Người tâm huyết với vùng đất Hải Lăng

Người tôi muốn nói đến trong bài viết này là anh Hồ Đại Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng.

Anh Hồ Đại Nam (bên phải) trò chuyện với người trồng cam ở vùng K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.T

Anh Hồ Đại Nam (bên phải) trò chuyện với người trồng cam ở vùng K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.T

Đã có một số tác phẩm báo chí viết về anh Hồ Đại Nam - người tâm huyết, say mê với công việc, đã nghĩ là làm, đã làm là làm đến nơi đến chốn với trách nhiệm và kết quả cao nhất. Trên các cương vị đã đảm nhiệm từ ngày lập lại tỉnh, như: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị, Giám đốc Sở Công thương, anh Hồ Đại Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Anh ít nói về mình nhưng lại say sưa nói về công việc, nhất là những ý tưởng của mình và cả những điều đã nghĩ ra nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hải Lăng, tôi ghi lại những cảm nhận của mình về anh Hồ Đại Nam thời còn đảm nhiệm cương vị Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng với nhiều việc làm tạo dấu ấn nổi bật tại địa phương.

Hải Lăng về cơ bản là huyện nông nghiệp. Tuy nhiên phát triển nông nghiệp theo hướng nào để mang lại hiệu quả vẫn là câu hỏi khó. Trong thời gian đảm nhận trọng trách Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, anh Hồ Đại Nam đã cùng tập thể lãnh đạo huyện tạo ra nhiều nét mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Dấu ấn đầu tiên là đã chỉ đạo phát triển vùng gò đồi K4 phía Tây huyện Hải Lăng thành vùng chuyên canh cây ăn quả có múi.

Tôi được biết, để có được vùng trồng cam cho nhiều quả ngọt, ngon và sạch như ở Hải Phú, lãnh đạo huyện và nhiều nông dân lúc bấy giờ đã phải trăn trở, tìm tòi rất nhiều, từ khâu chọn giống, chế độ chăm sóc, bón phân, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh... để cây cam phát triển tốt, cho năng suất cao, phù hợp với đất đai, khí hậu khắc nghiệt ở Quảng Trị.

Là người đứng đầu huyện, anh Hồ Đại Nam đã cùng với tập thể lãnh đạo xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ người dân bằng cách huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đường giao thông, điện thắp sáng lên tận vùng chuyên canh trồng cam, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Biết bao mồ hôi, công sức đổ xuống mới biến vùng đất hoang hóa này cho những mùa quả ngọt như hôm nay.

Năm 2013, anh Hồ Đại Nam trên cương vị Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng đã tổ chức đoàn công tác của huyện đến tận trang trại ông Nguyễn Trọng Tấn, một Việt kiều nổi tiếng làm ăn giỏi ở tỉnh Udonthani, Thái Lan để xem mô hình trồng cây ăn quả. Trang trại tổng hợp của ông Tấn có quy mô trên 100 ha, bao gồm nuôi bò Brahman gắn với trồng cỏ nuôi bò. Cùng với nuôi bò, nuôi cá, trồng cỏ, trồng cây cao su, ông Tấn còn trồng cây lúa thảo dược cho ra hạt gạo đen.

Sau chuyến công tác trở về, anh Hồ Đại Nam bàn với lãnh đạo huyện Hải Lăng hợp tác với các đối tác Thái Lan chuyển giao giống, kỹ thuật để thử nghiệm các giống cây, con tại địa bàn huyện, mở ra cơ hội thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác có hiệu quả tiềm năng sản xuất nông nghiệp của huyện.

Nghĩ là làm, đã làm là làm đến nơi đến chốn, Hải Lăng trở thành huyện đầu tiên của tỉnh xác định được các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển. Kết quả thử nghiệm thành công việc thụ tinh bò Brahman trên nền cái lai sind cho con lai tăng trọng nhanh, thích nghi với điều kiện tự nhiên của Quảng Trị mở ra hướng đi mới cho chăn nuôi nông hộ, góp phần đưa đàn bò lai của huyện Hải Lăng đạt tỉ lệ trên 75% như hiện nay.

Nhiều giống lúa mới đã được đưa vào trồng, trong đó có giống lúa thảo dược (nguồn gốc từ Thái Lan) hiện duy trì trên 10 ha tại Hợp tác xã Kim Long, xã Hải Quế. Tôi được biết đã có một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng dài hạn bao tiêu loại gạo quý này. Cùng với đó, anh Hồ Đại Nam đã chỉ đạo Hội Khoa học kỹ thuật huyện xây dựng thành công 5 đề tài khoa học, phần lớn các đề tài đã được ứng dụng và phát huy trong thực tiễn.

Nổi bật là đề tài xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác chợ với các giải pháp sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội hóa đã giúp cho Hải Lăng đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả hàng loạt công trình mang ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng như các chợ: thị trấn Diên Sanh, Phương Lang, Hải An, Mỹ Chánh, Hải Dương, Bến Đá...

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công anh Hồ Đại Nam tham gia Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh, trực tiếp chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng 2 dự án động lực tại địa bàn huyện Hải Lăng là Cảng biển Mỹ Thủy và Khu Công nghiệp Quảng Trị.

Là người thông thạo địa hình, có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết, anh Hồ Đại Nam đã bám sát hiện trường cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, vận động Nhân dân chấp hành các quy định của Nhà nước về tái định cư, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đặc biệt các sáng kiến của anh đề xuất UBND tỉnh trong áp dụng giá đất khu tái định cư, cho phép được tách thửa đất ở...đã giúp công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ.

Kết quả dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị được khởi công ngày 25/12/2023; Dự án Cảng biển Mỹ Thủy đã được đảm bảo mặt bằng triển khai thi công ngày 25/3/2024 và hiện nay đang thực hiện đúng tiến độ.

Tôi có may mắn tháp tùng anh Hồ Đại Nam một số chuyến công tác. Gần đây nhất là chuyến khảo sát nuôi bò BBB ở tỉnh Hà Nam và vùng ven đô Hà Nội, tìm hiểu xem người dân nuôi bò như thế nào để về tham mưu cho tỉnh. Kết quả chuyến đi này đã hình thành một số trại nuôi bò BBB ở Hướng Hóa và một số địa phương, trong đó có trại nuôi bò BBB của Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Quảng Trị ở xã Hải Định (Hải Lăng) đang phát triển tốt.

Cũng trong chuyến đi này, anh đã dành thời gian để nghiên cứu quy hoạch, vận hành Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) để có cơ sở tham gia ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng biển Mỹ Thủy (Hải Lăng).

Trên đường về, mặc dù thời gian chuyến đi không còn nhiều nhưng anh vẫn quyết tâm ghé Thái Bình đến Công ty chế biến nông sản để giới thiệu, tiếp thị lúa Khang Dân, tạo đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho huyện Hải Lăng.

Mặc dù rất bận nhưng các buổi hội thảo đầu bờ, khảo sát, tổng kết mô hình sản xuất có hiệu quả trong nông nghiệp, anh đều bố trí thời gian để tham dự và tìm hiểu rất tường tận, dù đó là ngày thứ Bảy hay Chủ nhật. Nếu quá bận không bố trí được, anh cử cán bộ đi dự để nắm tình hình rồi về báo cáo lại và không quên dặn: “Nhớ lấy cho mình một bộ tài liệu”.

50 năm từ ngày quê hương giải phóng, mặc dù trong điều kiện của một huyện sản xuất nông nghiệp, thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt thường xuyên xảy ra, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống Nhân dân còn khó khăn... nhưng Đảng bộ và Nhân dân Hải Lăng đã phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, đoàn kết, sáng tạo, ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Thành tựu này thuộc về Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hải Lăng và vai trò của các thế hệ lãnh đạo huyện, trong đó có anh Hồ Đại Nam - người góp phần “gieo hạt” hôm nay để có những “mùa vàng” mai sau.

Nguyễn Trí Ánh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nguoi-tam-huyet-voi-vung-dat-hai-lang-191686.htm