Người kiến tạo những lối thoát nghèo cho đồng bào vùng biên

Từ khi còn công tác ở đồn Biên phòng cho đến cương vị hiện tại - Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình, Đại tá Trịnh Thanh Bình luôn trăn trở, cùng tập thể đơn vị đề ra nhiều giải pháp góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Những công trình, dự án do cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình triển khai, cùng đóng góp mang đậm dấu ấn cá nhân, Đại tá Bình luôn được đồng đội, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương tin yêu.

Đại tá Trịnh Thanh Bình (thứ 4, từ phải sang) cùng lãnh đạo địa phương dự lễ khánh thành công trình “Ánh sáng vùng biên” tặng nhân dân xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Châu Thành

Đại tá Trịnh Thanh Bình (thứ 4, từ phải sang) cùng lãnh đạo địa phương dự lễ khánh thành công trình “Ánh sáng vùng biên” tặng nhân dân xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Châu Thành

“Chỉ huy trưởng” của dự án đặc biệt

Trong chuyến công tác lên biên giới, đến Đồn Biên phòng Cà Xèng, sau lời thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Đại tá Trịnh Thanh Bình ngược ra phía cổng doanh trại, rồi tiếp tục đi bộ trên con đường đất chạy dọc theo chiều dài của cánh đồng Rục Làn, nơi đông đảo bà con đồng bào Rục đang nhổ cỏ, bón phân cho cây lúa nước. Cán bộ Biên phòng tiến sát bờ ruộng, rồi đứng lại, cất giọng nói to: “Chào bà con! Lúa đang đẻ nhánh trông đẹp quá, chắc năm nay sẽ được mùa đây!”. Như nhận ra người quen, từ dưới ruộng, một số nông dân đồng bào Rục ngẩng mặt lên đáp lại: “Anh Bình mới lên à? Tối nay nếu còn ở lại thì xuống bản thăm bà con nhé!”. Thậm chí, một số người còn tạm dừng công việc, men theo bờ đến trò chuyện với người lính từng là “chỉ huy trưởng” của dự án khai hoang 10ha ruộng lúa nước ở khu vực biên giới.

Trong những câu chuyện, nhiều người dân đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ rằng, từ năm 2011, BĐBP đã triển khai dự án khai hoang đất đai, hướng dẫn bà con trồng cây lúa nước. Khi bắt đầu triển khai dự án, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh cùng với máy móc cơ giới được điều động về Rục Làn để đào đất, bốc đá, xây dựng công trình thủy lợi...

Trên cương vị Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng, thời điểm đó, Trung tá Trịnh Thanh Bình được giao trực tiếp chỉ huy lực lượng thực hiện dự án đặc biệt ở biên giới. Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, anh và chỉ huy đơn vị trực tiếp ra đồng cùng với cán bộ, chiến sĩ đào đất, bốc đá. “Công việc nặng nhọc, vất vả, diễn ra suốt cả thời gian dài, mình không trực tiếp tham gia sao khích lệ được anh em. Chúng tôi làm, rồi tìm mọi cách vận động bà con đồng bào Rục tham gia. Nhờ sự đồng thuận cao, quân dân trên dưới một lòng mới biến được vùng đất hoang hóa, cát sỏi thành những thửa ruộng trồng lúa nước mang lại mùa màng bội thu” - Đại tá Bình nói về những ngày đầu tiên triển khai dự án.

Theo Thiếu tá Nguyễn Đình Sử, nguyên cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, người cũng có quá trình dài bám Rục Làn hướng dẫn đồng bào Rục trồng lúa nước chia sẻ rằng: “Câu chuyện BĐBP tuyên truyền, vận động đồng bào Rục trồng cây lúa nước cũng là kỷ niệm đáng nhớ. Bởi thời gian đó, phần lớn bà con vẫn giữ thói quen vào rừng săn bắn động vật, lấy củ quả để ăn, nhận thức đơn giản “đói không lo, no không vui”, chẳng mặn mà tới lao động sản xuất. Ban đầu, khi thấy bộ đội huy động máy móc để khai hoang, làm ruộng, người dân cũng chỉ đến đứng vây quanh để xem, khi chán lại bỏ về”.

Anh Sử cho biết thêm, điều đó khiến cán bộ, chiến sĩ rất buồn nhưng Trung tá Bình vẫn quả quyết sẽ tìm cách lôi kéo được người dân tham gia công việc. Những ngày sau đó, khi kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc, đêm đến, anh lại cùng đồng đội xuống tận bản làng tìm đến người có uy tín, tiến bộ để trò chuyện, thuyết phục, mong bà con “giúp” bộ đội khai hoang, trồng lúa nước. Không hiểu, Trung tá Bình đã nói gì nhưng chỉ ít ngày sau đó, đồng bào Rục đã mang theo cuốc, xẻng đến tham gia “vỡ” đất.

Thời gian tiếp theo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cùng đồng đội tiếp tục hướng dẫn bà con các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa nước. Để quá trình lao động sản xuất đạt hiệu quả, Trung tá Bình đã nghĩ ra cách lấy 6-7 hộ dân lập nên tổ sản xuất do một cán bộ Biên phòng làm tổ trưởng. Cán bộ Biên phòng có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc một diện tích ruộng lúa nước nhất định. Kết thúc vụ mùa, toàn bộ lúa thu hoạch được sẽ chia cho các gia đình trên cơ sở số ngày công tham gia. Sau 15 năm, cây lúa nước đã “cắm sâu” ở vùng đất biên giới, bà con đồng bào Rục đã tự giác lao động sản xuất, tự chủ được lương thực.

Dồn lực chăm lo cuộc sống nhân dân biên giới

Sau nhiều năm rèn luyện, năm 2019, Đại tá Trịnh Thanh Bình được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình, tiếp tục tạo nhiều dấu ấn trong công điều hành đơn vị. Trên cương vị người chỉ huy, anh luôn trăn trở tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, chiến sĩ tìm các biện pháp nâng cao đời sống cho nhân dân biên giới. “Chúng tôi luôn ý thức rằng, phải dựa vào sức dân mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, muốn làm được điều đó thì phải góp sức chăm lo đời sống nhân dân. Có như thế, nhân dân mới tin tưởng, hỗ trợ bộ đội bảo vệ biên giới” - Đại tá Trịnh Thanh Bình chia sẻ.

Từ những suy nghĩ đó, Đại tá Bình đã đưa ra những ý tưởng về xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng trên các trục đường chính của bản làng biên giới. Sau đó, BĐBP Quảng Bình đã đồng thuận cao huy động các nguồn lực để triển khai nhân rộng thành công trình “Ánh sáng vùng biên”. Sau hơn 5 năm triển khai, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình đã trích lương, phụ cấp và vận động nguồn xã hội hóa hoàn thành 107 công trình đèn chiếu sáng với tổng chiều dài 103km, tại 102 thôn, bản khó khăn. Có đèn chiếu sáng về đêm giúp cho việc đi lại, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân địa bàn thuận lợi hơn, an ninh trật tự ở khu vực biên giới được giữ vững.

Đại tá Trịnh Thanh Bình nói rằng: “Chúng tôi có ý tưởng, kế hoạch, còn vai trò của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị cơ sở mới quyết định sự thành công của công trình. Nhiều bản làng xa xôi, anh em phải đi bộ “cõng” vật liệu lên, ăn ở tại địa bàn cả thời gian dài mới thi công xong. Niềm hạnh phúc của người dân khi được hưởng thụ các công trình, dự án do BĐBP Quảng Bình triển khai là động lực để toàn đơn vị hành động”.

Dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình và sự sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Đại tá Trịnh Thanh Bình, BĐBP tỉnh còn tạo dấu ấn rõ nét trong các chương trình như: “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Hệ thống truyền thanh bản xa”, “Ngày thứ Bảy về bản”... Thông qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân biên giới, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình.

“Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình còn triển khai thực hiện rất hiệu quả nhiều chương trình, dự án giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Có thời gian dài công tác trên địa bàn, Đại tá Trịnh Thanh Bình rất hiểu những khó khăn mà chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Minh Hóa gặp phải. Bằng tinh thần trách nhiệm, trái tim người lính, đồng chí đã có những ý tưởng cùng tập thể chỉ huy đơn vị điều hành hỗ trợ địa phương rất hiệu quả, thiết thực” - ông Bùi Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa chia sẻ.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-kien-tao-nhung-loi-thoat-ngheo-cho-dong-bao-vung-bien-post476227.html