Người nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Chúng tôi về thôn 49a, xã Đắc Pring - một xã biên giới thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, giáp với nước bạn Lào. Trong chuyến đi này, tôi có dịp đến thăm gia đình chị Kring Thị Viết (58 tuổi), dân tộc Ve, người có niềm say mê vô tận với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Trước hiên nhà rộng rãi, thoáng mát, chị Kring Thị Viết ngồi dệt thổ cẩm. Thấy khách tới thăm, chị ân cần đón tiếp và trò chuyện. Những người già ở thôn 49a kể lại rằng: Xưa, khi ấy, đồng bào Ve (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng) còn sống ở vùng rừng núi cao. Khi con chim bút boong kêu những tiếng đầu tiên, nghe tựa “bắt cô trói cột” thì công việc phát rẫy bắt đầu và khi nó kêu “chỏo puộc” thì mọi gia đình trong thôn cũng đồng loạt lên rẫy tỉa lúa nếp, lúa tẻ, bắp. Tại những đám rẫy ấy, bà con người Ve còn trồng thêm sắn (mì) để ăn và làm rượu cần, trồng thêm rau lang để chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đồng bào dân tộc Ve còn trồng cây bông bản địa để làm sợi dệt vải khâu lại để mặc. Thổ cẩm của người Ve ngày trước đơn giản, chỉ có một gam màu, sợi dệt cũng không có sẵn như bây giờ. Để có sợi, phụ nữ Ve trong làng phải vượt núi cao, lên rừng tìm lấy vỏ cây trôm đem về kéo sợi. Và phải mất cả tháng trời thì mới hoàn thành một tấm váy khâu lại để phụ nữ mặc, còn tấm khố dành cho đàn ông và cả tấm đắp cho ấm mỗi khi gặp trời lạnh và cơn mưa rừng dai dẳng.... Về sau, khi nghề dệt phát triển, họ trồng bông kéo sợi và thổ cẩm của người Ve lúc đó là một màu trắng của vải mộc.
Để có các màu sắc khác nhau, phụ nữ Ve còn phải tìm các loại rễ cây như rễ cầm, rễ trum, rễ chà tâng... rồi giã nhỏ, ngâm trong nước nhiều ngày liền cho nó ra màu, sau đó đến công đoạn đun nấu nước cho keo lại để nhuộm màu cho sợi. Gam màu trên thổ cẩm người Ve từ đó có thêm màu vàng, đỏ, xanh da trời, tím và chàm đen. Theo truyền thống, đàn ông dân tộc Ve mặc khố, phía sau buông đến ống chân; phụ nữ thì quấn váy và ở trần, thiếu nữ quấn váy, một số khác thì mặc áo cộc tay.
Chị Viết kể: Trong trí nhớ của tôi, hồi mới 13 tuổi, tôi đã được mẹ và những người già trong làng căn dặn rằng, đã là con gái dân tộc Ve phải dệt được thổ cẩm, biết làm các vật dụng trong gia đình thì mới lấy được chồng. Mẹ tôi ngày trước là phụ nữ nổi tiếng với tài dệt thổ cẩm ở làng. Không chỉ dệt thổ cẩm đẹp, mẹ tôi còn chịu khó vào rừng hái nấm đỏ giã ra để nhuộm sợi vải đỏ lên hoa văn thổ cẩm cho đẹp hơn. Ghi nhớ lời căn dặn đó, tôi luôn say mê học hỏi nghề dệt và tay nghề dần dần nâng lên. Đến năm 18 tuổi, tôi cũng đã được học cách phối màu sắc và tạo hoa văn cho thổ cẩm từ mẹ mình một cách tỉ mỉ và khéo léo mà không phải ai cũng làm được.
Những lúc không lên rẫy, thấy những người già và chị em phụ nữ trong làng tập trung lên Ơớng (tức nhà làng) để dệt thổ cẩm, tôi lại say mê học hỏi. Lấy chồng, đến nay phải đến hơn 40 năm rồi, tôi vẫn thường dệt thổ cẩm để may cho chồng, cho con cháu những bộ trang phục truyền thống thật đẹp. Đến bây giờ, những phụ nữ Ve lớn tuổi trong thôn hiểu biết về nghề dệt cũng hiếm dần đi, nên bản thân tôi tự cảm thấy mình phải cố gắng lưu giữ được càng nhiều kiến thức càng tốt thì mới bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau được.
Cũng bởi theo chị Viết, hiện nay, lớp trẻ Ve trong thôn 49a không mấy ai biết dệt thổ cẩm. Việc học dệt bây giờ cũng khó khăn hơn ngày xưa vì lớp trẻ không có đam mê, nhiệt huyết. Thiếu nữ Ve muốn dệt thổ cẩm giỏi, phải có niềm đam mê và trải qua thời gian học, luyện tập rất lâu. Người dệt cần phải có trí nhớ thật tốt, tỉ mỉ và khéo tay. Từ học dệt tấm thổ cẩm trơn, sau đó, học dệt những đường hoa văn cơ bản. Sau khi dệt thành thạo các bước trên mới đến bước học dệt những hoa văn phức tạp hơn, cuối cùng là dệt những hoa văn theo sự sáng tạo của mình.
Ngồi bên cạnh chị Viết hôm đó có em Zơ Râm Thị Thon, 23 tuổi, dân tộc Ve, là người cùng thôn được chị Viết truyền nghề dệt, em vui vẻ nói với chúng tôi: “Dù hiện nay, không mấy người mặn mà với nghề dệt thổ cẩm người Ve, nhưng chị Kring Thị Viết vẫn luôn muốn lưu truyền cho con cháu về những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của dân tộc mình. Chị Viết đã truyền nghề và khơi dậy cho em niềm yêu thích các hoa văn thổ cẩm, nét đẹp truyền thống của dân tộc cho lớp trẻ như em. Cùng với đó, em được khuyến khích phát huy tài năng bằng cách tham gia tổ dệt thổ cẩm truyền thống, các hoạt động do địa phương tổ chức như hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số. Với nghề dệt trong tay, em sẽ cố gắng làm nhiều hơn nữa để có những sản phẩm đẹp phục vụ cho mình và người thân trong gia đình”.
So với nhiều phụ nữ Ve khác trong thôn 49a, thì chị Viết chưa phải là người có thâm niên lâu nhất trong nghề dệt thổ cẩm, nhưng sản phẩm của chị làm ra luôn mang nét riêng, tinh xảo, đẹp mắt. Từ đam mê, chị Viết còn tìm cách sưu tầm, học hỏi những họa tiết đẹp, những cách phối chỉ màu độc đáo của những nghệ nhân làng khác. Con gái chị Viết là Kring Thị Mười cũng đang tiếp bước mẹ học nghề dệt thổ cẩm.
Ngồi bên hiên nhà cạnh mẹ và chăm chú xem mẹ dệt vải, em Kring Thị Mười chia sẻ: “Em rất thích mặc những bộ đồ thổ cẩm của dân tộc mình vào những dịp đi chơi xa hay có lễ hội. Mẹ em luôn dạy rằng, cho dù em không thể dệt giỏi như bà ngoại và những phụ nữ Ve lúc xưa, thì ít nhất cũng phải nắm được kĩ thuật cơ bản. Đặc biệt, phải am hiểu, biết thưởng thức từng họa tiết hoa văn trên tấm vải, như thế cũng là góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình rồi”.
Anh Ka Ring Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pring cho biết: “Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã nỗ lực, kiên định với mục tiêu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển kinh tế. Chị Kring Thị Viết đã luôn giữ lửa nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa nâng cao đời sống của người dân địa phương. Để nghề thổ cẩm người Ve luôn đứng vững trong thời kỳ hội nhập, thiết nghĩ, rất cần được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, hỗ trợ để duy trì và mở rộng sản xuất, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các làng nghề dệt khác trong và ngoài huyện Nam Giang”.
Chia tay chị Kring Thị Viết cùng hai em Zơ Râm Thị Thon và Kring Thị Mười, chúng tôi hi vọng, những phụ nữ dân tộc Ve nơi đây, trong đó có chị Viết luôn giữ gìn tình yêu, niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, góp phần vào gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Ve trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên.