Người trẻ góp sức bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội

Ngày nay, nhiều lễ hội được khôi phục, phát triển mạnh mẽ. Hòa cùng không gian văn hóa đó, thế hệ trẻ Hà Tĩnh đã có những hành động tích cực, thiết thực, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.

 Chị Võ Thùy Linh.

Chị Võ Thùy Linh.

Chị Võ Thùy Linh (thị trấn Thạch Hà): Đi lễ chùa cầu bình an và hướng thiện

Từ nhỏ, tôi đã thường xuyên theo bà ngoại lên chùa để tụng kinh niệm Phật và cầu bình an mỗi dịp lễ, tết. Thói quen đó đến tận bây giờ tôi vẫn giữ và thực hành theo cách thức mà bà tôi đã dạy. Mỗi lần đi lễ chùa, tôi đều thấy tâm hồn thư thái, bình an. Đặc biệt, trong những dịp quan trọng như đầu xuân năm mới, tôi luôn cầu mong những điều may mắn, an lành cho gia đình và tất cả mọi người. Những bài giảng về phật pháp cũng giúp tôi luôn sống hướng thiện, biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh.

Nhiều năm nay, tôi là một thành viên trong hội thanh niên phật tử của chùa Phúc Linh (xã Thạch Đài - TP Hà Tĩnh). Tôi cùng với nhiều bạn trẻ phật tử khác thường xuyên lên chùa phụ giúp các sư thầy vệ sinh cảnh quan, bày biện lễ vật; tham gia các chương trình thiện nguyện. Vào các dịp lễ trọng như: Phật đản, Vu lan, mừng xuân mới hay khóa tu mùa hè…, chúng tôi tham gia tích cực trong ban hậu cần, hướng dẫn người dân, phật tử hành lễ đúng quy định, góp phần vào thành công của các buổi lễ, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống.

 Chị Nguyễn Thị Phương.

Chị Nguyễn Thị Phương.

Chị Nguyễn Thị Phương - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên): Thanh niên tích cực tham gia thực hành lễ hội

Cầu ngư Nhượng Bạn là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người dân xã Cẩm Nhượng, được tổ chức vào ngày mùng 7-8/4 âm lịch hằng năm. Thế hệ thanh niên chúng tôi lớn lên đã được ông bà, cha mẹ kể nhiều về nguồn gốc và cách thức thực hành lễ hội này.

Xác định vai trò của tuổi trẻ trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương, đặc biệt là lễ hội cầu ngư, thời gian qua, Đoàn Thanh niên xã Cẩm Nhượng đã phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội; vận động ĐVTN và người dân chia sẻ, lan tỏa thông tin về lễ hội; triển khai mô hình bản đồ số các di tích lịch sử, lễ hội văn hóa trên địa bàn để tạo thuận lợi cho du khách truy cập, tìm hiểu.

Cùng đó, tham gia chỉnh trang, lao động vệ sinh tại khu vực Miếu Ngư Ông - nơi diễn ra lễ hội cầu ngư; điều động lực lượng đoàn viên tham gia tập luyện cho lễ hội… Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương; đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của ĐVTN trong bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống gắn với phát triển KT-XH, xây dựng xã Cẩm Nhượng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Anh Nguyễn Mậu Tài.

Anh Nguyễn Mậu Tài.

Anh Nguyễn Mậu Tài - xã Sơn Ninh (Hương Sơn): Nhân lên nguồn cảm hứng trong cuộc sống

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là sự kiện văn hóa quan trọng, là dịp tôn vinh công lao to lớn của Đại danh y Lê Hữu Trác. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội, trong đó phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian sôi nổi.

Tại lễ hội năm nay, tôi tham gia Giải Việt dã leo núi Minh Tự. Giải có sự tham gia của 101 VĐV (52 nam, 49 nữ) đến từ 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Chúng tôi thi đấu với khí thế hào hứng và nỗ lực hết mình để chinh phục quãng đường dài hơn 800m, độ cao khoảng 800m.

Bằng nỗ lực và quyết tâm cao độ, tôi đã vượt qua 51 VĐV để giành giải nhất ở nội dung cá nhân nam. Với tôi, thành tích này không chỉ là niềm vui cá nhân mà còn là động lực để tiếp tục cố gắng hơn trong cuộc sống. Tôi tin rằng, tinh thần của Hải Thượng Lãn Ông về sự kiên trì, nỗ lực và không ngại khó khăn, thử thách… sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho bản thân.

Tại lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, huyện Hương Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động khác như lễ dâng hương, giải đua thuyền, thi viết thư pháp, gói bánh chưng… Các hoạt động của lễ hội đã giúp tôi hiểu rõ hơn về những giá trị mà Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho hậu thế. Đây cũng là cơ hội để những người trẻ ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa.

 Chị Đào Thị Ánh Linh.

Chị Đào Thị Ánh Linh.

Chị Đào Thị Ánh Linh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Green (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh): Nỗ lực hơn trong việc khai thác giá trị lễ hội

Lễ hội được coi là nét văn hóa không thể thiếu của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo số liệu thống kê, cả nước có gần 8.000 lễ hội, riêng Hà Tĩnh hiện có 67 lễ hội được duy trì và diễn ra dàn trải trong năm. Trong đó, có một số lễ hội nổi tiếng như: Lễ hội chùa Hương Tích (Can Lộc), Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn), Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (Thạch Hà), Lễ giỗ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (TX Kỳ Anh)…

Các lễ hội đều gắn với di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng của mảnh đất Hà Tĩnh. Vì vậy, việc tỉnh nhà tổ chức các lễ hội sẽ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử… khiến du khách càng thêm yêu mến miền đất núi Hồng - sông La.

Với vai trò là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tôi nhận thấy rõ tiềm năng to lớn của việc khai thác các giá trị lễ hội trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, chúng tôi sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn như: tour khám phá lễ hội, các chương trình trải nghiệm văn hóa… Cùng đó, tăng cường giới thiệu các lễ hội truyền thống của Hà Tĩnh với du khách qua các kênh như mạng xã hội, website, báo chí, truyền hình... Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố khác nhằm giới thiệu sản phẩm tour mang tính chất liên kết vùng... góp phần tạo sức hút, xúc tiến du lịch. Kỳ vọng, những nỗ lực đó sẽ góp phần đưa du lịch tỉnh nhà ngày càng phát triển, đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống Hà Tĩnh.

Kiều Minh - Anh Thùy (ghi)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nguoi-tre-gop-suc-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-le-hoi-post282751.html