Người làm báo cần phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là một bệnh nghề nghiệp thường gặp ở những người lao động nghề nghiệp mang tính chuyên biệt cao và chỉ sử dụng một số cơ bắp nhỏ ở bàn tay liên tục.

Bệnh thường gặp ở người làm việc máy tính khi thường xuyên phải sử dụng bàn tay thường xuyên, duy trì tư thế gập cổ tay một thời gian dài.

Dấu hiệu nhận biết và yếu tố nguy cơ của bệnh

Hội chứng ống cổ tay (HCOCT) còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, hay hội chứng chèn ép thần kinh giữa, là một tập hợp các triệu chứng của một bệnh thần kinh ngoại biên. HCOCT là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay gây viêm, đau, tê bì tay và bàn tay, giảm hoặc mất cảm giác, thậm chí gây teo cơ, yếu cơ, giảm chức năng vận động của vùng bàn tay thuộc chi phối của dây thần kinh giữa.

Ống cổ tay là khoảng trống ở giữa xương cổ tay và các dây chằng bao quanh các gân gấp của bàn tay. Ở đây có thần kinh "giữa" chui qua. Thần kinh giữa ảnh hưởng đến các ngón tay cái, trỏ, giữa và nửa ngoài của ngón tay đeo nhẫn. Vì chui qua một ống hẹp giống như chui qua một đường hầm chật chội, nên thần kinh giữa dễ bị chèn ép nếu các gân cơ bị sưng tấy, điều này gây ra các triệu chứng về cảm giác và vận động của bàn tay.

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay gây viêm, đau, tê bì tay và bàn tay, giảm hoặc mất cảm giác...

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay gây viêm, đau, tê bì tay và bàn tay, giảm hoặc mất cảm giác...

HCOCT thường xảy ra từ từ và thường nặng hơn ở tay thuận, có lẽ vì nó được sử dụng nhiều hơn. Ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn thường xuyên bị tê hoặc ngứa. Hiện tượng này thường xảy ra vào ban đêm, khi ngủ và sẽ giảm bớt nếu người bệnh lắc tay.

Trong một vài trường hợp, cả bàn tay có thể bị tê cứng hoặc bị phù. Các triệu chứng có thể xảy ra khi đang cầm đồ đạc, lái xe hoặc đọc sách. Một số bệnh nhân cũng than phiền về việc khả năng cầm nắm bị yếu đi. Ở một số người, dây thần kinh giữa có thể bị chèn ép ngày một nhiều hơn, làm cho cơ ở ngón cái bị yếu đi hoặc tổn thương vĩnh viễn.

Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới gấp 3-4 lần do sử dụng đôi bàn tay nhiều hơn. Những người làm việc tư thế cổ tay gập, dùng nhiều động tác lắc cổ tay, hoặc làm các nghề đòi hỏi phải cử động tay liên tục, sử dụng máy có rung chuyển khi vận hành hoặc thường xuyên sử dụng máy tính dễ là đối tượng nguy cơ cao. Những người dễ mắc HCOCT là người thường xuyên sử dụng máy tính như nhân viên văn phòng, người làm báo... Một số lao động dùng các dụng cụ có độ rung như máy dầm đường, máy cưa... cũng dễ mắc HCOCT.

Nguyên nhân của HCOCT là do thần kinh giữa bị chèn ép trong ống hẹp vùng cổ tay, phần lớn là vô căn. Thần kinh giữa bị dây chằng ngang cổ tay chèn ép khi nó đi qua dưới sợi dây chằng này, làm đau và yếu bàn tay. Bên cạnh đó là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy HCOCT như phụ nữ thời kỳ mãn kinh, người đang dùng thuốc tránh thai đường uống, phụ nữ có thai bị tăng cân quá nhanh; bệnh lý gây chèn ép thần kinh giữa như (dị dạng xương do gãy cổ tay, viêm khớp dạng thấp có viêm bao gân; bệnh gout có hạt Tophie quanh các bao gân; bệnh chuyển hóa: Ðái tháo đường, to đầu chi, nhiễm bột, suy tuyến giáp; Bệnh gây tăng thể tích: Phù; suy tim sung huyết; béo phì; có các khối u: U nang bao hoạt dịch, u dây thần kinh, u mỡ...).

Ða số các bệnh nhân đều nhận biết được các biểu hiện của HCOCT khi làm một số việc thông thường trong đời sống hằng ngày. Một số triệu chứng thường gặp như: Tê bì, nóng rát hoặc đau các ngón tay; có cảm giác như bị tê giật, đau và tê lan về phía khuỷu và vai; thay đổi cảm giác nhiệt hoặc xúc giác ở bàn tay, bàn tay trở nên vụng về, sức cầm nắm giảm, bị run tay, viết khó, dễ làm rơi đồ vật... trong trường hợp nặng, có thể gặp teo cơ ô mô cái. Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tiến triển thành cơn đau cấp tính hoặc đau kéo dài, đôi khi nghiêm trọng đến mức người bệnh không thể làm được những việc đơn giản trong gia đình vì chức năng bàn tay đã bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu tình trạng chèn ép kéo dài sẽ làm tổn thương thần kinh không hồi phục. Ðiều này có nghĩa là dù có giải ép thì các cử động cầm nắm cũng không phục hồi trở lại được như ban đầu.

Bệnh còn biểu hiện bằng các dấu hiệu sau:

Rối loạn về cảm giác: Bệnh nhân thường có cảm giác tê bì tay chân, dị cảm, đau buốt do kim châm hoặc rát bỏng ở vùng da thuộc chi phối của dây thần kinh giữa (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út), các triệu chứng này biểu hiện từ cổ tay đến các ngón. Triệu chứng về cảm giác thường tăng về đêm, làm cho người bệnh thức giấc, gây mất ngủ. Các động tác gấp hoặc ngửa cổ tay quá hoặc tỳ đè lên vùng ống cổ tay như đi xe máy cùng làm cảm giác tê tăng lên, triệu chứng giảm khi ngừng vận động, nghỉ ngơi, vẩy tay.

Rối loạn về vận động: Triệu chứng này xuất hiện trong giai đoạn muộn của bệnh do dây thần kinh giữa bị rối loạn vận động. Một số biểu hiện thường là cầm nắm khó, các động tác khéo léo của bàn tay giảm, hay đánh rơi đồ vật.

Biến chứng của bệnh

HCOCT gây tê, ngứa ran và yếu các cơ ở bàn tay. Ðây là hệ quả khi dây thần kinh bị chèn ép. Nếu tình trạng này kéo dài, đôi khi sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, khiến tay bị mất chức năng vĩnh viễn.

Cơ chế của HCOCT là do sự chèn ép trên dây thần kinh giữa. Lúc này, các chức năng của dây thần kinh giữa bị hạn chế, biểu hiện ra các triệu chứng của bệnh. Nếu tiếp tục diễn ra trong thời gian dài và không được can thiệp đúng cách, chính các triệu chứng này sẽ bộc lộ nặng nề hơn, gây ra biến chứng và để lại di chứng về sau.

Biến chứng trên chức năng cảm giác: Dây thần kinh giữa có chức năng là cảm nhận cảm giác ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Chính vì thế, khi bị chèn ép, người bệnh có cảm giác các ngón tay này bị sưng phồng lên một cách mơ hồ. Sau đó, họ sẽ rõ ràng hơn về cảm giác tê bì tay, ngứa ran, nóng rát và đau đớn, đôi khi đi lên cẳng tay về phía vai.

Các cơn tê, ngứa và đau ban đầu chỉ xuất hiện khi người bệnh làm việc, gập duỗi cổ tay quá mức. Về sau sẽ kéo dài liên tục và trở thành biến chứng là các cơn đau cổ tay và bàn tay mạn tính. Các cơn đau này có khi kèm theo loạn trương lực giao cảm phản xạ, gián tiếp gây khó khăn trong cử động tay.

Biến chứng của các cơn đau, tê do thần kinh không chỉ khu trú tại chỗ cơ quan gây bệnh mà còn ảnh hưởng thần kinh trung ương, dẫn đến hội chứng đau mạn tính toàn thân. Ðiều này khiến người bệnh lo âu, căng thẳng kéo dài, trầm cảm, chán ăn, mất ngủ và gây suy giảm chất lượng cuộc sống.

Biến chứng trên chức năng vận động: Ngoài vai trò cảm nhận cảm giác như trên, dây thần kinh giữa cũng chịu trách nhiệm vận động cho các cơ xung quanh gốc ngón tay cái. Khi bị chèn ép, người bệnh cảm thấy các ngón tay yếu và vụng về hơn, có các cơn đau chói, bị chuột rút khi dùng tay để làm việc.

Về lâu dài, khả năng cử động không còn được đảm bảo, người bệnh thậm chí không thể thực hiện các động tác mà bình thường vẫn làm tốt như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách... Cuối cùng, các cơ bị yếu liệt hoàn toàn, trở nên lỏng lẻo và không còn sức cơ.

Biến chứng trên chức năng dinh dưỡng: Tương tự như các sợi thần kinh ngoại biên khác, dây thần kinh giữa cũng có chức năng nuôi dưỡng cho nhóm cơ được chi phối.

Khi bị chèn ép trong ống cổ tay, các chất cần thiết cung cấp cho cơ bị hạn chế, chức năng nuôi dưỡng không còn. Hệ quả là các cơ của ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn, đặc biệt là ngón cái, bị teo lại, các sợi cơ trở nên lỏng lẻo, mất sự dẻo dai, mất sức cơ.

Người bệnh sẽ có cảm giác tê bì tay, ngứa ran, nóng rát và đau đớn, đôi khi đi lên cẳng tay về phía vai.

Hội chứng ống cổ tay dễ gặp ở người thường xuyên làm việc trên máy tính. (Ảnh minh họa)

Hội chứng ống cổ tay dễ gặp ở người thường xuyên làm việc trên máy tính. (Ảnh minh họa)

Phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay

Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Các phương pháp chữa trị gồm:

Ðiều trị nội khoa: Ðược chỉ định trong giai đoạn đầu của hội chứng viêm đau ống cổ tay trên lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid, hoặc dùng corticoid đường uống; đồng thời hạn chế các vận động làm gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức nhằm giảm áp lực trong ống cổ tay.

Dùng nẹp cổ tay: Phương pháp này có thể thực hiện vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày. Những nghiên cứu cho thấy dùng nẹp cổ tay có thể làm cải thiện các triệu chứng sau 4 tuần điều trị.

Ðiều trị ngoại khoa: Ðược áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà tình trạng bệnh không thuyên giảm. Trước đây, phẫu thuật mổ mở kinh điển với đường mổ dọc gan tay hoặc mổ mở nhỏ ít xâm lấn là kỹ thuật thường được sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nay phương pháp mổ nội soi là phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi hơn.

Cách phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

Không có một cách thức nào được chứng minh là có hiệu quả để ngăn ngừa diễn tiến đến HCOCT ngoài việc tích cực giảm thiểu các căng thẳng, áp lực đặt lên cổ tay.

Ðể thực hiện điều này một cách hiệu quả, nên tham khảo các phương pháp sau:

Giảm sử dụng lực cổ tay, ngón tay: Nếu công việc của bạn liên quan đến bàn phím hay nhạc cụ, các vật dụng cầm tay nói chung, hãy nhẹ nhàng đến mức có thể. Nếu phải ngồi viết tay kéo dài, bạn nên sử dụng bút có ngòi lớn, mềm mại và mực chảy tự do.

Nghỉ giải lao thường xuyên: Nhẹ nhàng duỗi và uốn cong tay và cổ tay định kỳ trong 10-30 giây mỗi 15-30 phút làm việc. Ðiều này đặc biệt quan trọng nếu bạn sử dụng các thiết bị rung hoặc phải sử dụng một lực cổ tay lớn. Một gợi ý khác là bạn sắp xếp thực hiện một công việc có tính chất khác biệt xen kẽ với nhiệm vụ chính khi có thể.

Cải thiện tư thế: Tư thế ngồi không đúng cách, hai vai hướng về phía trước quá mức, rút ngắn cơ cổ sẽ gây đè nén trên các rễ dây thần kinh ở cổ. Ðiều này có thể gián tiếp ảnh hưởng đến cổ tay, ngón tay và bàn tay.

Thay đổi "con chuột" máy tính: Hãy chắc chắn rằng chuột máy tính hoàn toàn khiến bạn thoải mái mà không làm căng đau cổ tay của bạn. Ðồng thời, giữ bàn phím ở độ cao ngang với khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút.

Giữ ấm bàn tay: Bạn có nhiều khả năng bị đau tay và cứng khớp nếu phải làm việc liên tục trong môi trường lạnh. Nếu bạn không thể kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, hãy đeo găng tay không có ngón để có thể giữ ấm cho bàn tay và cổ tay nhưng vẫn không làm cản trở công việc.

Dinh dưỡng hợp lý cho những người mắc hội chứng ống cổ tay

Tuy chưa có bằng chứng khoa học chứng minh thực phẩm có thể giúp phòng ngừa và điều trị HCOCT. Tuy nhiên, chế độ ăn hợp lý có thể mang lại nhiều lợi ích giúp phòng một số bệnh xương khớp mạn tính hoặc làm giảm triệu chứng bệnh.

Ðứng đầu danh sách những thực phẩm cần tránh khi mắc các bệnh lý cơ xương khớp là rượu bia và các đồ uống có cồn. Sử dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến tim mạch, tiêu hóa, gan... mà còn tác động xấu đến hệ cơ xương khớp. Nồng độ canxi có trong cơ thể sẽ bị giảm sút do bia rượu, làm ức chế quá trình hình thành các tế bào xương mới, đồng thời gây tăng cảm giác đau tại khớp bị viêm.

Duy trì cân nặng hợp lý (chỉ số BMI từ 18,5-23) bằng cách ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết và có chế độ ăn hợp lý như: Ăn nhiều loại rau củ quả; Ăn đủ thức ăn giàu đạm; Uống sữa: Nên uống 2- 3 ly/ngày.

Nếu đang gặp phải tình trạng thừa cân hoặc cholesterol máu cao thì nên thay bằng sữa tách béo. Tránh ăn quá mặn, quá ngọt. Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh.

BS. Hữu Hạnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-lam-bao-can-phong-ngua-hoi-chung-ong-co-tay-169240621154918598.htm