Người hùng mang sắc phục Công an nhân dân
Dư âm về đêm kinh hoàng 9/9/2024 dường như chưa qua, mỗi lần nhìn thấy vệt đất loang lổ trải từ đỉnh đồi xuống chân đồi, vùi lấp toàn bộ nhà cửa, tài sản và người thân, những người dân xóm Lũng Súng lại nghẹn ngào. Trong gian nguy, hình ảnh những chiến sĩ công an như những người hùng cứu dân trở thành hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân, nổi bật là hình ảnh Thiếu tá Bàn Đức Lợi, Trưởng Công an xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình đã nhanh chóng cứu hộ và đưa ra những quyết định để kịp thời cứu dân.
Xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc lâu nay yên bình, nắng mưa khá hài hòa, không có dấu hiệu của thiên tai. Nhưng khi cơn bão số 3 (Yagi) càn quét vào các tỉnh phía Bắc, hoàn lưu bão gây mưa lớn, mưa kéo dài, làm sạt lở đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số huyện của tỉnh, thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, hoa màu... và cướp đi sinh mạng của 55 người, trong đó xóm Lũng Súng bị vùi lấp hoàn toàn 6 hộ gia đình, làm 11 người chết, 11 người bị thương.
Gặp Thiếu tá Bàn Đức Lợi khi cơn bão đã qua 4 tháng, nhưng những mất mát của người dân nơi đây như vừa mới diễn ra, những đau thương mà anh và đồng đội cùng đau xót, trải qua cùng người dân không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Anh Lợi kể lại: Những mất mát của người dân là rất lớn, trong thời điểm cam go ấy, không ai bảo ai, mọi người đều cố gắng nỗ lực tìm kiếm người bị nạn, có chiến sĩ bị thương cũng không phát hiện ra, về mới thấy máu loang lổ trên cơ thể.
Anh còn nhớ như in, đêm đó mưa rất to, bỗng nghe có tiếng gọi thất thanh của một nam giới kêu cứu, anh và đồng đội lao ra giữa mưa đêm. Qua hệ thống văn bản các cấp gửi đến đơn vị, những cảnh báo nghiêm trọng về cơn bão số 3 anh cũng đã triển khai trong tập thể cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với các lực lượng tại địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình của bão, cũng như kiểm tra các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để có biện pháp phòng ngừa cho người dân, nhưng thực tế lúc này khiến anh không khỏi bàng hoàng... lấp loáng dưới ánh đèn pin là cảnh tượng kinh hoàng khi đất đã tràn lấp toàn bộ ngôi làng.
![Thiếu tá Bàn Đức Lợi (thứ hai từ trái sang) vui cùng người dân trong ngôi nhà mới được hỗ trợ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_619_51436123/2b49ac11975f7e01274e.jpg)
Thiếu tá Bàn Đức Lợi (thứ hai từ trái sang) vui cùng người dân trong ngôi nhà mới được hỗ trợ.
Trước tình hình đó, anh nhanh chóng lấy lại tinh thần và chỉ huy lực lượng công an xã phối hợp với các lực lượng khác triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Phát huy tinh thần người chiến sĩ Công an nhân dân, anh tham mưu Đảng ủy, UBND xã và chỉ đạo lực lượng công an xã, đồng thời huy động lực lượng trong dân để tham gia cứu hộ, đưa người bị thương đi cấp cứu theo phương châm “4 tại chỗ”: Chúng tôi nhanh chóng mỗi người một hướng, dự đoán chỗ nào khả năng có người là lao đến bới tìm. Trong đêm tối, tôi nhìn thấy một người chỉ thò đầu lên, đất đã lấp chìm đến ngực vội vàng lao đến, ánh mắt của người thanh niên rực sáng nhìn tôi rồi bảo “còn mẹ em bên kia“, chúng tôi nhanh chóng kéo em lên nhưng rất khó, tìm cây đào bới xung quanh thì ra em bị mấy cây chuối và chiếc xe máy đè lên người rồi đất lèn vào nên không thể kéo ra được. Đến khi kéo ra được khỏi đất bùn thì chân tay đã tê dại và bất tỉnh, chúng tôi cử người khiêng người thanh niên đó đến khu vực an toàn để tạm thời sơ cứu, tiếp tục tìm kiếm những người bị nạn. Do mưa, trời tối nên trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn, 1 người dân đã bị điện giật, cuộc tìm kiếm thêm hiểm nguy với mối đe dọa từ điện truyền dẫn. Với sự quyết tâm cao, các lực lượng khẩn trương tìm kiếm cứu nạn và cứu được 11 người ra khỏi khu vực sạt lở, đồng thời nhanh chóng đưa người bị thương nặng đến nơi cứu chữa. Lúc này, nhận thấy tình trạng nguy cấp của các nạn nhân, anh huy động thêm nhân lực, vật lực, bao gồm cả lực lượng dân quân tự vệ và người dân địa phương để nhanh chóng tổ chức cứu trợ, đưa các nạn nhân ra khỏi vùng bị sạt lở, đến trạm y tế cứu chữa. Do các con đường chính bị đất, đá sạt lở chắn lối, anh quyết định di chuyển đưa người bị thương bằng đường rừng, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng địa phương, khoảng hơn 5 giờ, các lực lượng tại chỗ đã khiêng các nạn nhân vượt hơn 9 km để đến Quốc lộ 34, nơi có xe cứu thương chờ sẵn. Đặc biệt, trong quá trình di chuyển tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, lực lượng Công an xã Yên Lạc phát hiện thêm 2 trường hợp bị thương nặng do mắc kẹt trong khu vực sạt lở, anh huy động thêm lực lượng để nhanh chóng cứu trợ. Nhờ sự chỉ đạo nhanh chóng và sự phối hợp giữa các lực lượng, 5 người bị thương nặng được cứu chữa kịp thời tại cơ sở y tế.
Trong khoảng thời gian ngắn, lực lượng công an cùng các lực lượng khác huy động di dời 24 hộ trong vùng nguy cơ sạt lở, bố trí những người bị nạn có chỗ ở tạm, đồng thời tìm kiếm các thi thể. Với sự nỗ lực của các lực lượng, đến 11h30’ ngày 10/9/2024 đã tìm thấy toàn bộ 11 thi thể và tiến hành bàn giao cho gia đình để mai táng.
Người thanh niên trẻ tuổi may mắn được Thiếu tá Bàn Đức Lợi cứu đêm đó là anh Đặng Hữu Phi (sinh năm 2005). Anh Phi kể lại đêm kinh hoàng đó: Tôi là công nhân một công ty điện tử tại Bắc Giang về để chuẩn bị đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản. Đêm đó mưa rất to, nước tràn từ đỉnh đồi xuống nhà, tôi và bố mẹ đang chặn để nước không chảy vào nhà thì bỗng dưng đất, đá ụp xuống tràn lấp toàn bộ cả làng, mặt đất tối đen. Tôi bị đất lấp toàn thân, ban đầu còn thấp nhưng sau đất cứ cao dần đến khi ngập đến cổ. Trong hoảng loạn, tôi cố sức gọi mẹ và cuối cùng mẹ cũng lên tiếng, mẹ cũng bị lấp bên cạnh đó không thể di chuyển. Còn bố thì không thấy. Mẹ bảo có lẽ bố đã mất rồi, mẹ con mình chắc cũng không thể qua khỏi. Trong cơn tuyệt vọng tôi thấy bóng đèn pin và một người lao đến. Tia hy vọng được cứu sống trong tôi trỗi dậy, tôi bảo với anh ấy “còn mẹ em bên kia” nữa. Và cuối cùng cả hai mẹ con đều được cứu sống. Thật may mắn sau này cả bố cũng an toàn, gia đình tôi rất may mắn. Tôi cảm ơn các anh công an, đặc biệt là đồng chí Lợi đã sinh ra tôi lần thứ 2 trên đời này.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguoi-hung-mang-sac-phuc-cong-an-nhan-dan-3175354.html