là những vật dụng trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào Raglai, nhưng theo sự phát triển của xã hội, người Raglai bây giờ ít sử dụng. Số người biết làm những vật dụng này chủ yếu là người già, nhưng cũng còn lại rất ít. Vì thế, những dịp huyện Khánh Sơn vào mùa lễ hội, già Thái lại được mời trình diễn chế tác và biểu diễn đàn chapi hay tái hiện cách thức đan gùi, làm nỏ để đưa các nhạc cụ, sản phẩm thủ công truyền thống của người Raglai đến với du khách gần xa. Trong nhà già Thái chất đầy nỏ, gùi, đàn chapi, khèn bầu. Hỏi sao già làm nhiều thế? Già bảo: “Thôn Hòn Dung đang làm du lịch cộng đồng, nhiều khách đến lắm! Khách du lịch rất thích các loại nhạc cụ, đồ thủ công truyền thống của người Raglai. Họ hay mua về làm kỷ niệm nên mình làm để bán cho du khách khi đến thăm thôn Hòn Dung”.
Những ngày giáp Tết, già Thái đón tin vui khi các sản phẩm truyền thống của già làm ra gồm: Đàn chapi, khèn bầu, gùi, bộ nỏ mang tên “Hồng Thái” đều được công nhận là sản phẩm OCOP. Già Thái tâm sự, cứ mỗi lần có đoàn khách ở dưới xuôi đến tham quan và mua những sản phẩm mình làm ra, già vui lắm. Để có sản phẩm chất lượng phục vụ khách, già đã mạnh dạn đăng ký sản phẩm OCOP. Khi sản phẩm đến tay khách du lịch nhiều hơn, già sẽ có cách để nói với thanh niên trong thôn học nghề này, vừa giữ được nghề truyền thống, vừa có thu nhập.
Chính vì thế, khi Huyện đoàn Khánh Sơn mời già truyền dạy cách làm đàn chapi cho thanh niên Raglai, già vui vẻ nhận lời ngay. Già Thái tự hào khoe: “Mấy thanh niên mình truyền dạy cách chế tác đàn chapi cũng đã biết cách làm rồi đấy. Có mấy thanh niên khi làm được, mang đến cho mình xem, chơi thử, mình thấy vừa ý lắm! Vậy là sẽ có thêm những người trẻ sẽ tiếp nối mình giữ gìn loại nhạc cụ truyền thống này rồi”.
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, hiện nay, địa phương đang tập trung xây dựng thôn Hòn Dung trở thành làng du lịch cộng đồng, là điểm đến du lịch đặc sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Khánh Sơn. Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ già Thái xây dựng “Điểm bán hàng lưu niệm” của làng du lịch cộng đồng, địa phương sẽ vận động thanh niên đến già Thái để học cách làm, cách chơi đàn chapi, khèn bầu và làm các sản phẩm thủ công khác để phục vụ du khách…
Tôi chia tay già Thái khi mặt trời dần khuất bóng sau đỉnh Hòn Dung. Những câu hát: “Hôm nay được mùa/Lúa bắp đầy kho/Hỡi buôn làng ơi/Chúng ta quây quần/Hát ca nhảy múa/Mừng mùa lúa mới…” trong bài ca Mừng lúa mới mà già Thái tiễn tặng tôi vẫn vang vọng qua từng khe núi; những sản phẩm OCOP mang tên “Hồng Thái” lại theo khách về phố thị. Một mùa xuân nữa lại đến, mùa lễ hội, mùa hát ca, tiếng khèn bầu, tiếng đàn chapi của già Thái vẫn bay bổng với khát khao giữ hồn Raglai…
HẢI LĂNG
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2025/202502/nguoi-giu-hon-raglai-b4977ff/