Người phụ nữ 'đi bằng tay' mưu sinh bằng nghề truyền thống, có thương hiệu ở Lĩnh Thành

Đôi chân tật nguyền bẩm sinh khiến việc đi lại khó khăn, thế nhưng hơn 20 năm bà Trần Thị Hoa (SN 1962), trú tại thôn Lĩnh Thành, xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh làm bạn cùng chiếc xe lăn để giữ nghề truyền thống làm bánh đa, mưu sinh nuôi bản thân mình.

Bà Hoa hơn 20 năm mưu sinh bằng nghề bánh đa.

Đến nhà bà Hoa cũng đúng lúc bà đang làm bánh, người phụ nữ nhỏ thó, chân queo quắp nhưng mọi thao tác đều rất nhanh nhẹn. Tất cả công đoạn làm ra chiếc bánh đa của bà như được lập trình sẵn.

Bà Hoa phải dậy từ 2h sáng để xay bột làm bánh.

Bà Hoa phải dậy từ 2h sáng để xay bột làm bánh.

Vừa làm việc, vừa trò chuyện, bà Hoa cho biết, làm bánh đa có nhiều công đoạn từ xay bột, đun nước dáo bột rồi tráng bánh, phơi khô và công đoạn cuối cùng là quạt bánh trên bếp than củi. Mỗi công đoạn đều có cái khó và vất vả riêng. Tuy nhiên vì đã quen nghề nên những công việc đó với bà không còn quá khó khăn.

Mọi thao tác để làm ra chiếc bánh của bà Hoa đều rất nhanh nhẹn.

Mọi thao tác để làm ra chiếc bánh của bà Hoa đều rất nhanh nhẹn.

"Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, có 6 chị em, tôi là con cả. Đôi chân bị bại liệt bẩm sinh. Mọi sinh hoạt lúc nhỏ đều do người thân lo liệu", bà kể.

Thương hoàn cảnh chị, các em góp tiền mua cho bà chiếc xe lăn, nó vừa giúp bà có thể tự vận động đi lại, một phần giúp bà có thêm động lực để sống. Cũng kể từ đó, đôi chân khuyết tật không còn là nỗi mặc cảm mà trái lại nó như nguồn động lực thôi thúc bà càng phải cố gắng vượt qua chính bản thân mình.

Làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn.

Làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn.

Nói về cơ duyên đến với nghề làm bánh đa, bà Hoa cho biết, trước đây bố của bà cũng làm nghề này, nhưng thời điểm đó sản xuất chỉ nhỏ lẻ, chỉ phục vụ cho người dân trong thôn. Trước kia, mỗi lần bố làm bánh đa là bà lại ra ngồi nhìn, học hỏi.

Năm 1998, sau một thời gian suy đi tính lại không muốn tiếp tục trở thành gánh nặng cho người thân, bà quyết định chọn cho mình nghề sản xuất bánh đa.

“Lúc đầu người thân tôi ngăn cản nhiều lắm, mọi người nghĩ với đôi chân như tôi thì không thể nào ngồi làm bánh được, nhưng rồi mọi người đều phải chiều theo ý tôi. Cơ thể tôi không được lành lặn như bao người bình thường nên lúc bắt đầu làm bánh đa tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì để làm ra một chiếc bánh đa nó trải qua nhiều công đoạn nhỏ", bà Hoa tâm sự.

Việc trộn các nguyên liệu để làm bánh phải đều, vừa đủ.

Việc trộn các nguyên liệu để làm bánh phải đều, vừa đủ.

Để tạo ra một chiếc bánh tròn, đẹp tay phải đều.

Để tạo ra một chiếc bánh tròn, đẹp tay phải đều.

Theo lời kể của bà, những ngày đầu mới làm chỉ được khoảng 40-50 chiếc/ngày, nhưng hiện nay làm mỗi ngày hơn 300 chiếc phục vụ cho hàng chục cửa hàng ở trong và ngoài huyện. Thu nhập trừ chi phí cũng được khoảng 300-350 ngàn/ngày.

Để làm được mỗi mẻ bánh, hàng ngày bà phải dậy từ sáng sớm để xay bột, đun nước dáo bột rồi tráng bánh, phơi khô và công đoạn cuối cùng là quạt bánh trên bếp than củi. Bánh quạt xong, chừng 2 - 3h chiều, bà giao cho các nhà hàng, quán bán lẻ.

Bánh sau khi làm xong được đưa ra phơi nắng.

Bánh sau khi làm xong được đưa ra phơi nắng.

Làm bánh đa vất vả bởi nhiều công đoạn, thế nên, với một người không được lành lặn như bà Hoa lại càng khó khăn thêm bội phần. Sự nhọc nhằn ấy hằn lên khuôn mặt bà mỗi khi gắng gượng dùng tay thay chân, di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác.

Làm nghề sản xuất bánh đa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trời nắng mới làm được bánh. Nếu đang phơi bánh gặp mưa thì hỏng hết. Có nhiều hôm đang phơi bánh thì trời mưa, bánh không khô, bà đành phải đổ bột cho lợn ăn. "Nghề này mệt lắm, thời tiết không ủng hộ có khi mất cả vốn lẫn lời", bà Hoa cho hay.

Nhiều người thấy thương hoàn cảnh bà nên sang phụ giúp.

Nhiều người thấy thương hoàn cảnh bà nên sang phụ giúp.

Sau mỗi mẻ bánh đa cho ra lò, bà Hoa lại rong ruổi trên chiếc xe lăn nhập cho các nhà hàng ở trong huyện Nghi Xuân, TP Vinh… Hình ảnh một người phụ nữ tật nguyền ngày ngày cùng chiếc xe lăn chở từng bì bánh đa đi trên đường khiến nhiều người khâm phục.

Bà Trần Thị Thanh (hàng xóm bà Hoa) cho biết: “Bà Hoa làm nghề sản xuất bánh đa được hơn 20 năm nay. Nghĩ thấy cũng thương bà ấy, đôi chân tật nguyền mượn chiếc xe lăn làm đôi chân để kiếm sống. Nghị lực của bà khiến chúng tôi vô cùng khâm phục”.

Sau những mẻ bánh đa ra lò bà Hoa lại rong ruổi trên chiếc xe lăn đi giao hàng.

Sau những mẻ bánh đa ra lò bà Hoa lại rong ruổi trên chiếc xe lăn đi giao hàng.

Giờ sức khỏe của bà Hoa ngày càng yếu, mỗi khi trái gió trở trời là khắp người đau nhức, nhất là buốt ở đôi chân bị tật, bà phải nằm một chỗ. Không biết sức khỏe của bà Hoa còn trụ được bao lâu với công việc mưu sinh của mình.

Hiện tại bánh đa của bà Hoa sản xuất đã có thương hiệu trên địa bàn. Giờ đây, điều bà mong muốn hơn cả là có sức khỏe để tiếp tục cho ra lò những mẻ bánh thơm ngon, phục vụ cho khách hàng.

Rời nhà bà Hoa, hình ảnh bàn tay người phụ nữ gầy yếu vẫn cố quay đều để tạo ra những chiếc bánh đa tròn nhất, đẹp nhất vẫn cứ hiện trong tâm trí chúng tôi. Nghị lực vượt qua nghịch cảnh của bà Hoa khiến bao người xung quanh cảm phục.

Nguyễn Sơn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-phu-nu-di-bang-tay-muu-sinh-bang-nghe-truyen-thong-co-thuong-hieu-o-linh-thanh-172211215130930232.htm