Nguy cơ lây lan dịch cúm trong mùa nồm ẩm

Hiện nay, tại nhiều bệnh viện lớn, số ca nhập viện do nhiễm cúm A đang tăng đột biến, trong đó không ít trường hợp biến chứng nặng. Mùa lễ hội cùng thời tiết nồm ẩm thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh, khiến nguy cơ bùng phát dịch tăng cao.

Mới đây, Hệ thống Y tế MEDLATEC tiếp nhận ba trường hợp trẻ mắc cúm A là ba chị em. Trong đó, hai trẻ có diễn biến nặng với biến chứng viêm phổi, phải nhập viện để điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, ho, đau họng và sổ mũi. Các chủng virus cúm mùa phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm gia tăng đột biến, từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên hơn 1.200 ca trong dịp Tết, tăng gấp 6 lần. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận điều trị khoảng 10 ca mắc cúm, trong đó có những ca biến chứng nặng.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại (Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội); Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Nhiều ca phải thở máy, đã có trường hợp tử vong.

Bệnh cúm lây lan nhanh qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, tạo ra các giọt bắn chứa virus. Ngoài ra, virus cúm có thể tồn tại trên bề mặt đồ vật trong nhiều giờ, làm tăng nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc tay-mắt, tay-miệng nếu không rửa tay thường xuyên. Hiện nay, nhu cầu đi lại, tham gia lễ hội, giao lưu đầu năm tăng cao, cùng với thời tiết nồm ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm.

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, ho, đau họng và sổ mũi. Các chủng virus cúm mùa phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và có thể hồi phục sau 5 đến 7 ngày.

Tuy nhiên, với trẻ em, người cao tuổi hoặc người mắc bệnh mạn tính (tim, phổi, thận, chuyển hóa, thiếu máu, suy giảm miễn dịch...), cúm có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm, như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim và làm trầm trọng thêm bệnh nền, thậm chí dẫn đến tử vong.

Trước tình trạng một số trẻ nhập viện muộn (sau 3 đến 4 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng), dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa..., các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu: sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc bị co giật; khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường; đau ngực, đau cơ dữ dội; tím môi, đầu chi, tay chân lạnh; trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều.

Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cảnh báo, thành phố Hà Nội đang đối diện nguy cơ bùng phát cúm mùa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh lây lan từ nhiều nơi. Cúm mùa từng gây ra các dịch lớn, như: H5N1, H1N1 và đang bùng phát mạnh tại Nhật Bản. Ðiều kiện thời tiết đông-xuân hiện nay rất thuận lợi cho virus phát triển.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính có thể gây viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng toàn thân, đe dọa đến tính mạng. Tiêm vaccine cúm hằng năm là biện pháp phòng bệnh chủ động, giúp cơ thể có miễn dịch trước khi vào mùa dịch.

Các nghiên cứu cho thấy, vaccine cúm có hiệu quả bảo vệ từ 50-70%, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế biến chứng nặng. Tháng 9 đến tháng 10 hằng năm là thời điểm thích hợp để tiêm phòng vaccine cúm để cơ thể có miễn dịch với bệnh này trước khi thời tiết chuyển sang mùa đông-xuân.

Ðặc biệt, phụ nữ mang thai nếu mắc cúm trong ba tháng đầu thai kỳ có thể đối diện nguy cơ dị dạng thai nhi, thai chết lưu hoặc sinh non. Vì vậy, tiêm phòng cúm trước khi mang thai là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Ngày 8/2, Bộ Y tế đã có văn bản gửi đến UBND các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường phòng chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Theo đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp và triển khai các biện pháp kiểm soát dịch. Các đơn vị có liên quan bảo đảm vệ sinh môi trường, theo dõi sức khỏe của người lao động, trẻ em, học sinh và hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân.

Trước nguy cơ dịch cúm bùng phát, mỗi cá nhân cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Khi có triệu chứng nghi ngờ cúm, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Việc tuân thủ các khuyến cáo từ Bộ Y tế là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

THƯ MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguy-co-lay-lan-dich-cum-trong-mua-nom-am-post859596.html