Người phụ nữ ở Hà Nội mắc ung thư vú cả 2 bên cùng lúc, thừa nhận bỏ qua dấu hiệu này

Theo các bác sĩ, ung thư vú cùng lúc ở cả hai bên là một dạng bệnh lý vô cùng hiếm, chỉ chiếm khoảng 0,2% trong tổng số các ca ung thư vú.

Ngày 7/2, thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật hiếm gặp khi bệnh nhân mắc ung thư vú cả 2 bên cùng lúc. Đây là ca phẫu thuật mang tính bước ngoặt trong điều trị ung thư phụ khoa.

Theo đó, bệnh nhân là bà P.T.Y (68 tuổi, Long Biên, Hà Nội). Khai thác tiền sử được biết, ban đầu bà Y phát hiện một vết máu hồng nhỏ trên áo lót nhưng không cảm thấy đau hay khó chịu nên chủ quan bỏ qua.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Một tháng sau, dấu hiệu này tái diễn, kèm theo dịch bất thường trên đầu ngực. Khi đến bệnh viện kiểm tra, kết quả chẩn đoán cho thấy bà mắc ung thư vú hai bên cùng một lúc - một thể bệnh rất hiếm gặp trong thực tế lâm sàng.

Sau khi được bác sĩ tư vấn, bệnh nhân quyết định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú hai bên và nạo vét hạch nách để loại trừ nguy cơ tái phát.

Tuy nhiên, với độ tuổi cao và bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp, quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ đã phải tính toán kỹ lưỡng từ gây mê, cắt bỏ khối u đến hồi sức hậu phẫu.

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đối mặt nguy cơ mất máu nhiều. May mắn, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị nội tiết để giảm nguy cơ tái phát.

Theo các bác sĩ, nếu kết quả mẫu bệnh phẩm từ khối u hai bên sau sinh thiết đánh giá mức độ xâm lấn khối u chưa di căn, bệnh nhân có thể không cần hóa trị hay xạ trị.

TS.BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Khoa Phụ ung thư - Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cho biết: Ung thư vú 2 bên là một thể bệnh hiếm nhưng hoàn toàn có thể phát hiện sớm qua tầm soát. Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám định kỳ 2 năm/lần, còn những người có yếu tố nguy cơ cao (gia đình có tiền sử ung thư vú, đột biến gen) cần được tầm soát hàng năm.

"Chi phí tầm soát thấp nhưng mang lại giá trị vô cùng lớn, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tăng khả năng điều trị thành công và giảm chi phí điều trị", BS Thắng nhấn mạnh.

Từ trường hợp này, các chuyên gia khuyến cáo, chị em nên chủ động khám và tầm soát định kỳ để phát hiện sớm, giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời tăng tỷ lệ khỏi bệnh.

Đối với những bệnh nhân đang "chiến đấu" với căn bệnh này, việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, một số triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú như:

- Đau: Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.

- Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

- Chảy dịch - máu ở đầu vú: Đầu vú tự nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.

- Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định có thể đau hoặc không đau.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-o-ha-noi-mac-ung-thu-vu-ca-2-ben-cung-luc-thua-nhan-bo-qua-dau-hieu-nay-172250207133032007.htm