Nguy cơ trái phiếu doanh nghiệp năng lượng tái tạo trở thành 'bom nợ'
Huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao để đổ vào các dự án năng lượng tái tạo nhưng đây lại là ngành còn nhiều vướng mắc phải tháo gỡ. Nhiều ý kiến cho rằng, trái phiếu năng lượng tái tạo có nguy cơ lặp lại vết xe đổ của các doanh nghiệp giao thông ở các dự án BOT của nhiều năm trước.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam và các công ty chứng khoán, trong 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp năng lượng đã huy động gần 22.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Đến quý 4, trái phiếu của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo tuy có phần chững lại nhưng vẫn giữ đà tăng trưởng. Làn sóng này được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ thời gian tới, khi làn nhiều dự án năng lượng tái tạo vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Huy động vốn qua kênh trái phiếu tăng mạnh
Công bố thông tin trên HNX cho thấy, nửa cuối tháng 12/2021, Công ty Hoàn Cầu Solar LA đã huy động thành công 1.100 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm. Đây là doanh nghiệp đang phát triển dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Park 5 giai đoạn 1, với tổng công suất 625MWp, diện tích 500ha.
Nhà máy này thuộc dự án Công viên Năng lượng Mặt trời Solar Park, tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An bao gồm 12 nhà máy với công suất 1600 MWP trên diệntích 1000 ha. Dự án này đã hoàn thành và đi vào hoạt động các nhà máy 1, 2, 3, 4.
Trước đó, Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) đã phát hành thành công 1.070 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9/2021. Số vốn huy động được Vietracimex dùng tài trợ phương án hợp tác đầu tư (BCC) với Công ty Năng lượng Cà Mau 1A, Công ty Năng lượng Cà Mau 1B để thực hiện dự án nhà máy điện gió Cà Mau 1A, 1B.
Đây là nhà máy thành phần thuộc dự án Điện gió Cà Mau 1 – giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng do Vietracimex làm chủ đầu tư có công suất 350 MW, bao gồm 4 nhà máy 1A, 1B, 1C và 1D.
Một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực năng lượng cũng được chấp thuận phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Mục đích của đợt phát hành trái phiếu lần này nhằm huy động vốn bổ sung vốn lưu động để tài trợ các dự án điện gió đang triển khai tại Trà Vinh và Sóc Trăng.
Trước đó, một doanh nghiệp lớn đã huy động 9.500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu chỉ trong 9 tháng năm 2021. Mục đích chào bán trái phiếu để triển khai dự án năng lượng tái tạo khác và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.
Trong năm ngoái, doanh nghiệp này và các đơn vị thành viên đã huy động khoảng 13.000 tỷ đồng, phần lớn đổ về các dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận.
Tương tự, Công ty Điện Gia Lai gần đây đã huy động thành công 700 tỷ đồng trái phiếu. Hồi tháng 9/2021, Công ty Điện gió Bắc Phương và Công ty Điện mặt trời VKT - Hòa An đã huy động hàng trăm tỷ đồng trái phiếu từ một tổ chức tín dụng để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo khu vực phía Nam.
Hầu hết các doanh nghiệp này đều đưa ra mức lãi suất dao động từ 9-11%/năm kết hợp giữa cố định và thả nổi. Thực tế, lượng trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo không thua kém gì các doanh nghiệp bất động sản, những lĩnh vực đều đang trong tình trạng "khát vốn".
Rủi ro vỡ phương án tài chính
Thực tế, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng còn tất lớn khi Chính phủ định hướng cắt giảm những nguồn điện gây ô nhiêm, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ, tỷ trọng đóng góp của nguồn điện năng lượng tái tạo trong tổng công suất hệ thống điện sẽ tăng mạnh trong tương lai, chiếm 40,6% tổng công suất hệ thống điện vào năm 2045. Trong đó, điện gió và điện mặt trời sẽ là động lực chính, còn điện sinh khối và thủy điện nhỏ (công suất dưới 30MW) sẽ chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Quan điểm chủ đạo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII là giảm điện than, khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới.
Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực năng lượng, vốn trước đây chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, hiện nay để thực hiện mục tiêu bãi bỏ nhiệt điện than, năng lượng hóa thạch các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang rất cần vốn để phát triển các dự án mới. Trong khi nguồn vốn tự có hạn chế và khả năng huy động từ các tổ chức tín dụng có giới hạn, việc phát hành trái phiếu ồ ạt trong thời gian qua là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, tương tự như với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, các dự án năng lượng tái tạo cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt nhiều dự án không có bảo lãnh thanh toán. Bảo lãnh thanh toán là bên trung gian đứng ra nhận thanh toán hộ nếu như bên phát hành không thể thanh toán được.
Lo ngại về nguy cơ vỡ phương án tài chính của các dự án cũng rất cao khi nhiều dự án điện mặt trời đến nay đang ở thế lưỡng nan, nếu triển khai thì tiếp tục thua lỗ mà bán lại cũng không thể vì nhiều dự án chưa có đường dây tải điện (đặc biệt là các dự án tại Ninh Thuận, Bình Thuận),
Ngay cả với những dự án năng lượng gió vốn được cho là có nhiều ưu đãi hơn về chính sách cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, khả năng thu hồi vốn là tương đối lâu dài.
Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, một dự án năng lượng tái tạo có thể bước vào chu kỳ sản xuất để sinh lời phải mất đến hàng chục năm, trong khi TPDN chỉ phát hành nhiều nhất là trong 5 năm, còn lại khoảng 2-3 năm nên sẽ có rất nhiều vấn đề cần chú ý.
"Tôi biết thời gian qua có doanh nghiệp dù làm ăn không lợi nhuận bao nhiêu, nhưng phát hành trái phiếu cao gấp hàng chục lần số vốn thực họ đang có. Đây là điều nguy hiểm đối với nhà đầu tư khi mua vào", ông Định Trọng Thịnh cho biết.
Thậm chí, có ý kiến lo ngại rằng, với mức tăng trưởng như hiện nay, trái phiếu năng lượng tái tạo rất có thể sẽ lặp lại vết xe đổ của các doanh nghiệp giao thông ở các dự án BOT của nhiều năm trước.
Chia sẻ tại một hội thảo về năng lượng tái tạo gần đây, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội (MBBank) ước tính, hiện có khoảng 7 tỷ USD "chơi vơi" ở các dự án điện gió không kịp vận hành thương mại trước 1/11 để hưởng giá FIT, trong đó các ngân hàng góp 4 tỷ USD (cho vay 70% tổng vốn đầu tư).
"Cứ mỗi ngày trôi qua, 7 tỷ USD của nhà đầu tư và tài sản quốc gia không có lời, các ngân hàng cũng không dám giải ngân với các dự án chưa có COD - ngày vận hành thương mại (Commercial Operation Date). Chúng tôi không biết nên gia hạn hay đàm phán ra sao với nhà đầu tư. Covid-19 khiến các dự án điện gió chịu ảnh hưởng ít nhất 4 tháng", ông nói.