Người 'thắp sáng' bản Dao
Từ một thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Xuân Tầm, huyện Văn Yên, thôn Khe Đóm đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Hành trình vươn lên mạnh mẽ ấy là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó và khát vọng đổi thay của một vùng quê miền núi còn nhiều gian khó và công lao lớn nhất phải kể đến ông Triệu Trung Hương, Bí thư Chi bộ.

Ông Triệu Trung Hương (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên và xã Xuân Tầm vận động nhân dân thôn Khe Đóm hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi đến thôn Khe Đóm vào một ngày giữa tháng 4, khi cái nắng chuyển mùa làm sáng bừng một vùng quê trù phú. Trong tiếng máy xay vỏ quế rào rào, ông Triệu Trung Hương niềm nở bắt đầu câu chuyện: "Làm cán bộ cơ sở không nói suông được. Muốn dân theo thì mình phải đi trước, làm trước”.
Thôn Khe Đóm cách trung tâm xã hơn 10km, cả thôn có 137 hộ dân, 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Hơn chục năm trước, đường vào Khe Đóm chỉ là đường mòn nhỏ hẹp, mùa mưa sình lầy trơn trượt, mùa nắng bụi đỏ phủ mù. Cuộc sống thuần nông, nguồn sống chủ yếu của người dân khi đó là làm nương rẫy, trồng ngô, sắn, lúa nương và chăn nuôi nhỏ lẻ. Năng suất thấp, nghèo đói đeo bám, cái vòng luẩn quẩn không lối thoát khiến không ít người trẻ rời bản đi làm thuê xa quê.
Sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất Khe Đóm, ông Triệu Trung Hương thấm thía hơn ai hết những tháng ngày gian khó, cái đói, cái rét từng bám riết lấy bản làng. Cả thôn như bị bó gọn trong núi rừng, thiếu điện, thiếu nước, thiếu con chữ. Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2008 ông được bà con nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, đến năm 2018 ông được bầu làm Bí thư Chi bộ. Dù ở cương vị nào, ông Hương luôn tâm niệm phải bằng mọi cách để thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây.
Vậy là những cuộc họp thôn được triển khai với sự góp mặt của hầu hết người dân. Tuy nhiên khi bàn về giải pháp vay vốn để phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thì ai cũng lắc đầu cho là không làm được. Đất canh tác thì nhiều, song thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên cây sắn, cây ngô, thậm chí là cây lâm nghiệp cũng không cho hiệu quả kinh tế như mong muốn. Nhiều hộ vẫn quen với tập quán cũ, chưa dám thay đổi, mạnh ai nấy làm.
Để đồng bào tin tưởng và làm theo, ông chủ động đứng ra vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua cây, con giống về phát triển kinh tế. Những diện tích đồi rừng ông tập trung trồng quế, kết hợp với trồng cây lương thực ngắn ngày để phát triển chăn nuôi; tìm đọc sách báo và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật phát triển kinh tế của xã, của huyện rồi về truyền tải lại cho bà con trong thôn.
Muốn thoát nghèo, người dân phải làm chủ được tư duy sản xuất và liên kết, ông đã nhờ cán bộ xã cùng với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật và mạnh dạn thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu. Nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt được tổ chức ngay tại thôn. Hợp tác xã, tổ nhóm cùng sở thích được hình thành. Các nguồn vốn vay ưu đãi theo chương trình 30a, 135 hay Ngân hàng Chính sách Xã hội… đã đến tay người dân đúng lúc, tiếp sức cho những mô hình kinh tế mới hình thành.
Ông Hương chia sẻ: "Chúng tôi xác định rõ, cán bộ phải đi trước, đảng viên phải làm trước. Muốn dân theo thì mình phải gương mẫu. Nhiều đảng viên trong thôn mạnh dạn vay vốn, trồng quế, trồng dược liệu, chăn nuôi dê, gà, trâu sinh sản… Khi có hiệu quả, người dân tin và làm theo".
Vậy là những đồi quế có sự đầu tư chăm sóc đã dần phủ kín khắp các nương đồi; chăn nuôi cũng được phát triển theo hướng hàng hóa, cuộc sống người dân đã được cải thiện. Ngoài cây quế, ông còn vận động đồng bào phát triển thêm các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng như: ba kích, sa nhân, hà thủ ô…
Kết hợp với chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn, của để. Đến nay, trong thôn đã phát triển được gần 20 mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh; 1.800 ha quế, trong đó có hơn 120 ha quế hữu cơ, giá trị bình quân mỗi ha quế đạt hơn 1,6 tỷ đồng đã mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào, hơn 80 hộ dân trong thôn có thu nhập bạc tỷ từ cây quế.
Không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, ông Hương còn dành nhiều tâm huyết cho mục tiêu đưa Khe Đóm trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Biết đây là mục tiêu lớn, cần sự đồng thuận cao, ông kiên trì tuyên truyền trong từng cuộc họp thôn, từng lần gặp gỡ. Tập trung vào tiêu chí của từng năm, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, ông cùng Ban Phát triển thôn tập trung ưu tiên hạng mục giao thông nông thôn, coi đây là mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất.
Ông vận động nhân dân hiến đất mở đường, đóng góp tiền, tham gia ngày công làm đường bê tông. Để nhân dân hưởng ứng và làm theo, ông đã tự nguyện phá bỏ 40m chiều dài tường rào và cả đồi quế hơn 1.000 m2 để mở đường giao thông nông thôn và đường sản xuất giúp bà con nhân dân thuận tiện trong việc đi lại cũng như thông thương hàng hóa. Nói được làm được, trong giai đoạn 2018 - 2024, ông Hương đã vận động bà con nhân dân đóng góp được trên 3 tỷ đồng tền mặt, hiến trên 5.000 m2 đất ở, đất vườn tạp để xây dựng nông thôn mới.
Từ một nơi không có đường ô tô vào thôn, nay tuyến đường bê tông dài 4km đã hoàn thành, nối Khe Đóm với trung tâm xã. Trường lớp được đầu tư xây dựng kiên cố, trẻ em được học chữ gần nhà, nước sinh hoạt hợp vệ sinh được bảo đảm. Thôn đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, có sân chơi, có loa truyền thanh kết nối thông tin. Các phong trào văn hóa thể thao được khôi phục và phát triển. Người dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gìn giữ tiếng nói, chữ viết và các nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Nhân dân thôn Khe Đóm phá bỏ tường rào xây dựng nông thôn mới.
Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của Khe Đóm đạt trên 55 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 7,5%; tỷ lệ hộ giàu trong thôn chiếm gần 60%; tỷ lệ nhà xây kiên cố đạt 98%; trên 95% hộ đạt gia đình văn hóa; tháng 12/2024, Khe Đóm chính thức được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu, trở thành thôn đầu tiên của xã Xuân Tầm và một trong số ít thôn vùng cao của huyện Văn Yên đạt thành quả này.
Nhìn lại chặng đường đã qua, người dân Khe Đóm hôm nay không giấu được niềm tự hào. Những ngôi nhà xây trị giá bạc tỷ giữa thung lũng, những nương quế bạt ngàn trải dài theo triền núi, những ánh mắt lấp lánh niềm tin của người nông dân chân chất, tất cả như minh chứng cho sức vươn bền bỉ của một vùng quê từng chìm trong gian khó.
Gần 60 tuổi đời, ông Triệu Trung Hương vẫn bền bỉ như cây quế giữa rừng già, thầm lặng nhưng vững chãi. Với ông, niềm vui lớn nhất là nhìn thấy cuộc sống của người dân ấm no, trẻ em được đến trường, đường làng sạch sẽ, bản làng yên vui.
Cũng chính bởi sự đoàn kết, nhất trí của đồng bào và những đảng viên trẻ, nhiều năm liền Chi bộ thôn Khe Đóm được đánh giá trong sạch vững mạnh, được Huyện ủy Văn Yên khen thưởng nhiều năm, bản thân ông Hương cũng được Huyện ủy Văn Yên khen thưởng là Bí thư Chi bộ tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Giữa đại ngàn Xuân Tầm hôm nay, ánh sáng Khe Đóm đã không còn le lói mà rực sáng nơi mỗi mái nhà, rạng rỡ những nụ cười của người Dao. Người truyền cảm hứng và thắp lên ánh sáng ấy không ai khác chính là Bí thư Chi bộ Triệu Trung Hương - Trưởng thôn người Dao Khe Đóm.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/349180/nguoi-thap-sang-ban-dao.aspx