Nguồn nhân lực then chốt cho phát triển công nghiệp văn hóa
Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh xác định nguồn nhân lực sáng tạo là một trong sáu trụ cột ưu tiên. Thế nhưng, từ giảng đường đến thực tiễn thị trường, câu chuyện đào tạo và sử dụng nhân lực văn hóa - nghệ thuật tại thành phố lớn nhất cả nước vẫn tồn tại nhiều nút thắt: hệ thống đào tạo chưa đồng bộ, thiếu hụt chuyên ngành mới, rào cản về chính sách và đặc biệt là môi trường thực hành nghề nghiệp còn nhiều hạn chế.
Những khoảng trống trong hệ thống đào tạo
“Điện ảnh là ngành công nghiệp của những người giàu: giàu ý tưởng, giàu đam mê, nhưng cũng rất cần tiền và nguồn lực lớn”, Tiến sĩ Phạm Huy Quang, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh nhận định. Theo ông, TP Hồ Chí Minh là địa phương năng động nhất cả nước về công nghiệp giải trí, đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh, nhưng nguồn nhân lực của ngành vẫn vừa thiếu, vừa yếu. Các lĩnh vực đặc thù như biên kịch, dựng phim, phục trang hay kỹ thuật hậu kỳ gần như chưa có nơi đào tạo bài bản.

TP Hồ Chí Minh - địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa với hệ thống âm thanh ánh sáng sân khấu và trình độ nghệ sĩ đạt tầm quốc tế.
“Hiện nay, nhiều trường thiếu giáo viên có trình độ tiến sĩ để có thể đăng ký mở mã ngành đạo diễn sân khấu, chưa kể thiếu cơ sở vật chất như phim trường, sân khấu chuẩn cho sinh viên thực hành. Mỗi khi cần, giảng viên và sinh viên lại phải tự đi thuê, tự nghĩ cách xoay sở… rất khó để đào tạo nghề một cách căn cơ”, Tiến sĩ Phạm Huy Quang cho biết.
Tình hình chung tại các trường nghệ thuật lớn ở TP Hồ Chí Minh như Nhạc viện, Đại học Văn hóa, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật... cũng tương tự, vẫn duy trì các ngành truyền thống như biểu diễn, đạo diễn, kỹ thuật âm thanh nhưng còn thiếu vắng các chuyên ngành mới như quản lý nghệ thuật, truyền thông văn hóa, thiết kế thị giác, sản xuất nội dung số - những lĩnh vực thiết yếu để vận hành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hiện đại.

Biểu diễn âm nhạc dân tộc tại các sự kiện văn hóa của thành phố.
Một “khoảng trống” quan trọng khác là ngành lý luận - phê bình điện ảnh. NSND Đào Bá Sơn cho rằng: “Đây là trụ cột trong việc tạo hệ sinh thái sáng tạo lành mạnh và phản biện văn hóa, nhưng hiện phía Nam chưa có nơi nào đào tạo chính quy. Nếu không lấp đầy, chúng ta khó có một thị trường văn hóa phát triển bền vững”.
Đào tạo diễn viên sân khấu cũng đang đối mặt với nhiều rào cản. NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh chia sẻ có những trường hợp các em có năng khiếu cải lương rất tốt nhưng lại không có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông nên không thể nhận vào trường. “Nếu không có các hệ đào tạo đặc thù như Trung cấp, thì những tài năng chớm nở ấy sẽ mai một, đi làm nghề khác”, ông lo lắng.
Các nghệ sĩ kỳ cựu như NSƯT Hữu Châu, NSƯT Lê Tứ cũng đồng tình cần có mô hình tuyển sinh linh hoạt, giống như Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 trước đây, nơi học sinh được đào tạo từ lớp 9, vừa học văn hóa nền tảng, vừa học chuyên môn nghệ thuật, giúp phát hiện và nuôi dưỡng tài năng từ sớm.
Cần đột phá để ươm mầm sáng tạo
Không chỉ thiếu ngành học, sinh viên nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh còn thiếu cả môi trường rèn nghề. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã từng nhấn mạnh: “Phải chuyển từ đào tạo người làm nghề sang đào tạo người sáng tạo, người tổ chức, người tư duy văn hóa”. Bà cho rằng, chính sách đào tạo phải mở, linh hoạt, cập nhật công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, nghệ thuật số và đặc biệt phải gắn với doanh nghiệp sáng tạo.

Thành phố xác định công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế quan trọng.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố chưa có một hệ thống đào tạo - sử dụng - tái đào tạo nhân lực văn hóa theo mô hình công nghiệp. Các trường vẫn đào tạo theo hướng chuyên ngành hẹp, thiếu kỹ năng quản trị, tư duy liên ngành và không kết nối với thị trường lao động. Thành phố cũng chưa có trung tâm tích hợp đào tạo nhân lực công nghiệp văn hóa, nơi sinh viên vừa học nghề, vừa thực hành cùng doanh nghiệp và nghệ sĩ trong môi trường sáng tạo thực tế.
Trong lĩnh vực đào tạo kết hợp công nghệ, đại diện TikTok Việt Nam cho biết sẵn sàng phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo online - offline, các ngày hội sáng tạo cho nghệ sĩ trẻ và người yêu nhạc để lan tỏa tri thức đến cộng đồng một cách nhanh chóng.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, nhấn mạnh: “Cần chú trọng cả đào tạo ngắn và dài hạn, phát hiện tài năng từ sớm, tận dụng nền tảng số để truyền dạy, chia sẻ tri thức sáng tạo, giúp nguồn nhân lực văn hóa bắt kịp thời đại”.

Không gian văn hóa hiện đại là nơi giới trẻ và công chúng được cảm nhận đa giác quan, có sự kết hợp của khoa học công nghệ.
“Chúng ta đã làm quá chậm và có phần tự phát. Việc cần làm bây giờ là tạo ra một môi trường sinh thái cho đào tạo nguồn nhân lực, nơi con người không chỉ biểu diễn mà còn tham gia các khâu sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm văn hóa đến gần hơn với công chúng”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh đề nghị. Theo bà, chất liệu dân tộc và truyền thống đang có rất nhiều, nhưng quan trọng là cách thể hiện để kết nối hiệu quả với giới trẻ, nhóm đối tượng có vai trò quyết định thị trường hiện đại.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc Vietfest, cũng đã chỉ rõ khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn. “Ở các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan hay Anh, người ta rất chú trọng đào tạo nhân lực cho công nghiệp âm nhạc, từ nghệ sĩ đến nhà tổ chức sự kiện, nhà kinh doanh âm nhạc. Phải có vườn ươm, có đào tạo chuyên sâu về cách tổ chức và bán được show thì ngành mới phát triển bền vững. Trong khi đó ở ta, nhiều sự kiện vẫn làm miễn phí chứ chưa chú trọng tạo doanh thu từ bán vé - yếu tố sống còn để nhà đầu tư cảm thấy thị trường nghiêm túc và nghệ sĩ được trân trọng”, ông Phạm Minh Toàn cho biết.
“Chúng tôi xác định phát triển nguồn nhân lực sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đến 2030. Thành phố sẽ xây dựng trung tâm ươm tạo tài năng, hỗ trợ đào tạo kết hợp công nghệ số và tương tác thực tiễn, đồng thời tận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để thu hút đầu tư xã hội hóa vào công tác đào tạo nhân lực công nghiệp văn hóa”, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Không gian văn hóa hiện đại là nơi giới trẻ và công chúng được cảm nhận đa giác quan, có sự kết hợp của khoa học công nghệ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phát triển nguồn nhân lực thông qua chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài và tạo môi trường sáng tạo thuận lợi; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại và hợp tác văn hóa quốc tế, nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa để kết nối các dự án và nguồn lực, đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, mục tiêu là biến TP Hồ Chí Minh thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14% mỗi năm và đóng góp 7% GRDP vào năm 2030.
Tuy vậy, như nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nếu không giải được bài toán nhân lực thì mọi mục tiêu trong đề án phát triển công nghiệp đều khó khả thi. Một nền công nghiệp văn hóa bền vững cần bắt đầu từ những con người hiểu nghề, yêu nghề và đủ điều kiện để sống được với nghề. Nếu con người vừa yếu vừa thiếu thì dù có đầu tư rạp hát, nhà hát hay công nghệ hiện đại đến đâu, cũng không thể vận hành được ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa.