Người phụ nữ mắc bệnh trầm cảm, muốn tự sát sau khi chồng qua đời được 6 tháng

Sau khi chồng qua đời, cú sốc tâm lý này khiến bệnh nhân mệt mỏi, buồn chán, bi quan, hay suy nghĩ tiêu cực và có ý định tự sát do mắc bệnh trầm cảm.

Người phụ nữ muốn tự sát vì mắc bệnh trầm cảm

Vừa qua, ThS.BS Nguyễn Văn Hải, Phòng M8 - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chia sẻ một trường hợp bệnh nhân nữ 66 tuổi vào viện trong tình trạng buồn chán, muốn chết do mắc bệnh trầm cảm.

Bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: NLĐ

Bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: NLĐ

Người nhà bệnh nhân cho biết 3 năm trước, chồng bệnh nhân bị đột quỵ não, di chứng liệt nửa người. Bệnh nhân là người chăm sóc chồng trong suốt quá trình điều trị.

6 tháng trước, chồng bệnh nhân qua đời. Cú sốc tâm lý này khiến bệnh nhân mệt mỏi, buồn chán, bi quan, hay suy nghĩ tiêu cực, khó tập trung trong các công việc hằng ngày. Bệnh nhân dần sống thu mình, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Ngoài ra, bệnh nhân than phiền đau đầu lan khắp 2 bên, tăng lên khi bệnh nhân nghĩ ngợi nhiều hoặc khi đêm hôm trước không ngủ được. Do thường xuyên có cảm giác đầy bụng khó tiêu, ăn không ngọn, bệnh nhân giảm 5kg/2 tháng. Trước đó, bệnh nhân đã được người nhà đi khám và điều trị tại bệnh viện gần nhà, uống thuốc điều trị nhưng không đỡ.

Khoảng 1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân thường xuyên khóc lóc, than phiền nhiều với các con, cho rằng mình có tội với các con, đáng bị trừng phạt và là gánh nặng của cả gia đình. Con bệnh nhân khuyên bảo, giải thích nhưng bệnh nhân không tin.

Bệnh nhân có ý định muốn tự sát để giải thoát. Khi đó, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần có ý tưởng tự sát.

Sau gần 20 ngày điều trị nội trú, bệnh nhân khí sắc khá hơn, vận động nhanh nhẹn, đỡ than phiền mệt mỏi, ngủ được... Bệnh nhân ổn định, được cho ra viện, tiếp tục theo dõi điều trị ngoại trú.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh trầm cảm

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Phương Loan, Phòng M8 - Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi (tỷ lệ mắc cao ở người cao tuổi).

Theo các nghiên cứu dịch tễ trên thế giới, tỷ lệ trầm cảm ở người cao tuổi chiếm khoảng 1-4% ở cộng đồng. Tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới.

Trầm cảm ở người cao tuổi có thể là trầm cảm tái diễn của bệnh lý cảm xúc khởi phát từ trước (trầm cảm khởi phát sớm). Tuy nhiên, trầm cảm ở người cao tuổi cũng có thể khởi phát sau tuổi 65 (trầm cảm khởi phát muộn). Trong số người bệnh cao tuổi gặp trầm cảm, gần một nửa là trầm cảm khởi phát muộn.

Bác sĩ Phương Loan cho biết yếu tố nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi là: Yếu tố sinh học (giới tính, tiền sử, bệnh lý thực thể kèm theo, đau đầu mãn tính, mất ngủ); Yếu tố tâm lý – xã hội (độc thân, ly hôn, mất mát người thân, sống cô lập…).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh trầm cảm khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên hệ với bác sĩ nếu gặp phải các tình trạng sau:

- Xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm như cảm giác buồn bã kéo dài, mất hứng thú trong hầu hết các hoạt động hoặc suy nghĩ về cái chết.

- Có các triệu chứng tâm lý gây trở ngại đáng kể cho cuộc sống hàng ngày, công việc và các mối quan hệ xã hội.

- Khi điều trị trầm cảm nhưng không cải thiện, hoặc khi gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng từ thuốc.

Biến chứng của bệnh trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời

Trầm cảm nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng:

- Thừa cân hoặc béo phì.

- Thường xuyên đau ốm, thiếu năng lượng, mệt mỏi, mất ngủ làm tăng khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc làm nặng hơn các bệnh lý đang có.

- Lạm dụng rượu hoặc ma túy.

- Lo lắng, hoảng sợ hoặc rối loạn ám ảnh xã hội.

- Tự mình cách ly khỏi xã hội.

- Có ý định tự tử và tìm mọi cách để tự tử.

Làm gì để phòng ngừa bệnh trầm cảm?

Kiểm soát căng thẳng

Bạn cần cải thiện kĩ năng giải quyết vấn đề, quản lý thời gian và kiểm soát cảm xúc để có thể đối mặt với nghịch cảnh.

Thực hiện các bài tập thư giãn như yoga hoặc tập thể thao vừa phải, thiền đồng thời nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự lạc quan.

Chia sẻ với bạn bè và gia đình

Khi chia sẻ với bạn bè và gia đình về vấn đề đang gặp phải, bạn sẽ nhận được sự đồng cảm, cùng sẻ chia từ họ. Đồng thời, chính họ cũng sẽ là những người giúp bạn có hướng đi và cách giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Vì vậy, việc chia sẻ rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng.

Nên gặp bác sĩ khi phát hiện các triệu chứng

Hãy quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình và những người xung quanh để phát hiện sớm các triệu chứng trầm cảm. Từ đó có phác đồ điều trị kịp thời không để trầm cảm diễn tiến quá nặng.

Lưu ý, cần tuần thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng bệnh tái phát.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-mac-benh-tram-cam-muon-tu-sat-sau-khi-chong-qua-doi-duoc-6-thang-172240620094901067.htm